(Baonghean) - Tối 31/1/2015, hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhân sự kiện này, phóng viên báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Mậu Thanh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT&DL về những vấn đề liên quan.
 
images1125147_15.jpgCác diễn viên trong đêm tổng duyệt cho Lễ vinh danh.
 
Phóng viên:Thưa đồng chí, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của người dân xứ Nghệ mà là của người dân cả nước. Vậy, xin đồng chí cho biết giá trị cốt lõi của dân ca ví, giặm trong dòng chảy văn hóa của người dân xứ Nghệ?
 
Đồng chí  Hồ Mậu Thanh:Từ ngàn xưa, xứ Nghệ được biết đến là vùng đất “cát bỏng, gió Lào” – nắng thì cháy da, rét thì cắt thịt. Có lẽ sự khắc nghiệt của khí hậu đã tạo nên những nét rất riêng của người Nghệ Tĩnh. Trong giao tiếp, người Nghệ dùng giọng Nghệ, nghĩa là dùng một loại vỏ ngữ âm kèm theo giá trị ngữ nghĩa hoàn toàn khác biệt so với các địa phương khác. Trong lao động sản xuất, người Nghệ chịu thương, chịu khó, tự lập, tự cường, cần cù, sáng tạo và đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, vươn tới xây dựng cuộc sống. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đã hun đúc nên tính cách người Nghệ Tĩnh kiên cường, thẳng thắn, quyết liệt nhưng cũng vô cùng bao dung… Những đức tính, những cung bậc tình cảm đó được người dân xứ Nghệ gửi gắm vào những làn điệu ví, giặm với ngôn từ “đặc sản” đã tạo nên sự đặc sắc riêng cho dân ca ví, giặm. Khi mới xuất hiện, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh còn thô sơ, mộc mạc, giản dị nhưng theo thời gian loại hình này đã phát triển lên tầm cao mới với bố cục chặt chẽ, câu từ trau chuốt, vần điệu chắt lọc làm say đắm lòng người. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các làn điệu Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản tinh thần vô giá, đã thấm sâu vào tâm hồn, trí tuệ, đời sống người dân 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh.
 
Phóng viên:Tiếp nối mạch nguồn ấy, những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động gì nhằm tôn vinh di sản quý giá này?
 
Đồng chí Hồ Mậu Thanh:Do cộng đồng sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, ví, giặm vừa được bảo tồn, vừa biến đổi để thích ứng với đời sống, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nghệ - Tĩnh, trở thành bản sắc riêng của vùng đất này. Thời gian qua, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nói chung, gìn giữ các làn điệu dân ca ví, giặm nói riêng được chú trọng: tổ chức dạy hát dân ca trên sóng truyền hình, đưa dân ca vào trong các trường học, thành lập các câu lạc bộ dân ca ví giặm ở những địa phương có truyền thống. Thành lập Trung tâm Bảo tồn dân ca xứ Nghệ trên cơ sở Nhà hát dân ca vừa biểu diễn, vừa sưu tầm, lưu giữ những làn điệu dân ca. Hàng năm, trong các lễ hội, các địa phương tổ chức giao lưu các CLB dân ca, xây dựng cơ chế khuyến khích tạo điều kiện cho các CLB dân ca hoạt động. Tổ chức các cuộc liên hoan các CLB dân ca toàn tỉnh; liên hoan kịch ngắn, kịch vui; triển khai Dự án “Đưa dân ca vào học đường”. Đồng thời đẩy mạnh phong trào hát Dân ca xứ Nghệ trong các ngành, các tổ chức để dân ca thực sự đi vào cuộc sống.
 
CLB Dân ca Vinh Tân (TP. Vinh) luyện tập hát ví phường nón. Ảnh: Trường Sinh
 
Phóng viên:Lễ đón nhận bằng vinh danh của  UNESCO nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể Dân ca ví, giặm xứ Nghệ, đồng thời mở ra những cơ hội lớn để dân ca ví, giặm phát triển và lan tỏa trong cộng đồng. Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị của tỉnh đối với hoạt động nhiều ý nghĩa này?
 
Đồng chí Hồ Mậu Thanh:Việc Dân ca, ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca đặc biệt này.  Để chào mừng sự kiện này, công tác chuẩn bị được xác định hết sức quan trọng. Ngay sau khi Bộ VH-TT & DL phối hợp với UBND hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch tổ chức, lãnh đạo hai tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo cùng các tiểu ban để chuẩn bị. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được đặt lên hàng đầu. Tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn thành phố, trung tâm các huyện, thành, thị; xây dựng trang thông tin điện tử  "Dân ca, ví, giặm Nghệ Tĩnh"; làm việc với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đặt một số chuyên đề, bài viết về Dân ca, ví, giặm Nghệ Tĩnh...
 
Riêng Sở VH-TT & DL - cơ quan thường trực được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chỉ đạo các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức quảng bá các bài hát về dân ca, ví, giặm; chỉ đạo các địa phương phổ biến các bài hát dân ca, ví, giặm trên hệ thống truyền thanh cơ sở, trong các lễ hội; phát hành đĩa hình VCD, CD về dân ca, ví, giặm; chỉ đạo các đoàn nghệ thuật xây dựng chương trình lưu diễn... Công tác tuyên truyền, quảng bá hiệu quả nhất không chỉ trong đợt Lễ đón bằng mà phải được tổ chức thường xuyên, liên tục tại các địa phương, nhất là những địa phương có nhiều CLB dân ca, có nhiều nghệ nhân trên cả hai địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh.
 
Các hoạt động vinh danh và trình diễn Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: PV - CTV
 
 
Phóng viên:Như đồng chí đã khẳng định: Công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví, giặm không chỉ trong đợt Lễ vinh danh mà phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngay sau vinh danh, “bài toán” bảo tồn di sản cũng đang được các nhà quản lý, các nghệ nhân đặc biệt quan tâm. Vậy thời gian tới, với vai trò tham mưu, ngành sẽ có những hành động cụ thể gì đối với việc bảo tồn di sản quý giá này, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Hồ Mậu Thanh:  Với vai trò là ngành chủ quản, thời gian tới, Sở VH-TT & DL sẽ  tham mưu cho UBND tỉnh các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản ví, giặm từ 2015 đến 2020 với các nội dung chính như: Xây dựng hồ sơ và vinh danh các nghệ nhân trong tất cả các làng, xã ở Nghệ An, Hà Tĩnh có thực hành ví, giặm. Đài phát thanh truyền hình Nghệ An và Hà Tĩnh duy trì chương trình dạy hát dân ca và chuyên mục 15 phút dân ca vào sáng thứ hai, tư, sáu trên truyền hình và 30 phút dân ca vào thứ 3 trên sóng phát thanh. Xây dựng trang web “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” liên kết với Trạm vệ tinh của Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể của Bộ VH-TT & DL đã được xây dựng ở Khu di tích Kim Liên (tỉnh Nghệ An) và Khu di tích Nguyễn Du (tỉnh Hà Tĩnh).
 
Riêng ngành VH-TT & DL trước mắt tập trung thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức cộng đồng; kiểm kê, nhận diện, nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và phục hồi bài bản ví, giặm; phát động phong trào sáng tác lời mới cho dân ca ví, giặm trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là trong giới trí thức phù hợp với đời sống sinh hoạt cộng đồng hiện nay. Mở rộng hệ thống, nâng cao chất lượng hoạt động, truyền dạy dân ca của các CLB dân ca ví, giặm; định kỳ tổ chức các hội diễn dân ca ví, giặm từ cấp cơ sở đến cấp huyện (hàng năm), cấp tỉnh, cấp quốc gia (2 năm/lần); giao Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh phối hợp gần 100 CLB dân ca ví, giặm tổ chức các buổi thảo luận nhằm nâng cao trách nhiệm truyền dạy và bảo vệ di sản của nghệ nhân và thu hút thế hệ trẻ cùng tham gia sinh hoạt diễn xướng. Phối hợp với cộng đồng tổ chức giao lưu giữa các CLB dân ca, tổ chức các hội diễn, liên hoan “Tiếng hát dân ca” giữa các vùng, miền để tăng cường trao đổi kinh nghiệm. Làm thế nào để Dân ca ví, giặm ngày càng lan tỏa mãnh liệt và trường tồn với thời gian, trở thành sinh hoạt văn hóa giàu bản sắc phục vụ phát triển kinh tế và du lịch. Đưa việc xem biểu diễn hát dân ca, ví dặm vào một trong những nội dung chương trình tham quan du lịch tại Khu di tích Kim Liên và các di tích, danh thắng khác trên địa bàn toàn tỉnh. Hy vọng, khi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì Dân ca Nghệ Tĩnh sẽ là sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
 
Phóng viên:Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
 
Thanh Thủy (thực hiện)