(Baonghean) - Trên Báo Nghệ An đăng tải loạt bài điều tra về phát triển cao su theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh. Các tác giả loạt bài này cho rằng: Mục tiêu về diện tích trồng cao su của tỉnh cho đến hết nhiệm kỳ Đại hội XVII là không thể đạt. Nguyên nhân là do: Đề án phát triển cây cao su chậm ban hành; và rào cản từ đất đai, vốn đầu tư…
 
Cùng ngày 30/7/2014, Báo Nhân dân có bài “Khi vàng trắng mất giá” dẫn đến tình trạng người dân hoang mang bỏ bê cây cao su, thậm chí một số hộ đã chặt phá cao su để trồng loại cây khác. Giá mủ cao su từ 30.000 - 40.000 đồng nhưng nay chỉ còn 10.000 đồng /kg, nguyên nhân dẫn đến “vàng trắng” rớt giá thê thảm như vậy là do cung vượt cầu. Sản lượng cao su trên thế giới đang dư thừa thì diện tích và sản lượng cao su của nước ta lại liên tục tăng. Cùng với đó, là thị trường xuất khẩu cao su của ta lại bị lệ thuộc vào một hai thị trường chính mà thôi. Để tháo gỡ khó khăn này, hẳn không chỉ là vấn đề diện tích, cũng không chỉ là vấn đề thị trường mà sâu xa hơn là ở chỗ khác, xin sẽ đề cập ở phần sau.
 
Chỉ với chừng đó thông tin, mấy câu hỏi đặt ra là: Việc chúng ta không thể đạt được mục tiêu 22.663 ha cao su để có sản lượng 8.200 tấn mủ khô/năm là đáng mừng hay đáng lo? Và do đó, liệu có nên cật lực để đạt cho kỳ được mục tiêu đó không ở năm 2015 thì vài ba năm sau nữa? Hay cần có một đề án phát triển bền vững cho cây cao su trên đất Nghệ An?
 
Sau đây, xin mạnh dạn tìm câu trả lời cho mấy câu hỏi trên.
 
1. Dĩ nhiên không ai có thể nói là mừng vì một chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội XVII không thể đạt. Nhưng ở một khía cạnh nào đó lại có thể nói là không đáng lo. Bởi vì con số diện tích cao su của tỉnh đến năm 2015 không phải là 22.663 ha mà ít hơn khá nhiều sẽ là thực tiễn hơn, và nhất là sẽ hiệu quả hơn khi tính thu nhập trên 1 ha cao su.
 
Nhưng lại có một điều rất đáng lo vì lãnh đạo, chỉ đạo làm sao để Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực.
 
Từ thực tế diễn ra mấy năm qua, và xu hướng cung đang vượt cầu trên thế giới thì chắc chắn ngành cao su Việt Nam phải tính toán lại, và đương nhiên ngành cao su Nghệ An phải tính toán, xem xét lại toàn bộ đề án phát triển cao su ở Nghệ An.
 
2. Với cách nghĩ như thế, thì hẳn rất không nên cật lực để đạt cho kỳ được mục tiêu 22.663 ha cao su ở Nghệ An. Với một diện tích ít hơn, nhưng lại thâm canh chắc chắn năng xuất và chất lượng mủ sẽ cao hơn và do đó, tất nhiên hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Và chính nhờ hiệu quả cao sẽ tạo ra sức hút, sức hấp dẫn cho người trồng, cho đất trồng cao su. Phát triển cao su như vậy mới là phát triển bền vững. Đã đến lúc tư duy chất lượng thay cho tư duy số lượng.
 
Trên một số diện tích đưa vào trồng cao su theo quy hoạch chưa được dân đồng tình với lý lẽ rất đúng của dân: Đó là vùng đất rừng đầu nguồn. Có thể toàn vùng ấy không nằm trên diện tích rừng phòng hộ. Nhưng lại rất có thể một số diện tích nào đó trong vùng đó lại là rừng phòng hộ cục bộ. Mà đã là rừng phòng hộ thì không nên lấy đất đó để trồng cao su. Như vậy có nghĩa là phải xem xét lại thật thấu đáo những diện tích đã được quy hoạch để thấy đúng thì phải điều chỉnh.
 
Chúng ta đang thiếu vốn để đầu tư mở rộng diện tích. Điều đó đồng nghĩa với thực trạng chúng ta càng thiếu vốn để chăm sóc, thâm canh, chế biến, tạo ra chuỗi sản phẩm mang lại chuỗi giá trị gia tăng từ mủ cao su. Bởi vậy, cũng cần xem xét lại dự án về tính khả thi, tính hiệu quả của nó và các điều kiện cần và đủ mà dự án đòi hỏi.
 
3. Không nhất thiết cật lực để đạt mục tiêu như nói ở trên, nhưng nhất thiết phải có một đề án phát triển cao su bền vững trên đất Nghệ An.
 
Đề án này có thể có các nội dung sau đây:
 
- Quy hoạch chính xác đất trồng cao su về phương diện diện tích và phương diện vị trí địa lý để phòng chống bão làm đổ gãy vườn cây. Cần lưu ý điều này bởi phần lớn diện tích trồng cao su ở tỉnh ta đều gần biển, mà cây cao su là cây dễ bị đổ gãy khi gặp gió bão. Từ đó, xác định đúng: diện tích, vị trí địa lý cho từng xã, từng vùng, từng huyện. Như vậy có nghĩa là ta phải xem xét lại tỉnh ta nên và có thể trồng bao nhiêu ha cao su.
 
- Thiết kế vườn cao su (cả đại điền và tiểu điền) với các băng cản gió, cản lửa đảm bảo an toàn cao nhất cho vườn cao su khi gặp gió bão, cháy rừng…
 
- Dù là đại điền hay tiểu điền thì ngay từ đầu phải khẳng định trồng cao su thâm canh. Từ đó mà chọn giống, chọn đất, xây dựng quy trình thâm canh, tập huấn cho dân và cho lao động trồng cao su, khai thác mủ cao su, xác định mức đầu tư và các bước đầu tư. Hơn bao giờ hết làm nông, lâm nghiệp nói chung, làm cây cao su nói riêng phải thâm canh từ đầu, thâm canh triệt để với các tiến bộ kỹ thuật đã và sẽ có.
 
- Xây dựng đội ngũ chuyên gia (cả kỹ thuật và kinh tế), đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về cây cao su. Về vấn đề này, cần rút ra bài học từ việc thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu cho các cây công nghiệp tập trung của tỉnh ta: cây mía – cây chè, để sớm lo cho cây cao su. Nếu được, cần có Trung tâm KHKT cao su để phục vụ cho việc nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các công nghệ mới từ trồng, chăm sóc, khai thác đến chế biến mủ cao su, chế tạo các sản phẩm đa dạng mà nguyên liệu là mủ cao su.
 
- Xây dựng hệ thống tổ chức và các cơ chế chính sách để tạo sự liên thông, liên kết chặt chẽ trong toàn ngành nhằm chủ động khắc phục những trục trặc thường có giữa các khâu, các bước, các công đoạn của chuỗi liên kết từ trồng, khai thác, thu mua, chế biến và thị trường. Vấn đề này chúng ta cũng đã có bài học từ các cây công nghiệp có diện tích lớn ở tỉnh ta.
 
- Xây dựng doanh nghiệp chế biến mủ cao su với quy mô lớn, công nghệ cao và có nhiều chủng loại sản phẩm từ mủ cao su cho đến sản phẩm cuối cùng. Chỉ có như vậy mới thoát khỏi tình trạng chỉ có bán nguyên liệu thô nên không có giá trị gia tăng cao.
 
Tóm lại, đề án phát triển cây cao su phải là một đề án tổng thể, hoàn chỉnh, nằm trong đề án chung của Tập đoàn cao su Việt Nam.
 
Thiết nghĩ, tiến độ trồng cao su ở Nghệ An là chậm, dù lãnh đạo và người trồng cao su ở Nghệ An chưa có biểu hiện dao động. Cho nên đặt vấn đề kiên định không chỉ là tiếp tục trồng thêm cao su mà quyết định hơn cả phải là kiên định trồng cao su thâm canh từ đầu, kiên định trồng cao su ở những nơi đạt độ an toàn cao nhất có thể, với những giải pháp kinh tế kỹ thuật đạt độ an toàn cao nhất trước những biến đổi bất thường của khí hậu, đặc biệt là tác động của gió bão và lốc xoáy. Và cuối cùng là kiên định để hình thành một ngành cao su cân đối hoàn chỉnh từ khâu đầu đến khâu cuối. Tất cả những kiên định ấy để có kết quả là: đạt hiệu quả kinh tế cao trên một diện tích canh tác cao su. Hiệu quả đó mới đảm bảo sự kiên định không chỉ là sản phẩm của ý chí mà còn là sản phẩm của trí tuệ, của tổ chức kinh tế, của khoa học và công nghệ.
 
Trương Công Anh