(Baonghean) - Tốt nghiệp Đại học, có một công việc nhà nước ổn định tại một cơ quan nhà nước, nhưng với mong muốn được lập nghiệp trên chính quê hương, tạo việc làm cho lao động địa phương, Nguyễn Sỹ Nhu (xóm 14, xã Diễn Yên, Diễn Châu) đã “rẽ ngang”, về quê mở xưởng may đồng phục. Sau 2 năm đi vào hoạt động, công ty may An Phước Khánh do anh nhu làm chủ đã có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng chục lao động…

Ngày còn học phổ thông ở Trường THPT Diễn Châu 2, Nhu là một lớp trưởng gương mẫu với thành tích học tập luôn đứng trong “tốp” đầu của lớp. Sau khi tốt nghiệp Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.  Hồ Chí Minh và đã làm việc ở thành phố này 4 năm, nên nhiều người bất ngờ khi cuối năm 2011 Nhu về quê để được gần bố mẹ, gần gia đình và lập nghiệp trên chính  quê hương mình. Người đầu tiên ủng hộ ý định của Nhu khi đó không ai khác là Hồ Thị Thiêm - cô bạn học hồi cấp III và sau này là vợ của Nhu. Thiêm lúc đó là kế toán một công ty với mức lương chục triệu đồng/tháng ở Sài Gòn. Nhưng rồi vì tình yêu và tin vào Nhu, cô đã sẵn sàng bỏ lại tất cả...  
images1123389_img_0461.jpgNguyễn Sỹ Nhu hướng dẫn công nhân về một mẫu áo mới.
Sau khi cưới nhau, sẵn có một gian hàng của gia đình tại chợ Phủ Diễn, vợ chồng Nhu kinh doanh áo quần. Cũng tại đây, qua tiếp xúc với khách hàng, Nhu nảy ý tưởng làm áo nhóm, “đồng phục” lớp, đồng phục theo từng nhóm bạn được học sinh ở các khối cấp II, cấp III rất ưa chuộng nhưng ở địa bàn Diễn Châu chưa có hàng. thoạt tiên,  Nhu đặt 100 áo từ Sài Gòn về để thử nghiệm, đồng thời đầu tư 30 triệu đồng mua máy in chuyển nhiệt về in ngay tại nhà. Lần đầu ấy Nhu đã thất bại. Nguyên nhân là vì vội nên áo lấy về chất lượng kém, giá đắt và hình thức không hợp với sở thích của học sinh. Hơn thế, máy in mà Nhu mua không thích hợp với chất liệu vải của áo. Do đó, nhiều mẫu tưởng đẹp nhưng in lên lại bị nhòe, xấu, không bắt mắt.
 
Thất bại đó lại cho Nhu thêm động lực, kinh nghiệm để làm lại. Liên tục 4 tháng sau đó, ngày nào Nhu cũng  truy cập các trang web để tìm hiểu về kỹ thuật in, mày mò tải phần mềm về để vẽ, thiết kế. “Khó khăn nhất của em trước đây là kỹ thuật in, đặc biệt là phần pha màu. Em không hiểu làm sao để có thể làm nổi màu trên một tấm vải màu tối. Sau đó, qua một clip trên  mạng, em mới phát hiện ra, đó là nhờ con dao bôi mực, chỉ cần thay một con dao bình thường bằng con dao cạnh trong quá trình quét màu thì mực sẽ lên. Hơn thế, cách in chuyển nhiệt mà em sử dụng trước đây không cần thiết mà chỉ cần in lụa đơn giản là màu đã lên rồi”, Nhu chia sẻ. Cũng bởi muốn lần thứ 2 thật hoàn hảo nên thay vì nhập hàng may sẵn như trước đây Nhu quyết định đầu tư nguyên liệu và máy móc về để tự may sản phẩm. Phần mẫu mã thì Nhu có hai chị con bác đều học ngành thiết kế thời trang và có thể hỗ trợ. Riêng phần nguyên vật liệu thì đích thân Nhu ra Hà Nội rồi vào Thành phố Hồ Chí Minh để “lùng” cho bằng được. Nhu kể lại: “Hôm em ra Hà Nội, trời mưa tầm tã, mất ròng rã một buổi sáng đi hàng trăm vòng ở chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân vẫn chưa tìm được vải ưng ý. Thứ mình thích thì quá đắt. Thứ hợp túi tiền thì lại xấu. Quyết tâm phải thực hiện bằng được, ngay chiều hôm đó em bay thẳng vào Sài Gòn và đến khu chợ Tân Bình, chợ Phú Thọ Hòa là nơi chuyên bán vải của các công ty để lựa chọn. Em đặt một lúc 20 cây vải rồi nhờ gửi thẳng về Diễn Châu”.
 
Đơn hàng đầu tiên mà Nhu có được thật bất ngờ, đó là may đồng phục cho đội nghi lễ phục vụ cho ngày lễ 2/9 của làng Thượng trong xã. Chỉ 30 bộ quần áo, nhưng vì khi đó cả xưởng của Nhu chỉ có 1 người thiết kế, 1 thợ may mà các bác trong xóm lại yêu cầu trong 5 ngày phải xong nên Nhu phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi. Tối không dám ngủ. Lo là vậy, nhưng khi thợ may đến bộ thứ 2 Nhu vẫn thấy chưa đạt yêu cầu và đành “bấm bụng” chấp nhận lỗ ra thuê các hiệu may trên thị trấn may cho kịp. May thay, sau khi đội nghi thức của làng biểu diễn thành công, Nhu tiếp tục được tin tưởng và được Trường Tiểu học Diễn Yên 2 đặt thêm 250 bộ đồng phục. Sau thành công của đơn hàng này, Nhu bắt đầu táo bạo hơn và ý tưởng về Công ty An Phước Khánh chuyên may đồng phục cho học sinh, sinh viên và người lao động ra đời. Đồng thời với đó, Nhu tiếp tục tuyển dụng thêm thợ may và đi tìm đầu mối khách hàng. Đến tháng 8/2013, Nhu đã có được 15 đơn hàng của các trường học trong huyện. Có những đơn hàng đồng phục của trường cấp III lên đến gần 500 triệu đồng.
 
Qua 2 năm đi vào hoạt động, dù quy mô chưa thực sự lớn, nhưng với 15 lao động và tổng doanh thu mỗi năm lên đến vài tỷ đồng, hoạt động của Công ty An Phước Khánh đã phần nào được khách hàng ở huyện Diễn Châu tin cậy tìm đến. Điều Nhu vui hơn cả là từ công ty này Nhu đã tạo việc làm cho nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn, có thêm nguồn kinh phí nhỏ để hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh khó khăn trong huyện và tham gia được nhiều phong trào đoàn của xã, của huyện. Định hướng của Nhu trong thời gian tới là sau khi lượng khách hàng đông và ổn định hơn, sẽ đầu tư để mở xưởng sản xuất và sẽ thành lập một chuỗi cửa hàng may đồng phục và thời trang công sở dành cho những người có thu nhập trung bình. Chia sẻ thêm về đường “rẽ ngang” của mình, chàng trai sinh năm 1986, này cho biết: Một số người nghĩ em gàn, dở vì học đại học ra lại về làm anh thợ may. Nhưng cái gì cũng có giá trị của nó. Nếu em không được học hành tử tế, nếu em không được đào tạo đến nơi đến chốn thì em không thể có tư duy, không có nhận thức để kinh doanh và có được những kết quả như ngày hôm nay.
 
Bài, ảnh: Mỹ Hà