Thịt lợn không có dấu kiểm dịch
8 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt tại chợ Giát - thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu). Tại khu vực mua bán thịt, lúc này có 5 bàn thịt lợn đang bày bán.
Trong vai người đi mua thịt lợn, tôi cố gắng tìm miếng thịt lợn có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, cho yên tâm. Tuy nhiên, sau một vòng đi hết các bàn thịt, tuyệt đối không có mảnh thịt lợn nào đã được đóng dấu thú y.
Người bán thịt lợn cho rằng: Từ trước đến nay không có cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch lên thịt lợn, bây giờ dịch tả lợn châu Phi đang lây lan cũng vậy. Vì không có dấu kiểm dịch của thú y nên người tiêu dùng rất ít mua thịt lợn. Vì thế, số lượng thịt lợn bây giờ chỉ tiêu thụ bằng một nửa so với trước đây khi chưa có dịch tả lợn châu Phi.
Do vậy, bà con buôn bán thịt lợn mong muốn cơ quan thú y kiểm tra cả đầu vào và đầu ra sản phẩm thịt lợn, hàng ngày đóng dấu kiểm dịch lên sản phẩm thịt lợn để người tiêu dùng tin dùng. Nếu không người dân sẽ "quay lưng" với thịt lợn.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hương - cán bộ thú y thị trấn Cầu Giát thừa nhận chưa tổ chức đóng dấu kiểm dịch trên sản phẩm thịt lợn trước khi bán ra thị trường, bởi không có dấu. Hơn nữa trên địa bàn chưa có lò mổ tập trung nên rất khó trong kiểm soát giết mổ.
Vùng tâm dịch lơ là
9 giờ 30 phút, chúng tôi đến "tâm dịch" tả lợn châu Phi tại xóm 11, xã Quỳnh Hưng. Trên các trục đường chính vào xóm 11, địa phương đã lập điểm chốt kiểm dịch. Tại mỗi chốt kiểm dịch có sào chắn barie, có lều dành cho người trực chốt, có bạt khử trùng...
Trên các trục đường của xóm 11, nhiều điểm đã được rắc vôi bột; đặc biệt tại khu vực chợ cóc của xã không có thịt lợn bán.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại chốt kiểm dịch, có 1 người đàn ông ngồi trong lều nhưng tuyệt nhiên không ra chốt chặn để phun hóa chất khi các xe ô tô ra - vào vùng có dịch. Bạt khử trùng không có rơm và vôi bột phủ bổ sung.
Ông Phạm Trung Thiên - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng cho rằng: Sau khi có dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn, xã đã lập 3 chốt kiểm dịch vào ổ dịch. Mỗi chốt trực luôn có 2 người trực chốt 24/24 giờ. Tất cả các phương tiện tham gia giao thông ra vào khu vực có dịch đều phải phun hóa chất khử trùng. Tuy nhiên, khi phóng viên dẫn chứng các xe ra - vào vùng dịch không có lực lượng chốt trực ra phun hóa chất?. Ông Thiên biện minh: Do sáng nay xã tổ chức cuộc họp triển khai các giải pháp chống dịch tả lợn châu Phi nên lực lượng chốt trực không được đảm bảo!
Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang gặp khó khăn, vì kinh phí của huyện hạn hẹp. Tuy nhiên, UBND huyện đã xây dựng các kịch bản đối với từng mức độ của dịch. Huyện cũng chỉ đạo các xã có dịch ưu tiên lực lượng, kinh phí để phòng chống dịch.
Song, trong quá trình thực hiện nhiều địa phương chưa làm đến nơi đến chốn, việc cắt cử người trực chốt chưa đảm bảo; bạt khử trùng làm chưa đạt tiêu chuẩn, vôi bột chưa được bổ sung thường xuyên. Vừa qua, huyện đã phê bình một số xã chưa làm tốt công tác phòng dịch.
Đối với công tác đóng dấu kiểm dịch trên thịt lợn, ông Hoàng Văn Bộ cho rằng, huyện chưa có lò mổ tập trung nên khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ.
Có thể thấy, tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi như huyện Quỳnh Lưu trong những ngày qua là tiềm ẩn nguy cơ cao dịch bùng phát trên diện rộng./.