(Baonghean.vn) - Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, hầu hết các trường đã quyết toán ngân sách năm 2011 để cân đối thưởng tết cho giáo viên. Song, với việc tiền ngân sách dành 75% chi cho lương, thậm chí là ở các vùng cao, vùng xa thì con số này lên trên 80% nên số tiền dư cuối năm là điều không dễ dàng, thưởng tết được xem là thứ "xa xỉ" trong ngành Giáo dục. Tuy nhiên, năm nay, theo khảo sát các trường trên địa bàn tỉnh, đa số đều có những khoản tích lũy để thưởng tết cho giáo viên.

Khi đề cập về vấn đề thưởng tết cho giáo viên, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: "Hỗ trợ thêm khoản tiền tết cho giáo viên như thế nào chủ yếu là do sự "linh động" của Ban Giám hiệu các nhà trường, sự chung sức của chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh, còn Sở Giáo dục và Đào tạo không có nguồn để hỗ trợ".


Do phụ thuộc vào "tình hình thực tế" và sự "linh động" của mỗi trường nên mức thưởng tết ở các trường cũng khác nhau, có sự chênh lệch rõ nét. Các trường trên địa bàn thành phố, thị xã có điều kiện tích lũy từ các nguồn thu như: các trường đại học trên địa bàn thuê mặt bằng tổ chức thi tuyển sinh; các trung tâm ngoại ngữ, tin học thuê địa điểm dạy vào ban đêm...

Ngoài ra, các trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục cũng tiết kiệm được một ít từ ngân sách, do đó, giáo viên ở những trường này có thể có được mức thưởng tết khá hơn so với những nơi khác. Cô Nguyễn Thị Nhân- Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (TP.Vinh) cho biết: "Năm nay, mức thưởng tết cho giáo viên của trường từ 1-1,5 triệu đồng. Để có số tiền thưởng tết cho giáo viên, ngoài việc huy động giáo viên làm đồ dùng dạy học để tiết kiệm mua sắm, tiết kiệm văn phòng phẩm, điện nước, tiền quỹ phúc lợi, nhà trường còn có nguồn thu từ tiền cho thuê ốt kinh doanh..."


Còn các trường học ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có địa hình khó khăn thì không "biết nhìn vào đâu" để chi quà tết cho giáo viên. Hiệu trưởng một trường THPT miền núi cho biết: Ở địa bàn miền núi, mọi khoản chi tiêu của các trường chỉ trông chờ vào ngân sách trên cấp. Mà số ngân sách đó cũng chỉ đủ trả lương cho giáo viên. Không có tiền dạy thêm, tăng tiết, không có sự hỗ trợ từ phía phụ huynh nên lãnh đạo trường dù muốn chăm lo cho giáo viên một cái tết tươm tất, nhưng "lực bất tòng tâm". Nhiều trường đã "sáng tạo" để dành các khoản chi trả tiền thừa giờ, chấm bài, văn phòng phẩm, tiền thưởng cho các danh hiệu thi đua phát vào dịp cuối năm để giáo viên có thêm khoản tiêu tết.


Tuy nhiên, theo khảo sát chung thì năm nay, lãnh đạo các đơn vị đã cố gắng hết sức để anh chị em cán bộ, giáo viên có quà tết khá hơn năm ngoái. Nếu như năm ngoái, trong 30 trường học bậc THPT chúng tôi khảo sát, chỉ có duy nhất Trường THPT Diễn Châu 5 có mức thưởng tết 1.000.000 đồng.

Nhưng cũng mức đó, năm nay có tới 9 đơn vị (gồm các trường THPT: Chuyên Phan Bội Châu, Hà Huy Tập, Bắc Yên Thành, Phan Thúc Trực, Đô Lương 1, Nguyễn Thúc Tự, Cửa Lò, Nghi Lộc 5 và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên 2); 4 đơn vị có mức thưởng 600.000 đồng; 6 đơn vị thưởng 500.000 đồng; 1 đơn vị thưởng 400.000 đồng; 11 đơn vị thưởng 300.000 đồng; 3 đơn vị thưởng 200.000 đồng, 2 đơn vị thưởng 100.000 đồng.


Các đơn vị (trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) thuộc 9/12 phòng Giáo dục và Đào tạo được khảo sát có mức thưởng trung bình là 200.000 đồng; đơn vị ít nhất là 30.000 đồng (ở Con Cuông) và đơn vị nhiều nhất là 400.000 đồng (ở Cửa Lò, Yên Thành).


Tuy vậy, vẫn còn không ít đơn vị không có quà tết cho cán bộ, giáo viên. Trong số 45 trường THPT chúng tôi khảo sát có tới 9 đơn vị không thưởng tết (gồm 4 trường THPT: Tương Dương, Tây Hiếu, Đô Lương 3, Diễn Châu 4; 3 trung tâm GDTX: Quế Phong, Yên Thành, Anh Sơn; trong số 12/20 phòng giáo dục được khảo sát có 3 đơn vị thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo Quỳ Châu, Nam Đàn, Tương Dương không có thưởng tết.


Vừa qua, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An đã được Công đoàn ngành Giáo dục Cần Thơ tặng 100 triệu đồng, LĐLĐ tỉnh tặng 6 triệu đồng. Số tiền này được chuyển đến 335 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Và mới đây nhất, Trường ĐH Vinh tặng trên 41 triệu đồng cho giáo viên, học sinh huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đón một cái tết đầm ấm hơn. Tuy nhiên, khi "trông chờ" cả vào sự tự vận động của nhà trường và chính quyền địa phương thì vẫn diễn ra tình trạng nơi hỗ trợ nhiều, nơi hỗ trợ ít hoặc không có để hỗ trợ. Nên chăng, cần có một chính sách thực sự rõ ràng ở cấp độ vĩ mô để giáo viên cũng được hưởng trọn niềm vui có tiền thưởng tết như bao cán bộ, công chức ở các ngành nghề khác.


Thanh Phúc - Thảo Nhi