PV: Trước tiên, xin ông cho biết sơ bộ về tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua?
Bác sỹ Phan Văn Huê: Có thể nói rằng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ đi ngược với thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam mà còn vi phạm pháp luật và nguy hại hơn là để lại cho gia đình, xã hội và thế hệ tương lai những hệ lụy khôn lường.
Trước tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở vùng đồng bào dân tộc diễn ra khá phổ biến hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/04/2015 và giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban dân tộc TW, Ban dân tộc tỉnh tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 599/KH-UBND ngày 01/10/2015 về việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020”.
Trải qua 5 năm thực hiện Đề án nhìn chung, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến khá tích cực. Tuy nhiên tình hình hiện nay vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Cụ thể, tổng số cặp tảo hôn (cả vợ và chồng) đã giảm từ 76 cặp năm 2015 xuống 65 cặp năm 2019, giảm 11 cặp. Song số cặp tảo hôn xảy ra chỉ có một bên (vợ hoặc chồng chưa đủ tuổi kết hôn) lại tăng lên, năm 2016 chỉ có 99 cặp nhưng đến năm 2019 đã tăng lên 115 cặp. Đặc biệt là tình trạng học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây đúng như Báo Nghệ An đã phản ánh.
Theo tôi nghĩ, trên thực tế, số lượng tảo hôn , cũng như hôn nhân cận huyết thống lớn hơn rất nhiều so với số liệu do Ban dân tộc cung cấp. Bởi vì liên quan đến thành tích, nhiều địa phương, các trường dân tộc nội trú có tình trạng che dấu chưa thống kê đầy đủ các trường hợp tảo hôn. Trong khi đó, Ban Dân tộc không có mạng lưới xuống tận từng cơ sở để có thể nắm được thông tin chính xác.
PV: Tình trạng tảo hôn thường xảy ra ở những địa phương nào, thưa ông?
Bác sỹ Phan Văn Huê: Theo thành phần dân tộc thì tình trạng tảo hôn xảy ra ở đồng bào Mông là chủ yếu, nhất là những vùng giáp biên, nghèo đói, thiếu thốn, thiếu điện, thiếu thông tin. Tiếp đến là dân tộc Khơ -mú và số ít còn lại là dân tộc Thái. Đối với tình trạng hôn nhân cận huyết thống thì chỉ xảy ra ở đồng bào Mông và tộc người Đan Lan (ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) và dân tộc Ơ đu (Tương Dương). Nếu theo địa phương thì huyện Kỳ Sơn vẫn luôn là “điểm nóng” về tình trạng này.
PV: Theo ông thì những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tảo hôncó tỷ lệ cao ở những khu vực này?
Thứ nhất, do ảnh hưởng nặng nề của những quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu vùng xa, biên giới. Các gia đình ép con lấy vợ, lấy chồng khi còn quá trẻ, để phụ giúp gia đình và thêm lao động làm nương rẫy, lo cuộc sống hàng ngày. Người dân không hiểu như thế là vi phạm pháp luật.
Thứ hai, do đây là vùng kinh tế khó khăn, thiếu công ăn việc làm, hoạt động kinh tế chủ yếu là nương rẫy nên có nhiều thời gian nhàn rỗi dẫn đến yêu đương sớm và kết hôn sớm.
Thứ ba, do việc giáo dục giới tính, cung cấp thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, trang bị kỹ năng sống cho đối tượng vị thành niên và thanh niên vùng đồng bào dân tộc chưa được thực hiện tốt trong thời gian vừa qua dẫn tới việc các em có quan hệ tình dục trước hôn nhân và mang thai ngoài ý muốn dễ dẫn đến việc bỏ học để kết hôn sớm. Đây cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra khá phổ biến hiện nay.
Thứ tư, do tình trạng lơi lỏng pháp luật, các chế tài xử phạt vi phạm hôn nhân chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thêm vào đó công tác tuyên truyền, vận động người dân về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tiến hành không thường xuyên và thiếu hiệu quả;
Thứ năm, công tác chỉ đạo, sự phối hợp để ngăn ngừa nạn tảo hôn giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể... chưa chặt chẽ, không thường xuyên và chậm trễ trong việc cập nhật thông tin về tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Có những trường hợp các cặp tảo hôn tổ chức lễ cưới xong cho đến khi sinh con đi làm giấy khai sinh cho con, chính quyền địa phương mới nắm được thông tin, sau đó tiến hành cử cán bộ về tuyên truyền, nhắc nhở. Điều đó cho thấy sự can thiệp từ chính quyền địa phương chưa kiên quyết, thậm chí có lúc chính quyền địa phương còn tỏ ra lúng túng, thiếu biện pháp xử lý hữu hiệu khi có các cặp tảo hôn hay biết rõ có hôn nhân cận huyết; thậm chí còn có những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm, thiếu gương mẫu cho nhân dân noi theo.
Pv: Còn về vấn đề hôn nhân cận huyết thì sao, thưa ông?
Bác sỹ Phan Văn Huê: Hậu quả của hôn nhân cận huyết làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi. Những trẻ em được sinh ra từ cha mẹ có quan hệ hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền, bệnh tật, suy giảm sức khỏe, vì hôn nhân cận huyết chính là điều kiện thuận lợi cho những gen lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau. Bên cạnh hậu quả suy giảm sức khỏe, hôn nhân cận huyết còn ảnh hưởng không tốt đến văn hóa, đạo đức gia đình, phá vỡ các mối quan hệ đang tồn tại giữa các dòng tộc, gia đình và làm xói mòn, biến đổi giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Hôn nhân cận huyết xảy ra nhiều nhất ở đồng bào người Mông. Theo tập tục của người Mông thì vợ chồng cưới nhau phải khác họ và cũng chỉ cần khác họ. Chính vì thế, anh, chị, em gái với nhau nhưng cũng có thể làm thông gia với nhau, vì khác họ. Điều này dẫn đến tình trạng, nhiều trường hợp con chị, con em cưới nhau.
Ngoài ra, hôn nhân cận huyết còn xảy ra ở những cộng đồng dân tộc ít người như Ơ đu, Đan Lai. Đây là những tộc người gần như sống cô lập. Nên thanh niên lớn lên, cực chẳng đã, chỉ có thể cưới nhau quanh quẩn trong bản. Khó tiếp cận được những cộng đồng người xung quanh, vì thế không tránh khỏi chuyện người trong họ hàng cưới nhau. Ngoài ra, một số trường hợp hôn nhân cận huyết xảy ra do quan niệm “muốn giữ của” của người vùng cao. Họ chỉ muốn lấy người trong họ hàng, vì không muốn san sẻ tài sản cho người ngoài.
PV: Ông có thể cho biết, vấn nạn tảo hôn ảnh hưởng như thế nào?
Bác sỹ Phan Văn Huê: Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để mang thai và sinh con đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ; sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng gấp 2 lần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể thiếu cân và thấp còi; tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi. Tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản.
Tình hình thực tế tại các huyện thì hầu hết những gia đình tảo hôn thường có cuộc sống khó khăn, nghèo đói. Các cặp tảo hôn chủ yếu tự nguyện về sống chung như vợ chồng và được sự đồng ý của hai gia đình, trong số các cặp vợ chồng tảo hôn thì số cặp ly hôn mang con cái ở lại với bố mẹ đẻ tương đối nhiều.
Thực tế cho thấy, các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, thì tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng gia tăng. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.
PV: Theo ông, để ngăn chặn vấn nạn này, những giải pháp nào sẽ hiệu quả nhất?
Bác sỹ Phan Văn Huê: Ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nói chung, trong vùng dân tộc thiểu số nói riêng là trách nhiệm mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng. Theo tôi, để giảm thiểu tình trạng này, giải pháp tối ưu nhất đó chính là tuyên truyền, từ đó dần thay đổi nhận thức của người dân. Mà đối tượng tuyên truyền phải tập trung vào các em học sinh. Đây là những thành phần dễ tiếp thu, cũng là đối tượng trực tiếp nhắm tới. Chính vì thế, phải tăng cường giáo dục cho các em từ trên ghế nhà trường, để từ đó các em có thể dần thay đổi phong tục, tập quán cho cả cộng đồng.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Phải gắn trách nhiệm của các trưởng bản, chính quyền cơ sở những nơi để xảy ra tình trạng này. Xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản không vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Tổ chức ký cam kết giữa thôn, bản với UBND hàng năm; tránh tình trạng khi chính quyền phát hiện ra thì coi như “việc đã rồi”. Phải làm thế nào, khi các gia đình vừa có ý định cho con em kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật, chính quyền và các đoàn thể phải biết trước để trực tiếp gặp gỡ tư vấn pháp luật, vận động, tuyên truyền, ngăn chặn ngay từ đầu.
PV: Xin cảm ơn ông!