Ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm đến xóm biển ở xã Diễn Thành (Diễn Châu). Ở làng chài này, có một người mẹ gần nửa thế kỷ nay vẫn luôn mong ngóng 2 người con trai. Đó là Mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Dự, 1 trong 300 bà Mẹ Việt Nam anh hùng vừa được vinh dự gặp mặt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội.
Mẹ Dự năm nay đã 95 tuổi nhưng vẫn còn khá khỏe mạnh. Sau hành trình hơn 500 km cả đi lẫn về để được gặp người đứng đầu Chính phủ, mẹ nói rằng, chẳng thấy mệt chút nào. Chỉ thấy háo hức. Đây là lần thứ 2 mẹ Dự được gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Lần trước, vào tháng 2/2019, trong chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An, Thủ tướng cũng đã trực tiếp đến tận nhà thăm và tặng quà cho mẹ, đồng thời thắp hương lên bàn thờ các con trai mẹ.
Con trai mẹ Dự, ông Cao Đức Vượng cho hay, những năm gần đây, tâm trí mẹ không còn được minh mẫn. Thấy người lạ đến chơi, mẹ vẫn thường lầm tưởng đó là 2 người con trai đã hy sinh, rồi gọi tên trong vô vọng.
Ông Vượng là người con trai duy nhất còn lại của mẹ, cũng là người đang chăm sóc bà. Hơn 70 năm trước, mẹ Dự nên duyên với người đàn ông sống cùng làng. Chồng bà lúc đó đang là cán bộ của UBND xã Diễn Thành, 2 người có với nhau được 6 người con, 3 trai, 3 gái. Những năm đó, căn nhà của cặp vợ chồng trẻ này cũng là nơi ở những tháng ngày đầu của cán bộ tập kết từ miền Nam ra. Nhiều cán bộ đã ở lại trong căn nhà này mấy tháng trời. Những cán bộ tập kết ban đầu còn gặp khó khăn, bỡ ngỡ, được gia đình mẹ Dự cưu mang, sau đó được bố trí công việc và nơi ở mới tại các địa phương.
Đến năm 1967, anh Cao Huy Khương, con trai đầu của vợ chồng mẹ Dự lên đường nhập ngũ. Lúc đó, anh Khương chỉ vừa lấy vợ được ít tháng. Anh Khương đi bộ đội đúng lúc chiến tranh đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, gia đình không biết anh chiến đấu ở chiến trường nào. Khoảng 1 năm sau khi nhập ngũ, anh được về phép mấy ngày để thăm con gái mới sinh, rồi lại đi. Đó cũng là lần cuối cùng gia đình được gặp anh.
3 năm liền không có tin tức về con trai đầu, cả gia đình cũng đã nghĩ đến “chuyện chẳng lành” với anh. Tuy nhiên, khi người em trai của anh Khương có ý định nối tiếp anh đi bộ đội, mẹ Dự cũng như cả gia đình không hề ngăn cản, thậm chí còn động viên con trai vào chiến trường. Thế là năm 1971, anh Cao Quang Hường người con thứ 3 của mẹ Dự, lên đường nhập ngũ. Anh Hường là lính trinh sát đặc công, thời điểm đó vừa tròn 19 tuổi. Sau khi nhập ngũ, anh được đưa đến huyện Yên Thành để huấn luyện, sau đó vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Năm 1973, gia đình nhận được giấy báo tử của người con trai đầu. Trong giấy báo tử có ghi, anh Khương hy sinh vào ngày 28/11/1971. Gần 1 năm sau, khi nỗi buồn còn chưa kịp nguôi ngoai, gia đình tiếp tục nhận được giấy báo tử của anh Hường. Giấy báo tử ghi anh Hường hy sinh ngày 31/10/1972. Cả 2 anh em hy sinh cách nhau chưa đầy 1 năm. “Tôi vẫn còn nhớ, gia đình tôi nhận 2 giấy báo tử liên tiếp. Cha tôi là cán bộ xã, ông mạnh mẽ nên giấu kín nỗi đau, còn mẹ tôi thì ngã quỵ”, ông Cao Đức Vượng nhớ lại.
Nhận được giấy báo tử của anh Khương không lâu, người vợ trẻ để con gái còn nhỏ lại cho vợ chồng mẹ Dự nuôi, đi tìm cuộc sống mới. Mẹ Dự kể rằng, hồi đó, cuộc sống rất khó khăn. Chồng bà mặc dù là cán bộ xã nhưng đồng lương chẳng ăn thua. Cô ấy ra đi, vợ chồng bà không giận, trái lại rất thương. Người cháu gái ấy đã được vợ chồng mẹ Dự nuôi ăn học, nay cũng đã lập gia đình.
Hai người anh trai hy sinh, giấy báo tử sau đó cũng bị thất lạc và hư hỏng, không còn đọc được nữa nên ông Vượng không biết các anh của mình từng tham gia chiến đấu ở đơn vị nào để đi tìm kiếm mộ phần, hài cốt. Chỉ nhớ, trong giấy báo tử ghi ngày, tháng, năm các anh hy sinh nhưng cũng chỉ ghi là hy sinh ở chiến trường phía Nam, không rõ ở tỉnh, huyện nào nên rất khó để tìm kiếm.
Những năm sau đó, mẹ Dự từng tìm đến Huyện đội, Tỉnh đội để tìm kiếm thông tin về nơi hy sinh của các con mình nhưng không có kết quả. Những năm 2010 - 2012, thời điểm xuất hiện nhiều nhà “ngoại cảm” và trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khiến nhiều người tin theo, gia đình mẹ cũng lần tìm đến một số trung tâm để hy vọng vào việc tìm kiếm bằng tâm linh này. Kết quả, thông tin “ngoại cảm” cho rằng mộ phần của liệt sĩ Cao Huy Khương đang ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Ông Vượng lập tức thuê xe ô tô rồi cùng các con trai của ông vào tận địa chỉ này để tìm kiếm. Khi ông tìm đến địa điểm được chỉ, thì đó là một khu đất đồi nằm gần nghĩa địa. Người dân địa phương cho ông biết, khu vực này trước đây là chiến trường rất ác liệt, xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa ta và địch. Nghe vậy, ông Vượng rất hy vọng và thuê một máy múc, bới đất để tìm kiếm, nhưng cuộc tìm kiếm khá công phu này không có kết quả.
Cả gia đình sau đó tiếp tục thực hiện 3 chuyến tìm kiếm khác ở Gia Lai, nhưng vẫn không có kết quả. 3 năm trước, ông Vượng tình cờ gặp được một người đồng đội cũ cùng đơn vị với liệt sĩ Cao Quang Hường, anh trai ông. Người này cho biết, anh Hường hy sinh tại chiến trường thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, và được ông chôn cất ở một khu đồi tại đây. Do lúc đó có nhiều người cùng hy sinh, cuộc chiến quá ác liệt nên ông và đồng đội còn sống cũng chỉ kịp đào hố để chôn cất mà không kịp để lại các di vật để sau này phục vụ cho việc tìm kiếm.
Người đồng đội này cũng nói, ông đã từng có dịp trở lại khu đồi này, nhưng ở đó đã thay đổi rất nhiều và giờ không thể nhận ra được vị trí chôn cất nữa. “Mẹ bây giờ cũng đã lớn tuổi rồi, chẳng biết còn sống được bao lâu. Nhưng chúng tôi biết, trong tâm trí bà luôn mong muốn tìm được hài cốt 2 anh tôi về. Cũng vì thế mà tôi luôn áy náy, hễ có thông tin gì liên quan đến phần mộ các anh, chúng tôi đều tìm cách liên lạc. Chỉ mong một ngày, mẹ được gặp lại các anh”, ông Cao Đức Vượng nói.