Thế nhưng, trái ngược với sự hiện đại và vị thế của tuyến đường đó thì hai bên lề đường chưa được quy hoạch thành vỉa hè, cho nên có đoạn cây cỏ dại mọc um tùm, có đoạn trở thành nơi vứt rác thải sinh hoạt, đoạn đổ phế thải xây dựng, có đoạn là nơi tập kết cây xanh để bày bán với các hố đào lỗ chỗ, nắng lên thì bụi mù... Tất cả tạo sự phản cảm cho nhân dân thành phố nói chung và du khách khi đến với thành phố Vinh nói riêng.
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết lý do hệ thống vỉa hè trên tuyến đường này chưa được xây dựng một cách đồng bộ là nằm ở các nguyên nhân sau. Thứ nhất là thành phố chưa có nguồn kinh phí để triển khai. Thứ hai, hiện tại trên tuyến đường này vẫn đang có khá nhiều khoảng đất trống nằm ở hai bên lề đường chưa được sử dụng cho nên họ chưa thực sự có nhu cầu, trong khi chủ trương xây dựng vỉa hè lâu nay được thành phố áp dụng theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Nói là vậy, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, có một số cơ quan, đơn vị mặc dù đã đưa vào sử dụng từ lâu như hệ thống vỉa hè vẫn chưa được xây dựng, đơn cử như trước khuôn viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật dạy nghề số 1 thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; hay như trước Trung tâm Công nghệ Thông tin và Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường...
Để tạo diện mạo cho thành phố Vinh xứng đáng là đô thị loại I, thiết nghĩ, thành phố Vinh cần chủ động để có giải pháp quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống vỉa hè trên toàn tuyến đường được coi là hiện đại và đẹp nhất thành phố này.
Thành phố vẫn có thể thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” bằng cách bỏ vốn ra làm trước, sau nay khi các tập thể và cá nhân sử dụng diện tích thuộc sở hữu của mình sẽ thu hồi sau theo đơn giá ở thời điểm thu. Có như vậy thì việc xây dựng vỉa hè trên tuyến Đại lộ Lê nin và Đại lộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh mới sớm được triển khai.
Minh Chi