Bây giờ, trên cầu Bến Thuỷ ngày đêm có biết bao chuyến xe xuôi ngược ra Bắc vào Nam, có ai biết được chính đôi bờ sông Lam này đã từng có một đơn vị phà Bến Thuỷ trong trường kỳ chiến tranh ác liệt đã dũng cảm, mưu trí đưa hàng vạn chuyến phà qua sông, hàng trăm trận rà phá thuỷ lôi, bom từ trường để thông phà, thông xe, bao mồ hôi, xương máu đã đổ... góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.
Ròng rã hơn 10 năm, từ 1964- 1975, hàng trăm cán bộ. chiến sỹ phà Bến Thuỷ - đơn vị được phong tặng hai lần Anh hùng đã không quản ngày đêm, vượt qua mưa bom bão đạn để đưa hàng vạn lượt xe hàng và bộ đội vào Nam chi viện cho tiền tuyến. Đặc biệt qua hai cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ (từ 1964- 1973) họ vừa vận hành đưa phà qua sông vừa là những chiến binh cảm tử rà phá thuỷ lôi, bom từ trường trên sông Lam đi thông phà. Nhiều người đã anh dũng hy sinh và bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ.
Chúng tôi xin nêu một số trường hợp điển hình. Người đầu tiên là ông Hoàng Mã Tuấn, nay đã 74 tuổi, quê xã Diễn Vạn, Diễn Châu, nhập ngũ từ 1958 đến năm 1966 chuyển về phà Bến Thuỷ làm thợ máy rồi tự học lái ca nô đưa phà sang sông. Ông đã nhiều lần tham gia cứu đồng đội bị thương trên sông Lam và bản thân ông cũng nhiều lần bị thương, nhất là trong một lần đưa phà đi sơ tán bị địch phát hiện đánh đắm phà, nhưng đến nay ông vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Hoàn cảnh gia đình ông hiện rất khó khăn lại luôn bị đau yếu do thương tật hành hạ.
Người thứ hai là ông Hồ Công Uẩn, quê xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu nhưng nay đang sống với con ở Biên Hoà, Đồng Nai. Ông vốn là lính công binh ở Hoàng Mai được điều về phà Bến Thuỷ từ 1968- 1973, bị thương nhiều lần cả ở Hoàng Mai và Bến Thuỷ nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là thương binh. Người thứ ba là ông Hồ Trọng Hạt quê xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu công tác tại; phà Bến Thuỷ từ 1968 - 1973 nhiều lần bị thương trong lúc đưa phà qua sông rà phá thuỷ lôi, nhưng nay vẫn chưa được hưởng chế độ thương tật.
Tương tự như các trường hợp trên, ông Phạm Chính Nghĩa quê xã Hưng Xá, Hưng Nguyên nhập ngũ từ 1964- 1971 công tác chủ yếu ở phà Bến Thuỷ và bị thương nhiều lần trong khi làm nhiệm vụ. Ông Nghĩa tâm sự: Chỉ vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, nhà tranh vách đất nên giấy tờ gốc bị mối mọt hết nên nay đành chịu. Cần nêu thêm rằng, ông Nghĩa cùng với các ông Nguyễn Tân Thái, quê xã Hưng Lam, Hưng Nguyên, ông Võ Trọng Lý và vài người nữa là những người đầu tiên lái ca nô đi rà phà thuỷ lôi trong đêm từ năm 1966, người nào cũng từng bị thuỷ lôi nổ tung hất ca nô và cả người lên cao và chìm xuống sông, được đồng đội cứu sống. Ông Nguyễn Tân Thái còn có sáng kiến: "Quay trở đầu ca nô" để đưa nhanh phà sang sông giảm từ 20phút/chuyến xuống còn 7- 10 phút/chuyến góp phần quan trọng vào thành tích hai lần được tuyên dương Đơn vị Anh hùng. Ông Võ Trọng Lý còn là người nâng cánh bom từ trường cứu đồng đội bị cánh bom đè lên trên bến phà.
Xin được nêu thêm trường hợp ông Hoàng Nghĩa Cự quê xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên cũng nhiều lần bị thương trong khi lái ca nô nhưng cũng như các trường hợp trên đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ thương tật. Đặc biệt ông Cự cùng ba đồng đội khác vào tháng 9/1968 đã dũng cảm dùng xuồng cao su bắt sống tên giặc lái Mỹ trong đêm trên Cồn Nổi giữa sông Lam cách đê Hưng Hoà hơn 500m.
Còn rất nhiều chiến binh cảm tử phà Bến Thuỷ với nhiều những kỷ niệm ngày ấy, nay người còn người mất ở nhiều miền quê. Họ đều có chung một ước nguyện là tổ chức được một buổi gặp mặt nhằm ôn lại những năm tháng hào hùng và được thăm lại mảnh đất nơi họ đã cống hiến tuổi thanh xuân, cả mồ hôi và máu để nối mạch máu giao thông cho tiền tuyển thắng lợi.
Ông Nguyễn Ngọc Long, người có thâm niên ở phà Bến Thuỷ từ 1965- 1974 nay đã nghỉ hưu tự nhận trách nhiệm trong ban liên lạc những chiến binh cảm tử phà Bến Thuỷ tâm sự: Những người lính phà Bến Thuỷ chúng tôi may mắn còn sống đến hôm nay mong ước có được một buổi gặp mặt nhằm ôn lại những năm tháng ác liệt ấy và tri ân đồng đội cũ, nhất là các anh em đã hy sinh và chịu nhiều mất mát, thiệt thòi. Đồng thời mong có được một công trình văn hoá ghi dấu tích hào hùng thời đó để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.