(Baonghean) - Với chúng tôi, người thường xuyên qua lại vùng Phủ Tương cũ, con sông Nậm Mộ trở nên rất đỗi thân thuộc. Nhưng ấn tượng nhất về con sông này có lẽ là ở hai thời điểm trái ngược nhau, mùa mưa lũ và mùa khô cạn.
Chúng tôi không bao giờ quên được cảm giác bàng hoàng khi chứng kiến hậu quả cơn lũ quét diễn ra vào giữa tháng 6/2011. Nước rút xuống thấp so với đỉnh lũ nhưng mặt sông vẫn cuồn cuộn chảy, nước đỏ ngầu cuốn theo bao nhiêu là cây rừng. Quốc lộ 7A bị sạt lở, xe cộ không thể vượt qua. Nhiều đoạn bùn sâu tới quá đầu gối, việc đi lại trở nên hết sức khó khăn. Lần ấy, cả Thị trấn Mường Xén ngổn ngang đất bùn, gỗ củi, đồ đạc... Cơn lũ đi qua, người dân càng thêm gian nan, vất vả mỗi lần vượt sông. Đó là trận lũ quét lịch sử, mỗi khi nhắc đến cư dân ven bờ Nậm Mộ vẫn chưa hết nỗi ám ảnh...
Thời điểm hiện tại, Kỳ Sơn và Tương Dương đang là mùa khô, mực nước của dòng Nậm Mộ đang xuống thấp, nhiều đoạn đã trơ đáy. Lòng sông trở thành những bãi sỏi, những viên sỏi to nhỏ khác nhau nằm phơi giữa sương nắng. Trên bãi sỏi, không ít những thân cây rừng và các loại rều rác bị mắc cạn, nằm la liệt dọc mép sông. Lòng sông bị thu hẹp, nhiều chỗ trở thành những con khe nhỏ, có thể lấy đà để nhảy qua. Nhiều chỗ, bình thường muốn qua sông phải dùng thuyền gắn máy hoặc ít ra là thuyền chèo, nay bà con có thể lội bộ. Hình ảnh quen thuộc là những con thuyền gác bãi, bởi nước cạn, lòng sông lô nhô sỏi đá khiến việc lưu thông, đi lại khó khăn hơn bao giờ hết. Nước cạn cũng có cái “tiện”, đàn ông đi rừng, lên rẫy về nhà có thể lội qua; phụ nữ hái măng, đi chợ về cũng dắt nhau lội sông về nhà. Sung sướng nhất là lũ trẻ, sau buổi học rủ nhau ra tắm sông, mặc cho mùa Đông giá rét. Chúng chạy ùa ra giữa dòng sông, cùng hò hét, nô đùa sảng khoái…
Có người bảo, mực nước lên xuống là chuyện của dòng sông, của đất trời. Ấy nhưng sự lên xuống của mực nước sông ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống con người. Chúng tôi được cụ bà Vi Thị Chức, trên 100 tuổi ở bản Cánh, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) kể chuyện về những chi tiết liên quan đến dòng Nậm Mộ. Cụ nói: “Trước đây, người già thường bảo năm nào con sông cạn kiệt về mùa khô, đến mùa mưa chắc chắn sẽ có lũ to, phải đề phòng ngay từ những ngày đầu. Có những năm lũ cuốn gần nửa nhà cửa của bản. Năm nay thấy nước sông cạn lắm, có khi lại có lũ to”.
Rồi cụ Chức kể cho chúng tôi nghe chuyện về Đức Khánh, người có công khai phá đất Tà Cạ hàng trăm năm trước. Là một tướng trận lưu lạc đến xứ này, Đức Khánh quyết định chọn nơi đây để dừng chân. Chẳng bao lâu sau, vùng núi rừng hoang vu này trở nên trù phú và bình yên, người khắp nơi tìm đến xin cư trú và làm ăn, bản làng ngày một đông vui, cuộc sống ngày càng nhộn nhịp với cảnh trên bến dưới thuyền. Người dân khắp vùng chèo thuyền ngược sông lên đây giao thương, buôn bán. Sau khi Đức Khánh mất, để tưởng nhớ công lao của ông, người dân Tà Cạ lập đền thờ bên dòng Nậm Mộ. Cuộc sống trôi đi một cách bình yên, cho đến một năm, mùa khô dòng Nậm Mộ trở nên cạn kiệt, thuyền bè rất khó lưu thông, việc giao thương buôn bán trở nên khó khăn. Đến mùa mưa, nước sông dâng lên đột ngột, một trận lũ quét bất chợt đi qua cuốn theo hầu hết nhà cửa, đồ đạc. Núi bị lở, ruộng bị lấp, những hòn đá to trôi trên núi về nằm ngổn ngang. Từ chỗ trù phú, đông vui, trận lũ quét đã cuốn đi tất cả. Phải mất nhiều năm sau, người dân Tà Cạ mới khôi phục được bản làng. Từ đó, hễ năm nào sông cạn kiệt vào mùa khô, người dân lại đứng ngồi không yên vì lo sợ mùa mưa lũ lớn. Và điều này gần như đã trở thành quy luật…
Mùa khô năm nay, mực nước Nậm Mộ cũng xuống rất thấp, người già của các bản làng dọc sông đang mang nặng nỗi lo khi mùa mưa lũ tràn về. Thời điểm này, phụ nữ Thái rủ nhau thành nhóm 5 - 7 người ra chính giữa dòng để xúc cá. Nhưng lũ cá rất hiếm. Con nước vơi cạn đi nên môi sinh bị ảnh hưởng.
Sau trận lũ lịch sử năm 2011, Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng lại cả 3 chiếc cầu bắc qua Nậm Mộ, trong đó 2 cầu thi công chậm, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân. Vào mùa mưa lũ, chiếc thuyền là phương tiện duy nhất để qua sông, những con thuyền nhỏ tròng trành giữa dòng nước xiết chở bao nỗi lo âu và niềm mong mỏi về một chiếc cầu.
Vào mùa khô, người dân phải bắc cầu tạm để qua sông, đánh cược tính mạng với dòng nước. Người dân bản Khe Ngậu làm cầu phao qua sông, những bó nứa đặt trên mấy cái thùng phuy, bước lên không tránh khỏi cảm giác bập bềnh, chao đảo. Giờ đây, họ đã “sáng tạo” ra một chiếc cầu độc đáo, nửa như là cầu treo, nửa như là cầu phao. Những bó nứa vừa được đặt giữa lòng sông để làm phao, vừa được buộc những sợi dây thừng và treo lên sợi dây cáp căng qua 2 bờ. Trẻ em đi học, bà con đi chợ hay lên rẫy, vận chuyển nông sản đều đi qua chiếc cầu “đặc biệt” này…
Mùa này, con nước cạn, người dân sống dọc bờ Nậm Mộ đang lấp đất dọc mép sông để lấy mặt bằng làm quán xá, nhà cửa. Địa hình vừa hẹp, vừa dốc, mặt bằng hết sức khan hiếm nên đây được xem là giải pháp tạm thời. Nhưng giải pháp này tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy, bởi như thế là đã ngăn dòng chảy, làm dòng chảy đổi hướng. Nước nhỏ không nói làm gì, đến mùa nước lớn, nếu có lũ to nước sẽ cuốn phăng tất cả, từ nền đất, công trình, đồ đạc, và mạng sống con người cũng bị đe dọa. Biết rõ điều đó nhưng không ít người vẫn đang đánh một “canh bạc” với thủy thần.
Như vậy, việc lên hay xuống, đầy hay vơi của dòng Nậm Mộ không hoàn toàn là việc của đất trời, thiên nhiên mà còn là cuộc sống của những cư dân, làng bản ven bờ. Sông mang đến nguồn nước, sản vật và phong cảnh nhưng cũng chứa đựng những bất trắc khôn lường. Bao nỗi vui buồn, hy vọng và âu lo của người dân vơi đầy theo con nước…
Công Kiên