(Baonghean) - Lâu nay, song song với dạy chữ, việc “dạy người” cũng được các nhà trường hết sức chú trọng. Nội dung này được lồng ghép thông qua các tiết học đạo đức, các hoạt động ngoại khóa, các tiết dạy về kỹ năng sống… Qua đó, giúp học sinh phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ. 
 
images1055935_ti_t_h_c_d_o_d_c_theo_h_nh_th_c_th_o_lu_n_nh_m.jpgTiết học đạo đức theo hình thức thảo luận nhóm tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Vinh).
 
Đến Trường THPT Nguyễn Thức Tự (Nghi Lộc) ấn tượng đầu tiên là dòng chữ “Học để làm người” được viết cách điệu một cách trang trọng ngay phía trên cùng  bảng tin của nhà trường. Bên cạnh đó, là những câu thơ bằng chữ Hán của nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu viết gửi thầy giáo Nguyễn Thức Tự, một người thầy giáo mẫu mực, một đời hết mình vì sự nghiệp trồng người: “Đạo thông thiên địa/ Học bác cổ kim/ kinh sư dị đắc/ nhân sư nam tầm”, dịch nghĩa “Người dạy chữ dễ tìm, người dạy người khó tìm”, cũng ngụ ý làm người thầy giáo giỏi, bên cạnh việc dạy chữ còn phải có trách nhiệm trong việc dạy người, trồng người...
 
Trong hoàn cảnh của một trường ngoài công lập, học sinh là đối tượng cá biệt không phải là ít thì những dòng chỉ đó hết sức có ý nghĩa đối với thầy và trò Trường THPT Nguyễn Thức Tự. Do đó, khi học sinh mới vào trường, đặt mục tiêu hàng đầu không phải là dạy chữ, dạy kiến thức mà điều trước tiên là phải rèn các em ý thức để các em tập làm quen với môi trường giáo dục kỷ luật khuôn phép. Cách dạy cũng không quá giáo điều mà đi vào những quy định cụ thể như: đi học đúng giờ, không bỏ tiết, áo quần, đầu tóc khi lên lớp phải gọn gàng. Bên cạnh đó, nhà trường khuyến khích phong trào tự quản của học sinh, tổ chức các phong trào giúp nhau học, xây dựng tập  thể lớp đoàn kết... Một giải pháp khác cũng rất hữu hiệu mà theo thầy giáo Nguyễn Đức Du – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, đó là dạy các em chăm học. Vì nếu các em chăm học, say sưa với việc học thì sẽ quên đi những trò nghịch ngợm, quên đi những thói hư, tật xấu... Nhờ đó, thầy giáo Nguyễn Đức Du tự tin rằng “học sinh Trường Nguyễn Thức Tự có kỷ cương nề nếp nhất vùng”. 
 
Giáo dục đạo đức có ý nghĩa rất quan trọng trong các nhà trường, giúp học sinh hình thành nhân cách, tạo cho các em nề nếp và những kỹ năng sống cần thiết. Đây cũng là một trong những nội dung xây dựng văn hóa học đường, gắn với các phong trào như  “Xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Hai không”; “mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đây cũng là yếu tố bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục. Xác định được ý nghĩa quan trọng này nên những năm qua, việc giáo dục nhân cách, đạo đức được các nhà trường trên địa bàn tỉnh ta hết sức chú trọng. Như với lứa tuổi mầm non, dù nhận thức của học sinh vẫn còn hạn chế, nhưng ngay trong những ngày đầu tiên mới đến trường, các em đã được thầy cô  dạy những kỹ năng đơn giản trong các mối quan hệ với thầy cô, với ông bà, bố mẹ, với bạn bè. Lớn hơn, việc dạy đạo đức không chỉ gói gọn trong những dạy bảo đơn thuần, mà còn được thể hiện qua các bài học cụ  thể, như qua các bài giảng của môn đạo đức, môn tiếng Việt, qua các tiết học ngoại khóa, qua các tiết dạy kỹ năng sống. 
 
Khó khăn hiện nay trong công tác giáo dục đạo đức ở các trường học đó là nội dung chương trình chưa hợp lý, nặng về giáo dục chính trị, nhẹ về giáo dục kỹ năng sống; coi trọng lý thuyết, chưa chú ý vận dụng thực hành, cũng như yêu cầu đánh giá qua việc làm cụ thể trong đời sống của học sinh. Nhiều bài học trong sách giáo khoa môn đạo đức, giáo dục công dân còn khô khan, gượng ép, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý, tình cảm của học sinh; nhiều kiến thức trừu tượng, khó hiểu đối với học sinh phổ thông... Việc đổi mới kiểm tra, thi đánh giá môn học vẫn nặng về rao giảng đạo lý, một chiều, thiếu sáng tạo trong tổ chức hoạt động dạy và học. Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Thành phố Vinh cho rằng: Bản thân nhà trường, trước đây cũng lúng túng trong quá trình giảng các tiết dạy đạo đức cho học sinh, mà một trong những lý do chính là quá phụ thuộc vào sách giáo khoa. Sau khi được trường triển khai dạy học theo “Mô hình trường học mới Việt Nam”, việc dạy được linh hoạt hơn, từ cách triển khai nhóm, cách tiếp cận bài học cũng như cách để học sinh thể hiện mình”. Chúng tôi có dịp được theo dõi tiết học đạo đức của lớp 3B của cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Bắc. Với chủ đề về gia đình, mỗi học sinh được kể một việc làm thường xuyên mà ông bà, bố mẹ dành cho mình. Từ sự quan tâm, chăm sóc đó, cô giáo rút ra bài học: Bố, mẹ và những người thân trong gia đình bao giờ cũng dành hết mọi điều tốt đẹp cho con cái. Và nghĩa vụ của bậc làm con là phải hiếu thuận với bố mẹ, phải lễ phép, phải chăm chỉ học hành để đáp lại những công ơn dưỡng dục đó... Do đó, dù chỉ mới 8 tuổi, nhưng từ những so sánh, ví dụ cụ thể ngay trong chính gia đình mình, các em cảm thụ được nội dung bài giảng.
 
Một khó khăn khác, đó là giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa theo kịp thực tế, đặc biệt là những tác động của thông tin như mạng internet (chat, game online, những trang web có nội dung không lành mạnh…). Bước ra khỏi cổng trường, học sinh phải đối mặt với rất nhiều tệ nạn xã hội, trong khi đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi này là hiếu động, bồng bột, chưa suy nghĩ chín chắn, muốn thể hiện và tự khẳng định mình… Ngoài ra, do nhận thức lệch lạc về giáo dục con cái, nên nhiều phụ huynh thể hiện sự quan tâm, chiều chuộng thái quá trong nuôi dạy con; một số phụ huynh không quan tâm, chưa nắm bắt được đặc điểm tâm lý lứa tuổi và các mối quan hệ bạn bè của con em mình, việc kiểm soát, định hướng giáo dục về đạo đức còn hạn chế. Về phía nhà trường và xã hội, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường với gia đình và xã hội, trong công tác khen thưởng và kỷ luật còn thiếu khách quan chưa thật sự công bằng; thiếu sự thống nhất giữa giáo dục sư phạm trong các tổ chức khác trong nhà trường. Ngoài ra, còn có sự tác động của các yếu tốt từ bên ngoài như, lôi kéo của bạn bè, những tác động không tốt của internet đối với học sinh…  
 
Do đó, việc giáo dục đạo đức phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn từ cả 3 phía, gia đình cùng với nhà trường và xã hội. Trong đó, vai trò của gia đình phải được đặt lên trên hết, vì gia đình là cội nguồn, là môi trường đầu tiên tác động và hình thành nên nhân cách của các em, gia đình là tấm gương phản chiếu để các em lấy đó mà hành động, là nơi níu kéo, nâng đỡ các em mỗi khi sa ngã. Nếu môi trường văn hóa của gia đình không lành mạnh, thì khó có thể nuôi dạy được những đứa con ngoan. Về phía các nhà trường, trước hết phải xây dựng cảnh quan sạch đẹp, văn minh. Các thầy, cô giáo của từng bộ môn phải xác định được vai trò quan trọng của mình rằng, trước hết phải dạy học sinh cách làm người, sau đó mới dạy học sinh kiến thức văn hóa. Bài giảng của môn Giáo dục công dân phải sinh động, gắn với thực tế. Nhà trường phải phát động những phong trào thi đua, văn hóa, văn nghệ, hoạt động ngoại khóa, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực...
 
Mỹ Hà