(Baonghean.vn) - Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành chương trình riêng về dạy dân ca trong trường học; Dự án Phát triển Giáo dục THCS II có Đề án Hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS (Nghệ An có 12 trường được tham gia Đề án này). Riêng ở Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch và Đài PT - TH tỉnh đã phối hợp khởi động phong trào hát dân ca trong các trường phổ thông và chuyên nghiệp từ tháng 10/1998.

Hàng năm, Ban Chỉ đạo đều có sơ kết và tháng 11/2003 đã tổ chức hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện phong trào. Hội nghị kết luận: Phong trào hát dân ca không những đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường, mà còn có tác dụng làm nòng cốt thúc đẩy phong trào hát dân ca trong xã hội.

Thực tiễn phong trào cho thấy, từ trong tiềm thức sâu xa và đời sống tâm hồn của tuổi trẻ học đường xứ Nghệ, nguồn mạch truyền thống dân ca, nhất là dân ca Nghệ Tĩnh vẫn đầy sức sống và tài năng trong các em cần được nuôi dưỡng, phát triển. Hội nghị cũng khẳng định, nguyên nhân thành công của phong trào chính là nhờ có sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp quản lý, cóbiện pháp đúng để triển khai thực hiện phong trào, có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và huy động được các lực lượng xã hội cùng tham gia.


Nhưng mấy năm gần đây, phong trào hát dân ca trong các nhà trường ở Nghệ An không những không phát triển mà còn có chiều hướng đi xuống. Nguyên nhân cơ bản là do sự chỉ đạo của các cấp quản lý (nhất là việc kiểm tra, đôn đốc), do hệ thống giải pháp không thiết thực.   


Mục đích, tác dụng của phong trào hát dân ca trong các nhà trường đã rõ. Mong muốn đẩy mạnh phong trào này là hoàn toàn chính đáng. Nhưng đẩy mạnh bằng cách nào? Thiết nghĩ, trước mắt, các ngành có liên quan chỉ cần tập trung vào 6 biện pháp chính.

Trước hết là kiện toàn, củng cố và đưa ban chỉ đạo các cấp vào hoạt động thường xuyên, khắc phục trình trạng khoán trắng phong trào cho tổ chức đoàn, đội của nhà trường.

Thứ hai, tất cả các cấp từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng chương trình, nội dung triển khai thực hiện phong trào theo từng năm học và coi việc tổ chức thực hiện phong trào là nội dung quan trọng để xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Thứ ba, tổ chức tập huấn cho cán bộ cốt cán của các nhà trường và đưa hoạt động này vào chương trình tập huấn hàng năm của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Thứ tư, tổ chức thi sáng tác lời mới cho các làn điệu dân ca, nhất là dân ca Nghệ Tĩnh, trên cơ sở đó, biên soạn và phát hành tài liệu phục vụ phong trào tới tận các nhà trường. Thứ năm, tổ chức thi tìm hiểu và hát dân ca ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Và cuối cùng là kiểm tra, sơ kết, tổng kết, vì nếu không, mọi việc sẽ vào tình trạng "đầu voi đuôi chuột". Tin rằng, nếu thực hiện đồng bộ 6 giải pháp trên, chắc chắn phong trào hát dân ca trong các nhà trường sẽ được khôi phục và phát triển mạnh mẽ.


Trung Nguyên