Bất cập từ chính sách
Tác động của chính sách về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng như các cơ chế chính sách khác và của thị trường tiêu thụ nên trong thời gian qua các doanh nghiệp khai thác đá trắng, đá màu trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã ngừng khai thác. Tháng 3/2018 là thời điểm Thông tư 44 có hiệu lực, vì thế nhiều doanh nghiệp đang rất lo lắng.
Theo phản ánh, trữ lượng đá vôi trắng, đá hoa trắng làm đá ốp lát đã được phê duyệt không phù hợp với thực tế khoáng sản khai thác được tại các mỏ, trong đó có nguyên nhân do chỉ tiêu để đánh giá trữ lượng chưa có tiêu chí độ trắng và độ đồng đều bề mặt. Ngoài ra qua khảo sát giá bán một số loại tài nguyên trên địa bàn tỉnh thì giá bán trên thị trường hiện nay thấp hơn nhiều so với khung giá do Bộ Tài chính quy định. Riêng đá trắng, do chất lượng thấp hơn (đá có màu trắng xám, xanh, đen, vân vện, om rạn nhiều) mức giá bán đá trắng của Nghệ An trên thị trường thấp hơn nhiều so với đá trắng Yên Bái.
Ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp cho hay: Đối với đá hoa trắng khung giá này quá cao so với mức giá trên thị trường. Đặc thù của mặt hàng đá hoa trắng kể cả làm ốp lát lẫn làm phụ gia công nghiệp là sự khác biệt về giá bán có khi gấp hàng chục lần khi có sự khác nhau về độ trắng, tính tô điểm bề mặt và vị trí bán hàng (do chi phí vận tải có khi cao hơn giá đá).
Vì vậy, việc sử dụng một khung giá với biên độ như Thông tư 44/2017/TT-BTC là chưa phù hợp. “Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan xem xét và sớm ban hành lại khung giá với việc phân nhóm phù hợp và biên độ lớn hơn, giá sát với thực tế của thị trường. Trong đó, chú ý đến giá để tính tiền cấp quyền (tính theo trữ lượng cấp phép) và giá tính thuế tài nguyên (tính cho hàng hóa bán được)” - ông Hoài kiến nghị.
Hay đối với giá cát, khung giá tối thiểu để áp thuế được Thông tư 44 quy định là 245.000 đồng/m3, trong khi thực tế ở Nghệ An chỉ dao động từ 30.000 - 60.000 đồng tùy từng thời điểm, từng địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Tuyến - Giám đốc Trung tâm tư vấn và đào tạo doanh nhân, Hội DN nhỏ và vừa cho rằng, điều mà DN bức xúc là ở Nghệ An giá thuê đất mỏ tăng đến 300% mà lại lấy giá đất ở của dân cư để tính. Đây là nghịch lý của văn bản quy phạm chỉ vì 4 chữ “đất ở liền kề” không minh định được nên các cơ quan thực thi cho là đất ở dân cư liền kề mỏ. Nhưng thực tế đã là mỏ làm sao mà có đất ở dân cư liền kề được vì theo quy định thì khoảng cách mỏ được cấp với khu dân cư tối thiểu là 300m. Mà thực tế đại đa số các mỏ đều rất xa khu dân cư thì không thể áp tính được. Vì thế nếu hiểu đúng nghĩa là lấy giá loại đất liền kề với khu vực mỏ làm đơn vị so sánh để tính, chứ không thể lấy giá đất ở của dân cư để áp tính cho giá tiền thuê đất mỏ. Vì giá trị đất ở dân cư là giá trị tuyệt đối, nó có quyền mua, bán - tặng, cho nên giá đất ở đã quá cao.
Nói về giải pháp, ông Tuyến kiến nghị: Nếu để tăng nguồn thu của địa phương mà không phải dùng đến hai chế tài về thu tiền thuê đất mỏ 300% giá đất ở liền kề và tiền cấp quyền khai thác thì Chính phủ có thể điều chỉnh hai loại thuế phí là thuế tài nguyên và phí môi trường thêm mỗi m3 lên 1-2 ngàn đồng nữa thì vừa thấu tình đạt lý, vừa giữ được nguồn thu tương đối ổn định mà DN cũng từng bước điều chỉnh giá thành ổn định sản xuất, giữ nhịp cung cho thị trường ổn định phát triển.
Trao đổi với PV xung quanh vấn đề này, theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, mức giá tỉnh Nghệ An lâu nay đang thực hiện đối với đá trắng, đá màu cơ bản đã sát với giá thị trường tại thời điểm, đồng thời việc phân loại đá như hiện nay đang thực hiện là sát với điều kiện thực tế, giúp cho cơ quan thuế và các doanh nghiệp dễ thực hiện điều chỉnh theo thông tư 44 là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Vị này cũng thừa nhận một thực tế khai thác trái phép không nộp tiền thuê đất, không trả tiền cấp quyền thì Nhà nước không quản lý được, trong khi đó, doanh nghiệp làm ăn chân chính, được cấp mỏ thì phải đóng 1 loạt thuế, đối diện với nguy cơ đóng cửa. Đành rằng cần có giải pháp để chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng cần phải phù hợp với thực tế và có lộ trình thích hợp.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương đồng thời đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ cho các công trình xây dựng cơ bản; giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, tại Công văn số 7103 ngày 15/9/2017, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Tài chính cho phép UBND tỉnh ban hành mức giá tính thuế tài nguyên đối với một số loại tài nguyên ngoài mức giá quy định tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính. Cụ thể: Đối với đá hoa trắng: Phương án 1: Cho phép UBND tỉnh Nghệ An áp dụng danh mục và mức giá như hiện nay đang thực hiện. Phương án 2: Bổ sung và điều chỉnh khung giá, đơn vị tính nhóm loại tài nguyên. Cụ thể: Đá hoa trắng theo trữ lượng được phê duyệt kích thước ≥0,4m3: 250.000 đồng/m3 (mức giá để áp dụng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản); Đá hoa trắng sản xuất bột carbonat: 90.000 đồng/tấn; Đá hoa trắng theo trữ lượng được phê duyệt sản xuất bột carbonat: 50.000 đồng/tấn (Mức giá để áp dụng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản).
Công văn cũng đề nghị mức giá cụ thể cho đá khối để xẻ; Đá theo trữ lượng được phê duyệt; Đá làm vật liệu xây dựng thông thường và đá puzolan (khoáng sản khai thác).
Đối với cát xây dựng, Nghệ An đề nghị cho áp dụng mức giá như sau: Cát san tấp (bao gồm cát nhiễm mặn): 30.000 đồng/m3; Cát đen dùng trong xây dựng: 50.000 đồng/m3; Cát vàng trong xây dựng: 100.000 đồng/m3.
Doanh nghiệp khoáng sản Nghệ An đứng trước nguy cơ đóng cửa vì Thông tư 44
Đóng cửa mỏ 29 khu vực khai thác khoáng sản ở Nghệ An
Gần đây nhất, ngày 1/3/2018, UBND tỉnh cũng đã có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến với Bộ Tài chính điều chỉnh khung bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn Nghệ An cho phù hợp với giá thực tế trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo thì nhiều loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đá xây dựng ở Nghệ An có giá bán thực tế thấp hơn nhiều so với mức giá tối thiểu tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 44. Vì thế, mức giá tính thuế tài nguyên cần xây dựng trên cơ sở giá bán thực tế tại các địa phương. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét ban hành bộ tiêu chuẩn chung để đánh giá trữ lượng khoáng sản đá hoa trắng, đá vôi trắng làm ốp lát, trong đó có tiêu chí về độ trắng và độ đồng đều bề mặt. Đồng thời, điều chỉnh thời điểm thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và giãn tiến độ thu tối thiểu là 2 lần trong năm nhằm giảm áp lực vốn cho các doanh nghiệp.
Năm 2017, với mức giá tính thuế tài nguyên cũ, chỉ khoảng 40% đơn vị được cấp phép thực chất hoạt động với quy mô đầu tư tương đối lớn, công nghệ tiên tiến, số còn lại hoặc đang tạm dừng hoạt động hoặc không thể khởi động.
Hiện ngành đá trắng Việt Nam dần có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Nếu áp dụng mức giá tính thuế theo Thông tư 44/2017/TT-BTC thì hầu hết các doanh nghiệp sẽ phải phá sản và hệ lụy sẽ rất lớn. Mặt khác nếu việc điều chỉnh chậm thì doanh nghiệp khó có thể còn tồn tại và khách hàng nước ngoài cũng đã kịp tìm đến nhà cung cấp ở nước khác, nguy cơ doanh nghiệp trong nước mất thị trường là rất cao.
Vì vậy, các doanh nghiệp khai thác và chế biến đá hoa trắng tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan hữu quan sớm có phương án giải cứu cụ thể, kịp thời.