(Baonghean) - Nếu muốn tìm đến một khoảng lặng, chiêm ngưỡng vẻ thâm trầm và suy tư về sự chuyển vần của thời gian, xin hãy tìm đến đền Voi, thuộc làng Nhân Sơn xưa (nay là xóm 2, xã Quỳnh Hồng - Quỳnh Lưu). Ngôi đền vẫn lưu giữ được nét cổ kính từ dáng vẻ, chất liệu, hoa văn đến những nét chạm khắc. Tất cả làm toát lên sự tài hoa và khiếu thẩm mỹ của người xưa. Đó chính là lý do để đền Voi được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử- Kiến trúc nghệ thuật.
Theo lời các bậc cao niên làng Nhân Sơn xưa, đền Voi là nơi thờ những vị thần linh đã chở che cho cuộc sống của nhân dân và thờ các bậc tiền nhân có công trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên đất nước. Đó là các vị Phan Văn Bài, Hồ Cảnh Xí và Nguyễn Duy Thời, những người có công khai phá và gây dựng nên vùng quê này. Các vị này từng được vua Cảnh Thịnh (triều Tây Sơn) và vua Tự Đức (triều Nguyễn) ban sắc phong ghi ơn công đức. Đền nằm ở vị trí trung tâm của làng, phía trái là núi Long Sơn, phía phải là núi Tượng Sơn càng tôn thêm vẻ uy nghi, bề thế. Người Nhân Sơn xưa xem đền Voi là một trong những điểm sinh hoạt tín ngưỡng, gửi gắm đời sống tâm linh và lưu giữ những nét đẹp cổ truyền. Hàng năm, tại đây người làng tổ chức các buổi lễ linh thiêng, trang trọng như lễ kỳ yên, kỳ phúc, trừ tịch, khai hạ... Qua những buổi lễ ấy, mọi người đều gửi gắm niềm mong ước về quốc thái dân an, phúc lộc dồi dào, trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Sau phần lễ thành kính, trang nghiêm là phần hội với những trò chơi dân gian như đánh đu, đấu vật, cướp cù, đánh cờ người, thổi cơm… Cùng với đó là đêm diễn những tích tuồng, vở chèo và thi hát dân ca làm cho không khí làng quê luôn dạt dào sức sống, con người phơi phới niềm vui, tình đoàn kết xóm làng ngày thêm bền chặt.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đền Voi đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Người dân làng Nhân Sơn, từ thế hệ này qua thế hệ khác thay nhau chăm sóc, hương khói tại đền. Những năm tháng ác liệt của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đền Voi dần bị xuống cấp. Một điều may mắn mà ít công trình di tích lịch sử nào có được là đến tận hôm nay, người dân địa phương vẫn bảo vệ, giữ gìn được đền Voi với 3 hạng mục quan trọng là cổng chính (nghi môn) cùng nhà hậu cung và bái đường. Tuy không giữ được nguyên trạng của hàng trăm năm trước, các hạng mục này vẫn toát lên một nét đẹp cổ kính, rêu phong, gợi lên sự uy linh và đầy tính trang nghiêm.
Nghi môn cao vút với những nét chạm khắc long, phượng và những đôi câu đối. Bái đường và hậu cung đều được làm bằng gỗ lim, những chiếc cột vững chãi đều nhuốm “màu thời gian”, từng nét chạm khắc trên các vì kèo được làm nên từ những bàn tay người thợ tài hoa, rất dụng công trong từng đường nét. Hương án và các loại đồ tế khí từng được cất giữ cẩn thận, nay được đưa ra bài trí đúng quy cách, càng tôn thêm vẻ linh thiêng. Bậc lên xuống được lát bằng những phiến đá màu xanh phẳng lì, gợi cho cháu con nhớ về một thời đã xa, nhớ về những thế hệ xưa kia nay đã về với tiên tổ từng đặt chân đến chốn này. Lòng chợt bồi hồi, thương những người đi xa rồi tự dặn lòng phải nhắc nhở cháu con không được lãng quên cội nguồn, phải luôn giữ lấy “đất lề quê thói”, giữ lấy nền tảng nhân văn người xưa truyền lại. Khuôn viên khá thênh thang, những cây cổ thụ tỏa bóng sum suê càng điểm tô thêm sự thanh tĩnh, mang lại cảm giác thanh tao, nhẹ nhàng. Chúng tôi khá ấn tượng với tấm bia đá đặt tại bái đường, bia được khắc chữ Nho, trải qua hàng trăm năm nét chữ vẫn còn rõ. Nội dung văn bia được dịch: “Trăm nghìn năm trước là do các bậc tổ tông gây dựng, trăm nghìn năm sau là do con cháu nối tiếp, việc đó, người đó mãi mãi không thể quên vậy... Nay về sau vui vẻ hòa bình, thần minh soi rọi, dân yên lợi lạc, lên đài này mà đội ơn thầm. Chẳng ai là không nói: Dựng đài thiêng này đến muôn năm nhận phúc thần ban, nhân đó ghi lại sự thực dài lâu trên đá”. Đó chính là lời nhắc nhở tới muôn đời hậu thế…
Trong các thời kỳ đấu tranh cách mạng, đền Voi là nơi ghi dấu những những sự kiện lịch sử quan trọng đối với quê hương, đất nước; nơi các đảng viên trên địa bàn tổ chức hội họp trong phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh (1930 - 1931); nơi dự trữ quân lương, điểm dừng chân của các đơn vị bộ đội trên đường hành quân ra chiến trường trong cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược.
Năm 2012, đền Voi được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật. Đây là niềm tự hào của người dân làng Nhân Sơn nói riêng, xã Quỳnh Hồng nói chung, bởi các thế hệ cha ông đã để lại cho lâu dài một công trình văn hóa tâm linh đặc sắc.
Bài, ảnh: TƯỜNG ANH