18 tuổi, 3 đời chồng
Một ngày cuối năm, chúng tôi ngược dòng sông Giăng, tìm vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, nơi có những bản của tộc người Đan Lai sinh sống. Sau bao năm, con đường dẫn vào bản Búng, bản Cò Phạt vẫn gập ghềnh, cheo leo như chính cuộc đời những phận người đang “ở ké” trong Vườn quốc gia này vậy. Dù đã có hàng loạt chính sách, các cuộc vận động đối với tộc người này, nhưng Đan Lai vẫn còn nghèo đói.
“Ở đây phần lớn họ phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của các đoàn từ thiện. Vì ruộng gần như không có. Mà sống giữa Vườn quốc gia, một cây măng cũng không được chặt”, một cán bộ kiểm lâm đi cùng kể với chúng tôi. Nghèo đói, lạc hậu nên nhiều em nhỏ ở đây học chưa biết nổi con chữ đã đi lấy chồng, lấy vợ. Trong khi, bị tách biệt địa lý, người Đan Lai phần lớn chỉ kết hôn qua lại trong cộng đồng nhỏ của mình. Chính vì thế, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đang là bài toán khó giải đối với cơ quan chức năng ở đây.
Ở bản Búng, bản Cò Phạt, không hiếm những trường hợp thậm chí làm ông, làm bà khi chưa đến 30 tuổi. La Văn Chín (28 tuổi), là một trong số đó. Mặc dù, Chín hiện nay đang là đảng viên, phó trưởng bản. Không giống như những bạn bè đồng trang lứa khác ở đây, Chín sinh ra trong gia đình khá giả, được bố mẹ chăm lo, cho xuống trung tâm xã ăn học.
Tuy nhiên, khi chưa kịp học xong lớp 6, cậu quyết định bỏ về bản lấy vợ. Người vợ cùng lứa tuổi, gần nhà. Năm đó Chín vừa tròn 14 tuổi. Sống với nhau một thời gian ngắn, lần lượt 5 cô con gái ra đời. Để rồi, khi cô con gái đầu của vợ chồng Chín mới vừa tròn 14 cũng quyết định lấy chồng, dù chưa học hết cấp 2.
“Chỉ ít tháng nữa thôi là tôi có cháu ngoại bế rồi”, Chín cười nói. Đám cưới được tổ chức liên tục trong 3 ngày. Gia đình Chín luôn tự hào đó là một trong những đám cưới to nhất bản! Vị phó bản nói rằng, ở đây việc lấy chồng, lấy vợ sớm như vậy là chuyện bình thường.
Cách nhà Chín không xa, chị Lương Thị TH. (bản Cò Phạt), thậm chí còn làm bà ngoại khi chưa tròn 27 tuổi. Năm 2000, khi vừa tròn 13 tuổi, Th. được bố mẹ gả cho một người đàn ông trong bản lớn hơn một giáp. Gần một năm sau, chị sinh người con gái đầu lòng Lương Thị M., khi vừa bước sang tuổi 14.
Phần lớn trong số tiền ít ỏi kiếm được, vợ chồng chị Th. dành dụm cho hai con ăn học, với hy vọng lớn lên sẽ thoát được cái nghèo, cái khổ. Tuy nhiên, năm 2014, khi đang còn học lớp 6, cô con gái đầu lòng của họ bất ngờ bỏ học lấy chồng, dù lúc đó chỉ chưa đầy 13 tuổi. Khi M. bất ngờ bỏ học, gặng hỏi mãi, vợ chồng chị Th. mới tá hỏa khi biết được cô con gái đã mang bầu nhiều tháng với cậu công nhân cầu đường vẫn hay ghé nhà chơi. Đến tháng 9/2014, M. sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Lúc này, chị Th. chính thức làm bà ngoại khi ở tuổi 27, còn con gái vừa tròn 13. Đến nay, M. dù chưa đầy 20 tuổi những đã kịp trải qua... 3 đời chồng!
Vấn nạn khó dứt
Tảo hôn đã và đang là một vấn nạn lớn xảy ra khắp cả nước chứ không riêng bất cứ ở một địa phương nào. Để từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt vấn nạn này, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025. Ở Nghệ An cũng đã có Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020", trong đó Ban Dân tộc tỉnh được xác định là cơ quan đóng vai trò chủ đạo thực hiện đề án.
Thời gian qua, hàng tỷ đồng đã được bỏ ra nhưng hiệu quả trong công tác phòng chống, giảm thiểu tảo hôn đem lại rất ít ỏi. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2015 đến 2018, trên địa bàn 7 huyện miền núi (Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương và Quỳ Hợp) có 704 cặp tảo hôn...
Còn theo báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nghệ An khảo sát tại 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông thì từ năm 2015 đến 2018, tổng số cặp tảo hôn là 714. Số người kết hôn dưới 16 tuổi có xu hướng gia tăng... Trên thực tế, con số trường hợp tảo hôn chắc chắn cao hơn rất nhiều. Và sở dĩ có sự khập khiễng giữa con số của 2 cơ quan này là cách thống kê của mỗi đơn vị.
“Tảo hôn thường xảy ra ở đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện vùng cao. Mà ở trên đó thường quyết định về sống chung với nhau chứ không ra xã đăng ký. Còn con số báo cáo về tảo hôn chủ yếu dựa vào những cặp ra đăng ký kết hôn nhưng chưa đủ tuổi”, ông Nguyễn Hữu Quang - Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục, Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh Nghệ An cho biết.
Cũng giống như trường hợp của La Văn Chín - Phó trưởng bản Búng làm ông ngoại ở tuổi 28, tại nhiều địa phương khác, tình trạng tảo hôn diễn ra trong cả các gia đình cán bộ, công chức tại các xã là không hiếm gặp. Đơn cử là các trường hợp con Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (chồng là Hiệu trưởng trường Tiểu học); con công chức tư pháp xã Mường Lống, xã Nhôn Mai, con Bí thư Chi bộ thôn Cửa Rào (xã Môn Sơn) huyện Con Cuông... Các trường hợp này, cấp ủy chính quyền địa phương biết nhưng chưa xử lý.
Tình trạng tảo hôn ở tỉnh Nghệ An bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Đó là điều kiện tự nhiên, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, các dịch vụ về dân số - KHHGĐ khó tiếp cận. Người dân vẫn đang mang nặng tư tưởng, phong tục tập quán của địa phương có quan niệm “Gái thập tam, Nam thập lục” là xem như đã trưởng thành. Nhận thức hiểu biết về hậu quả của tảo hôn và những quy định của pháp luật còn nhiều hạn chế. Tác động những mặt trái của cơ chế thị trường, phim, ảnh đồi trụy đã xâm nhập nhanh vào lứa tuổi vị thành niên. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, kinh phí đầu tư cho công tác này còn rất khiêm tốn...
Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để mang thai và sinh con đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống. Trước mắt, với những cặp tảo hôn được thống kê, Nghệ An đã có ít nhất một nửa đứa trẻ (thuộc về số cặp tảo hôn) thất học; một nửa trẻ sơ sinh không đảm bảo sức khỏe được sinh ra và có chừng đó hộ gia đình mới thành lập rơi vào cảnh đói nghèo...
Những nghiên cứu đã chỉ ra: Đại đa số các cặp vợ chồng tảo hôn đều sớm chia tay do những gánh nặng, áp lực cuộc sống gia đình đổ dồn lên những đôi vai non trẻ. Theo số liệu của Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp, số vụ ly hôn trên địa bàn huyện tăng lên hàng năm: Năm 2016 có 160 vụ; đến năm 2018 tăng lên 196 vụ. Trong các vụ ly hôn có rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng sống với nhau không có đăng ký kết hôn (phần lớn là do tảo hôn).