(Baonghean) -  Điểm đến của tâm linh người Việt với Tứ vị Thánh Nương không chỉ có ở Đền Cờn, nhưng ngôi đền có nhiều năm tuổi này vẫn là địa danh văn hoá đặc biệt cần được đầu tư gìn giữ như một điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch của Nghệ An.
 
Đền Cờn  (ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thờ Tứ vị Thánh Nương, là ngôi đền được xếp vào hàng thiêng nhất ở Nghệ An. Sử sách có ghi lại, chính ngôi đền này là nơi nhà vua Trần Anh Tông ghé vào năm 1312 và vua Lê Thánh Tông ghé vào và đề thơ 2 lần vào năm 1470 và năm 1471.
 
Không chỉ trong lịch sử, vị trí trung tâm của nó còn được thể hiện trong không gian văn hoá được tạo nên bởi một tín ngưỡng có sức lan toả suốt dọc bờ biển Bắc Bộ, từ Quảng Ninh tới Quảng Bình. Và cho đến nay, rất đáng mừng là các giá trị văn hoá mang tính tiềm năng du lịch đó đã được tỉnh Nghệ An chú ý đầu tư, khai thác. Đó là việc khôi phục lại lễ hội đền Cờn. Hàng năm, có hàng vạn người đổ về đền Cờn, đặc biệt trong 2 ngày 20-21 tháng Giêng âm lịch. Những ngày đó, bãi biển Quỳnh Phương chật kín người về cầu an, cầu ngư, cầu may cho gia đình, dòng họ và cho cả cộng đồng.
 
Cùng với việc quan tâm tổ chức lễ hội, huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Phương đã chú ý sửa sang, trùng tu di tích khang trang hơn, thuận tiện hơn cho việc thờ tự của dân địa phương cũng như việc tiến lễ, cầu bái của du khách. Và gần đây, trong 13 dự án về dịch vụ du lịch nằm trong Quyết định phê duyệt tổng thể tỉnh Nghệ An có dự án về văn hoá biển Quỳnh Phương – Quỳnh Bảng, cho thấy ngành du lịch của tỉnh đã quan tâm tới vấn đề tín ngưỡng văn hoá trong phát triển du lịch.
 
Thế nhưng, việc đầu tư chưa tương xứng yêu cầu. Đối với việc phục dựng lại lễ hội cổ truyền lại không hề dễ. Công tác này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc tới nguồn cuội di tích lịch sử, tới văn hoá bản địa… Tuy nhiên, thực tế một điều dễ thấy ở các lễ hội là những lễ thức cổ truyền nghiêm cẩn như tế, lễ nhưng trang phục thì loè loẹt, phô trương. Về phần Hội, tại nhiều nơi đã xuất hiện các trò chơi có tính "đỏ đen, cờ bạc", gây mất trật tự, ảnh hưởng xấu tới tính linh thiêng của lễ hội. Một số trò chơi dân gian lành mạnh, các trò diễn mang tính đặc sắc của lễ hội Đền Cờn cần được duy trì như “đẩy ruốc”, “bủa lưới”, “quăng chài”, hoặc trình nghề “ngư, tiều, canh, mục, sỹ nông công thương”, địa phương cần khội phục lại, làm đậm thêm tính truyền thống của lễ hội. Chính sự kết hợp sáng tạo giữa lễ hội truyền thống với lễ hội hiện đại sẽ vừa cuốn hút nhân dân địa phương, vừa thu hút du khách.
 
Một tồn tại cũng cần khắc phục là việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc trùng tu di tích sao cho đảm bảo giá trị văn hoá và lịch sử của di tích cần được tiến hành đồng thời với việc cải tạo hệ thống đường sá, việc xây dựng những công trình mới phục vụ nhu cầu của người đi lễ sao cho hài hoà với các di tích truyền thống. Thực tế, đường từ quốc lộ 1 đến Đền Cờn đã xuống cấp, gây trở ngại cho du khách thập phương đến chiêm bái.
 
Ngoài ra, việc tổ chức hướng dẫn phục vụ cho du khách cũng chưa được coi trọng ở Đền Cờn. Ban quản lý chưa hoạt động tốt nên vào những ngày tuần mồng một, ngày rằm, đặc biệt là những ngày đầu năm khi có đông du khách trong, ngoài tỉnh tới thì việc thắp hương, dâng lễ, hoá vàng vẫn còn lộn xộn và thiếu sự hướng dẫn của nhà đền. Trong khi đó, người dân chưa ý thức được giá trị văn hoá của địa phương để gìn giữ, giới thiệu với du khách. Cảnh trẻ em đeo bám khách, ăn xin diễn ra khá phổ biến.
 
Cũng như một số địa phương khác, bờ biển Nghệ An luôn gắn với các di tích lịch sử – văn hoá nơi lưu giữ những văn hoá truyền thống, điểm đến của tâm linh người Việt. Thờ Tứ vị Thánh Nương không phải chỉ có ở Đền Cờn, nhưng ngôi đền có nhiều năm tuổi này vẫn là địa danh văn hoá đặc biệt cần được đầu tư gìn giữ như một điểm nhấn quan trọng trong phát triển dịch vụ du lịch của Quỳnh Phương, của Quỳnh Lưu và tỉnh Nghệ An.


Thu Huyền