(Baonghean) - Nợ thuế tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đáng quan ngại, bởi số nợ thuế khó thu tính đến tháng 7/2014 là: 44,5 tỷ đồng. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh, sự phối hợp tốt giữa ngành thuế và ngành tài nguyên môi trường, đến nay đã thu được hơn 20 tỷ đồng thuế nợ đọng từ lĩnh vực này, đồng thời tăng cường tuyên truyền các văn bản và chính sách đến các doanh nghiệp. 

Trước tình hình nợ đọng thuế tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh đã ban hành công văn, trong đó yêu cầu Cục Thuế Nghệ An rà soát lại các doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh (kể cả các trường hợp đã hết hạn giấy phép) đã được cơ quan thuế thực hiện các biện pháp hành chính để thu nợ thuế, các khoản phí, lệ phí phải nộp theo quy định nhưng không chấp hành; báo cáo kết quả thực hiện và tham mưu biện pháp xử lý tiếp theo trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Tài Nguyên và Môi trường trên cơ sở số liệu báo cáo của Cục Thuế Nghệ An lập danh sách, tham mưu trình UBND tỉnh có văn bản thông báo cho các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. 
 
images1174829_khai_th_c__s_n_xu_t_d____c_ng_ty_tnhh_thanh_xu_n__phu_ng_qu_nh_xu_n_.jpgKhai thác, sản xuất đá ở Công ty TNHH Thanh Xuân (phường Quỳnh Xuân, TX. Hoàng Mai).
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Thuế đã thực hiện rà soát các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản còn nợ thuế mà cơ quan Thuế đã thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế nhưng chưa thu được. Trong đó có 58 doanh nghiệp nợ thuế khó thu  với số tiền thuế, tiền phạt còn nợ 44,5 tỷ đồng. Cục Thuế Nghệ An cũng có công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp thu hồi nợ thuế của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, Cục Thuế Nghệ An đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường áp dụng biện pháp thông báo bằng văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoảng sản nộp số tiền thuế, tiền phạt còn nợ vào ngân sách Nhà nước.
 
Sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành thông báo, nếu các doanh nghiệp không chấp hành thì kiến nghị  thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 58, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12. Đối với các doanh nghiệp xin cấp mới, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản phải có xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của cơ quan thuế.
 
Với sự tham mưu kịp thời, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh,  Cục Thuế  Nghệ An đã thu được gần 20 tỷ đồng thuế tài nguyên khoáng sản nợ đọng. Trong đó có thể kể đến: Công ty TNHH Xuân Quỳnh (TX. Hoàng Mai) nộp được 800 triệu đồng, còn nợ 1,2 tỷ đồng, Công ty TNHH Phú Nguyên Thành nộp được 215 triệu đồng, còn nợ trên 500 triệu đồng, Công ty TNHH Phú Cường nộp được 443 triệu đồng, còn nợ gần 100 triệu đồng, Công ty CP Xây lắp Trung Tín nộp được 395 triệu đồng, HTX Hợp Thành nạp được 50 triệu đồng, Công ty CP An Lộc nộp được 311 triệu đồng....
 
Tuy nhiên số thuế nợ đọng trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản vẫn còn nhiều. Nhiều doanh nghiệp vẫn chây ì không nộp thuế. Một số doanh nghiệp đóng cửa, không tìm thấy địa chỉ hoặc thành lập doanh nghiệp mới do người khác đứng tên nhằm tránh phải nộp nợ cũ. Chúng tôi tìm đến Công ty CP Đồng Tâm ở số nhà 14, ngõ A2, đường Đinh Lễ (́Thành phố Vinh), hiện đang nợ thuế tài nguyên 2.390.000.000 đồng. Thế nhưng không tìm thấy công ty nào có tên là Công ty Đồng Tâm mà lại thấy có Công ty CP Phương Nam. Giám đốc công ty là Lê Văn Cương (sinh năm 1975) hiện cũng không trú ở đó.
 
Ông Nguyễn Văn Thành, Đội trưởng Đội kiểm tra thuế số 1, Chi cục Thuế Vinh cho biết: Khả năng là Công ty Đồng Tâm đã thành lập doanh nghiệp mới, xóa bỏ doanh nghiệp cũ, Chi cục Thuế Vinh đến đã nhiều lần nhưng không bao giờ gặp được giám đốc của Công ty Đồng Tâm. Vợ của ông Lê Văn  Cương cho biết: Ông Lê Văn Cương trước có làm công nhân khai thác đá cho Công ty CP Đồng Tâm một thời gian, sau đó không làm nữa và hiện đang làm công nhân tự do tại Lào. Theo bà này thì Lê Văn Cương chưa bao giờ làm giám đốc.
 
Trước tình hình đó, Chi cục Thuế Vinh đã  đình chỉ hóa đơn của công ty và chuyển công văn cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp xử lý. Không chỉ Công ty Đồng Tâm, thời gian qua, Chi cục Thuế Quỳ Hợp cũng có nhiều doanh nghiệp nợ thuế tài nguyên khoáng sản như: Công ty CP An Lộc hiện nợ 535 triệu đồng, Công ty CP xây lắp Trung Tín nợ 407,7 triệu đồng, Công ty CP SXTM và XNK Kim loại màu Nghệ An nợ 488 triệu đồng, DNTN Ngoan Cường nợ 913 triệu đồng.... 
 
Chế biến đá tại Khu công nghiệp Thung Khuộc - Quì Hợp.
Cục Thuế Nghệ An đã phải tiến hành đình chỉ sử dụng hóa đơn tới hàng chục doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An để thu hồi nợ thuế các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Cụ thể Cục Thuế đã cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng 64 doanh nghiệp, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh 1 đơn vị, cưỡng chế hóa đơn, bắt chuyển qua mua hóa đơn tại cơ quan thuế 8 đơn vị, đồng thời thông báo nợ, mời làm việc hàng chục lượt đơn vị nợ thuế. Không tính trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh thì trong các biện pháp trên, có thể nói cưỡng chế hóa đơn, ngừng hoạt động của hóa đơn là thiệt hại nhất. Doanh nghiệp không được phép in hóa đơn mới, nếu muốn có hóa đơn để hoạt động thì phải mua của cơ quan thuế và điều kiện mua là phải nộp nợ thuế. Đây là một biện pháp cứng rắn nhằm buộc những doanh nghiệp chây ì nợ đọng phải thực hiện nghĩa vụ ngân sách của mình. 
 
Đến tháng 6/2015, vẫn còn 32,7 tỷ đồng thuế ngành khai thác tài nguyên nợ thuộc diện phải cưỡng chế. Theo ông Nguyễn Đình Hòa, Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An,  một trong những giải pháp để đẩy mạnh thu thuế nợ đọng lĩnh vực này đó là ngành đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra, đình chi hóa đơn một số doanh nghiệp và sử dụng đồng bộ  các biện pháp để thu hồi nợ đọng, trong đó chú trọng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo mạnh hơn lĩnh vực này. 
 
Trân Châu