Những ngày cuối tháng Bảy, giữa cái nắng như đổ lửa, chúng tôi về Quảng Trị, đến thăm Nghĩa trang Trường Sơn. Dọc hai bên đường là màu xanh mênh mông của những cánh rừng cao su, dừa cọ trải dài thay cho những hố bom nham nhở năm nào.
Quảng Trị - mảnh đất năm xưa đầy thương tích vì bom đạn chiến tranh, hôm nay hiền hoà ấp ủ những người con của mọi miền Tổ quốc yên nghỉ. Một người bạn quê Quảng Trị cho biết: Quảng Trị có 72 nghĩa trang, với gần 6 vạn liệt sĩ trên mọi miền đất nước được quy tụ về đây, trong đó lớn nhất vẫn là Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn.
Có cuộc chiến tranh nào không mất mát, hy sinh; có sự ra đi cuối cùng nào không thấm tận tâm hồn ta thương nhớ. Và với Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, những điều đó được nhân lên bội phần. Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của những người con thân yêu của Tổ quốc đã ngã xuống trong 16 năm khai mở, giữ vững và phát triển con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nghĩa trang được khởi công xây dựng tháng 10/1975 và hoàn thành vào tháng 4/1977. Qua 3 lần tôn tạo, trùng tu, nâng cấp, Nghĩa trang Trường Sơn đã trở thành một công trình tâm linh, văn hóa, là di tích lịch sử của cuộc chiến tranh cách mạng thế kỷ XX, là nơi trở về của đạo lý, lòng kiêu hãnh và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Nghĩa trang Trường Sơn toạ lạc trên khu đồi Bến Tắt thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Gần phía cổng vào là khu khánh tiết nằm trên một ngọn đồi cao, là quần thể các công trình hội tụ những hình ảnh thân thương của dân tộc như cây đa, bến nước, sân đình. Ở vị trí trung tâm, nơi có cây bồ đề thiêng gần 30 năm tuổi vươn cành tỏa bóng là sừng sững một tượng đài 3 mặt, vút cao giữa không gian thoáng đãng. Ba mặt tượng đài vững chắc trong thế chân kiềng, tượng trưng cho tình đoàn kết của 3 nước Đông Dương chung một chiến hào chống Mỹ. Từ tượng đài nhìn ra phía trước là những dãy đồi thấp hơn, với một hồ nước rộng và một tầm nhìn hào phóng và lãng mạn. Quanh tượng đài là 6 bức phù điêu được tái hiện những quân binh chủng của bộ đội Trường Sơn trên đường ra trận, hiền hòa mà sống động, dũng mãnh mà thân thương.
Trong khuôn viên gần 40 ha là một sự tĩnh lặng với trang nghiêm của 10.263 ngôi mộ trắng xóa đến mênh mông, tít tắp giữa đại ngàn Trường Sơn. Tôi chợt nhớ đến bài thơ của nhà thơ Hoàng Cẩm Giang:
"Anh cứ ngủ yên giấc nghe anh
Khoảng trời xưa bốn mùa êm dịu nắng.
...Trường Sơn thương anh nên rừng lá đỏ
Và mây lặng im - mây trắng đến bây giờ..".
(Lời ru Trường Sơn)
Trong cái tĩnh lặng thinh không của rừng núi, trong cái màu trắng bất tận kia, những chiến công bất tử của bộ đội Trường Sơn như hòa lẫn ngọt ngào cùng dòng sông, cây đa, bến nước, sân đình, của miền quê Việt Nam nào đó gần gũi, thân quen. Sinh ra ở mọi miền đất nước nhưng các anh, các chị có chung một con đường ra trận - đường Hồ Chí Minh. Đi theo tiếng gọi Trường Sơn, những chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân nườm nượp hành quân xuyên năm tháng. Lớp lớp xông lên, hòa chiến công để đất nước thống nhất, độc lập. Rồi lớp lớp nằm lại trên khu đồi Bến Tắt. Hơn 30 năm, các chị các anh yên nghỉ giữa đất Quảng Trị nhọc nhằn mà thủy chung, thơm thảo. Vẫn tượng đài cao vút, vẫn những hàng mộ chí trắng xóa, nhưng dường như mỗi lần đến đây, trong mỗi chúng ta như được đến với những sư đoàn, những tổng đội thanh niên xung phong, những cung đường dân công hỏa tuyến của Trường Sơn đánh Mỹ. Phải chăng huyền thoại Trường Sơn luôn thường trực trong tiềm thức mỗi người, và như gợi cho chúng ta về vinh quang và mất mát, hạnh phúc và nỗi đau của những tháng ngày lịch sử oanh liệt.
Hàng ngày, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn đón hàng trăm người ở các tỉnh trong Nam ngoài Bắc về thăm viếng. Những đoàn người nối nhau đi trong trầm mặc, xúc động, nghẹn ngào... Mỗi khu mộ đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê đất nước. Khu mộ liệt sỹ của Nghệ An cũng vậy. Cùng với hàng nghìn đồng chí, đồng đội khác, hơn 30 năm, 1.032 ngôi mộ, 1.032 người con ưu tú của quê hương Nghệ An mãi nằm lại giữa xanh ngàn Trường Sơn, trong tiếng rì rào, vi vút của thông reo, bên những cánh hoa đại thơm ngát và dưới sắc đỏ xao xuyến của hoa phượng mỗi độ hè về. Năm 2006, tỉnh ta đã đầu tư gần 1,2 tỷ đồng xây dựng Nhà tưởng niệm các liệt sỹ quê Nghệ An ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Công trình hoàn thành vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày TBLS (năm 2007). Công trình là bông hoa đẹp kính dâng hương hồn những người con thân yêu của quê hương đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh năm xưa. Giữa nhà tưởng niệm là bia ghi tên các liệt sỹ. Những huyện có nhiều con em hy sinh đã chiến đấu, hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn là Thanh Chương với 196 người, Đô Lương 156 người, Diễn Châu 138, Yên Thành 131, Quỳnh Lưu 127... Hầu hết các anh, các chị hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, khi vừa bước sang tuổi 20 đầy hoài bão, khát vọng.
Trong những ngày này, không chỉ chúng tôi mà có rất nhiều người Nghệ An hành hương về Nghĩa trang Trường Sơn để thăm mộ những người thân yêu của mình. Những bàn tay run run châm hương, những giọt nước mắt nghẹn ngào...Tôi được trò chuyện với bác Nguyễn Kim Hồi, quê ở Mỹ Sơn đến thắp hương cho anh trai là liệt sỹ Nguyễn Kim Quyền (sinh năm 1953, hy sinh năm 1973). Bác Hồi cho biết năm nào cũng vậy, đã thành nếp, vào dịp 27/7, bác cùng một số gia đình trong huyện lại về đây thắp hương cho người thân. Mọi người rất vui khi được thấy, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các ban ngành, khu mộ Nghệ An ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn.
Chúng tôi rời nghĩa trang trong khói hương quyến luyến và tiếng chuông thỉnh hồn vang vọng, ngân nga. Xin được mượn những câu thơ của giáo sư Vũ Khiêu đề từ trên chiếc chuông tưởng niệm thay cho lời kết:
"Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình"
Minh Quân