motgoclachconthuocdiabanquynhphuong12908776_772018.jpgMột góc lạch Cờn thuộc địa bàn phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Đào Tuấn

Nghệ An là một trong những địa phương có thế mạnh về nghề đánh bắt khai thác thủy sản trên biển. Tính đến tháng 5/2018, toàn tỉnh có 3.805 phương tiện đánh bắt, trong đó có 1.434 tàu có công suất từ 90CV trở lên.

Trong số 35 xã, phường của 6 huyện, thành, thị có phương tiện tham gia khai thác, đánh bắt hải sản thì phường Quỳnh Phương thuộc thị xã Hoàng Mai có số lượng tàu, thuyền đông đảo nhất. Tính đến tháng 7/2018, phường Quỳnh Phương có 606 phương tiện tham gia đánh bắt trên biển. Cụ thể: Tàu công suất dưới 20CV có 262 chiếc; tàu công suất từ 20CV đến dưới 90CV có 133 chiếc; tàu công suất từ 90CV đến 400CV có 175 chiếc; tàu trên 400CV có 36 chiếc, đặc biệt có 12 tàu đóng mới theo Nghị định 67/CP có công suất 820CV mỗi chiếc.

Đánh cá trên biển Quỳnh Phương. Ảnh: P.V

Là địa phương có đội ngũ tàu thuyền tham gia sản xuất trên Biển đông nhất tỉnh nhưng điều khá thú vị là phường Quỳnh Phương chỉ có hơn 2km bờ biển chạy qua địa bàn, trong khi “hàng xóm” của Quỳnh Phương là Quỳnh Lập có bờ biển dài nhất Nghệ An với khoảng 12km.

Tỷ lệ thuận với số lượng tàu thuyền đông đảo của Quỳnh Phương là sản lượng hải sản đánh bắt hàng năm của địa phương này. Theo đó, năm 2017 sản lượng đánh bắt của ngư dân Quỳnh Phương đạt 15.551 tấn, và 6 tháng đầu năm 2018 đạt sản lượng gần 10 tấn với giá trị 253,3 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.

Ngư dân Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) kéo lưới lên tàu chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: Xuân Hoàng - Thanh Yên
Hiện nay, phường Quỳnh Phương có 11 khối dân cư phân bố trên diện tích 345 ha với hơn 18.000 người. Phường có 3.350 lao động tham gia nghề khai thác, đánh bắt trên biển, thu nhập bình quân năm 2017 đạt 120 triệu đồng/người/năm.
Cảng cá Quỳnh Phương. Ảnh Ngô Trí Hưng
Cơ cấu kinh tế của phường Quỳnh Phương hiện tập trung vào 4 lĩnh vực chủ yếu: Sản xuất, khai thác hải sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch biển (bãi tắm Quỳnh Phương) và du lịch tâm linh (gắn với di tích lịch sử đền Cờn).