(Baonghean.vn) –Trong những năm qua ở Nghệ An Internet trở thành dịch vụ mang tính bình dân, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực như thông tin phong phú, đa dạng về văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế… thì vẫn còn vấn đề bất cập cả trong khâu quản lý và người sử dụng.

 

Từ năm 2008 đến nay, số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam tăng gấp 5 lần, băng thông quốc tế tăng 9 lần, băng thông trong nước tăng 8 lần. Việt Nam là một trong 20 quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới.

 

Trong 3 qua, Nghệ An là tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích với nhiều huyện vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên Internet đã có bước phát triển mạnh. Đến 8/2011 đã có 20,59% thuê bao Internet băng rộng/100 dân, tỉ lệ gia đình có máy tính kết nối mạng Internet là 31,7%. Năm 2009 tỉnh Nghệ An xếp thứ 9 trong 63 tỉnh thành về chỉ số sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật, năm 2011 lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng chung của cả nước. Internet từ chỗ là loại hình dịch vụ đắt đỏ đã trở thành bình dân với chi phí thấp, mật độ người dân sử dụng không ngừng tăng cao. Tại các huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông hạ tầng về viễn thông và Internet cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

 

Internet là kho kiến thức khổng lồ của nhân loại, chúng ta có thể tìm kiếm hầu như mọi thông tin trong tất cả các lĩnh vực trong nước và quốc tế, tin tức mới và cũ trên Internet. Thư điện tử với ưu điểm nhanh, tiết kiệm và đảm bảo thông tin từ người gửi đến người nhận. Trong lĩnh vực giáo dục, các hệ đào tạo từ xa, học trực tuyến qua, thậm chí là học các chương trình đào tạo từ nước ngoài qua Internet đã trở nên khá phổ biến. Ưu điểm là học viên có thể học khi có thời gian rỗi và trao đổi trực tiếp với giáo viên. Phương thức này vừa tiết kiệm chi phí vừa tiết kiệm được thời gian.

 

Về mặt điều hành của các cơ quan Nhà nước, qua các cổng thông tin điện tử của các địa phương, sở ban ngành và chính phủ, người dân, doanh nghiệp được tiếp cận các dịch vụ công ở các mức độ như: đăng ký lập doanh nghiệp, công chứng, đăng ký nhân khẩu, sang tên trước bạ… mà không phải đến tại trụ sở các cơ quan trên như trước đây. Các quan hệ giữa cơ quan nhà nước với công dân bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận tiện. Hơn nữa, phương thức giao tiếp này làm tăng sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước.

 

Bên cạnh những tiện ích quan trọng, Internet vẫn tồn tại những mặt trái, tiêu cực như:

Ở vùng sâu, vùng xa, các quán Internet phát triển khá nhanh, phần đông là trẻ con đến chơi game, người lớn thì “chát” làm quen, một số ít để tra cứu thông tin cho việc học tập, giải trí và công việc. Đã có một số học sinh bỏ học, thức khuya vì nghiện các trò chơi như “đế chế”, “võ lâm truyền kỳ”... Một số quán Internet ở thành phố thì đã xảy ra các vụ đánh nhau, lừa đảo... Đây là vấn đề gây bức xúc trong nhà trường, các bậc phụ huynh và xã hội. Đã xuất hiện khái niệm "nghiện Internet", một thói quen khó kiểm soát.Nhiều game thủ quá đam mê, hao tốn quá nhiều thời gian, sức khỏe, tinh thần và cả tiền bạc với trò chơi trực tuyến - đây là một dạng của "nghiện Internet".

 

Gần đây, nhiều người sử dụng Internet ở Việt Nam tỏ ra bức xúc về việc một số mạng xã hội trực tuyến bị lợi dụng để đưa những thông tin có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam, nói xấu chế độ, vi phạm quy định của pháp luật và đe dọa an ninh quốc gia. Nhiều trang web đưa tin, hình ảnh, video clip đồi trụy, thậm chí đưa hình ảnh của chính bản thân lên mạng để tìm kiếm đối tượng gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống của thanh  niên, học sinh hiện nay.

 

Kết nối Intrenet người dùng dễ dàng đăng ký và tham gia các trang mạng xã hội có nguồn gốc nước ngoài như Facebook, YouTube, Twitter, Yahoo... Chúng ta cũng dễ dàng tìm kiếm được bạn bè và thông tin thú vị. Tuy nhiên, những thông tin sai lệch chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật Việt Nam không phải không có, thậm chí với những mạng xã hội tên tuổi có nguồn gốc nước ngoài liên tục có những thông tin làm sai lệch thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật Việt Nam. Mặt khác các hoạt động giá trị gia tăng khó kiểm soát, gây thất thu thuế.Gần đây không ít thành viên của mạng xã hội và một số trang tin điện tử có máy chủ đặt ở nước ngoài trở thành kênh truyền thông, kết nối liên lạc của các đối tượng có âm mưu lôi kéo, kích động người khác tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự… Với tính năng chia sẻ liên kết trên các mạng xã hội thì sự lây lan rất nhanh, được tính bằng giây cùng với sự phát triển ngày càng nhanh, rẻ của các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng nối không dây 3G, Wifi... tốc độ cập nhật, lây lan nhanh và cơ động hơn so với các thiết bị đầu cuối truyền thống. Đây cũng là mặt trái của công nghệ mà đến nay cơ quản lý trong nước vẫn còn lúng túng trong xử lý.

 

Về blog cá nhân, mỗi ngày có cả ngàn blog mới ra đời,hàng triệu triệu người truy cập, ngoài những tiện ích mà blog mang lại nhưmột diễn đàn, nơi chủ nhân của nó có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình về những vấn đề nhất định nào đó. Thực tế đang tồn tại những blog làm công cụ tuyên truyền những loại văn hoá phản động, những suy nghĩ, nhận thức chính trị sai lạc với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta... Có những blog như một web sex, với hình đại diện là những bức ảnh khỏa thân, ảnh sex. Cũng phải kể đến những blog mạo danh, ở đó bất cứ ai cũng có thể lập nên những blog để bôi bẩn người khác. Giống như hầu hết các tiện ích khác từ Internet, blog đã bộc lộ rõ tính hai mặt nhưng khó để chỉ ra ranh giới giữa tự do thể hiện quan điểm của mình với việc lạm dụng nó. Các hành vi như tạo các virut và phát tán qua mạng máy tính gây hỏng hóc cho hệ thống hạ tầng máy tính, hệ điều hành, ăn cắp dữ liệu, làm rò rỉ thông tin gây tổn thất cho người sử dụng, các dữ liệu tài liệu của người dân, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cũng là những vấn đề gây bức xúc.

 

Còn có những mặt trái như lừa đảo, bôi nhọ uy tín của cá nhân, tổ chức, lấy cắp mã số thẻ tín dụng. Môi trường ảo còn lànơi hẹn hò, dụ dỗ lừa gạt những thanh thiếu niên mới lớn, thậm chí cả trẻ em vào những trò chơi đồi bại. Đột nhập trái phép vào các hệ thống CNTT, mạo danh người khác bằng các số thẻ bảo hiểm ăn cắp được trên Internet và thẻ căn cước, giấy khai sinh giả để mua hàng hoá giá trị lớn...

Để Internet phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội, cần có giải pháp tích cực nhằm hạn chế tối đa những mặt trái của nó. Chúng ta vui mừng vì Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh của Intrenet, chúng đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và trang thông tin điện tử. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành đã có tác dụng rõ ràng với các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia hoạt động trên lĩnh vực có liên quan đến Internet, tuy nhiên vẫn còn những bất cập. Internet là môi trường toàn cầu, là "thế giới ảo", ở đó phản ánh gần như toàn bộ thế giới thực chúng ta đang sống, tuy nhiên công tác quản lý nhà nước về Internet chỉ một ngành Thông tin và Truyền thông quan tâm là chưa đủ. Trong thời gian tới cần tăng cường vai trò phối kết hợp của các ban ngành các cấp, đến từng cơ sở và địa phương trong triển khai, thực thi pháp luật để phát huy động sức mạnh toàn xã hội để Internet phát triển và sử dụng hiệu quả, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên quan điểm quản lý Nhà nước phải theo kịp tốc độ phát triển của Internet trong đời sống xã hội, quản lý là để phục vụ và thúc đẩy phát triển chứ không phải cấm đoán.


Phan Nguyên Hào