(Baonghean) - “Cây ngô, cây sắn trồng trên núi dốc cũng phải mất nhiều công sức huống chi là sự nghiệp “trồng” chữ. Ươm “mầm chữ”ở vùng cao khó khăn, gian nan lắm”, lời ví von ấy đã thôi thúc chúng tôi về với những bản làng vùng cao, về nơi mà giáo viên cắm bản như cô Liên, cô Nga, cô Nguyệt ngày ngày “cõng chữ lên non” bằng tình thương và trách nhiệm. Bởi họ, không đơn thuần là những người dạy chữ, mà còn “gánh” luôn trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ, cưu mang, chăm sóc học sinh nghèo…
Cô Phạm Thị Thuỳ Liên gắn bó với Trường THCS Yên Khê (xã Yên Khê, Con Cuông) hơn 8 năm nay. Năm học nào cô cũng nhận giúp đỡ các học trò có hoàn cảnh khó khăn, cho các em ở trọ tại nhà, kèm các em học và chia sẻ những thiếu thốn với các em trong cuộc sống. Bởi với cô “học sinh miền núi ở đây nghèo lắm, nhiều em cơm còn chưa đủ ăn, quần áo chưa đủ mặc… Biết hoàn cảnh của các em, chúng tôi làm sao đành lòng”. Lớp 7A2 năm nay cô làm chủ nhiệm có 13 em ở các bản Trung Hương, Trung Chính, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Làm sao để các em có điều kiện đến trường đều đặn mỗi ngày kiến cô luôn trăn trở. Cô đã đến từng gia đình bản Tờ (bản gần trường) xin cho các em được ở nhờ trong dân. Riêng cô nhận cưu mang hai em Kiều Anh và Thuỷ. Gia đình các em đều thuộc diện hộ nghèo ở bản Trung Chính, Trung Hương; bố mẹ em là nông dân, nhà lại đông anh, chị em. Từ bé, các em đã phải làm việc nhà, lên rẫy phụ giúp bố mẹ. Mong muốn làm sao giúp các học trò của mình được tiếp tục đến trường, cô Liên đã lặn lội tới tận gia đình gặp bố mẹ các em, vận động cho các em được đi học và xin cho các em được ăn nghỉ lại nhà cô những hôm học cả ngày. “Chúng em thường ở lại nhà cô vì nhà em xa lắm. Cô không chỉ chăm lo những bữa ăn, mà còn mua cho chúng em vở, bút khi thiếu, kèm cặp chúng em học bài. Nhờ cô giáo mà chúng em được đến trường học mỗi ngày và kết quả học tập cũng tốt hơn nhiều” – em Vy Thị Thuỷ tâm sự.
Ngoài ra, cô còn nhận giúp đỡ, kèm cặp những học sinh có học lực khá, bồi dưỡng các em tham gia các kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử mà cô phụ trách. Cô ra sức kèm cặp, bồi dưỡng cho em tại nhà; những lúc ốm đau, cô lo thuốc thang, chăm sóc học sinh tận tình như con cái mình. Nhờ đó, có nhiều học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh, giỏi huyện. Sự nỗ lực và tận tình của cô được ghi nhận bằng những tấm bằng khen “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” liên tục từ năm 2010 đến nay, nhưng với cô giáo Liên, phần thưởng lớn nhất là tình yêu thương của các thế hệ học trò dành cho mình.
Đã thành lệ, mỗi dịp đầu năm học, các thầy, cô giáo ở Trường THCS Yên Khê (Con Cuông) đều tự nguyện đóng góp tiền, sách, vở, quần áo dành tặng học sinh nghèo; phát động trong toàn thể giáo viên phong trào “Mỗi giáo viên nhận giúp đỡ 2 học sinh khó khăn bằng những việc làm cụ thể”. Những thầy, cô nhà gần trường thì giúp các em chỗ trọ, những thầy, cô khác thì quan tâm kèm cặp các em học tập, giúp đỡ các em đồ dùng học tập, quần áo… Thầy giáo Nguyễn Xuân Hùng – Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Yên Khê, cho biết: “Với đặc thù vùng miền núi còn nhiều khó khăn, phong trào thầy, cô nhận giúp đỡ học trò nghèo không chỉ góp phần làm thay đổi ý thức phụ huynh về việc chăm lo chuyện học tập của con, mà còn tạo thêm động lực cho nhiều em nhỏ vững bước tới trường. Vì thế, tỷ lệ học sinh bỏ học của trường những năm gần đây giảm hẳn so với trước”.
Trường THCS Hội Nga (Quỳ Châu) là mái nhà chung của các học trò nhỏ ở các bản nghèo của 2 xã Châu Hội và Châu Nga. Trong 5 năm qua, nhờ sự nỗ lực của các thầy, cô giáo, trường không còn học sinh bỏ học; được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích “Trường học thân thiện, học sinh tích cực năm 2011 – 2012”. Theo chân cô Hoàng Thị Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi vào thăm khu tạm trú của 262 học sinh diện bán trú của trường. Đó là 2 dãy nhà cấp 4 kiên cố, đầy đủ nội thất: giường tủ, bàn ăn – học bằng inoox sạch sẽ, thoáng mát… Cách đây 2 năm, khi sáp nhập từ 2 Trường THCS Châu Hội và THCS Châu Nga, nhà trường chỉ được đầu tư xây nhà bán trú cho học sinh, còn nội thất chưa có gì. Nguy cơ học sinh bỏ học cao, bởi các em đều ở xa, phương tiện đi lại không có, một số phụ huynh chưa yên tâm với điều kiện ăn, ở của trường... “Khó khăn đặt ra yêu cầu giáo viên chúng tôi phải nỗ lực hỗ trợ các em. Nhà trường đã vận động sự ủng hộ của hội phụ huynh về nguyên liệu sẵn có trong bản; đồng thời; huy động tất cả giáo viên vào cuộc, người đóng sạp, người đóng bàn ghế, người xây bếp ăn, bể chứa nước, luân phiên nhau nấu ăn… phục vụ việc ăn, ở trước mắt cho các em. Ghi nhận những nỗ lực của tập thể giáo viên và hội phụ huynh, nhà trường đã được huyện đầu tư nội thất cho các phòng bán trú đầy đủ như ngày hôm nay” – Cô Nguyệt chia sẻ.
Còn đối với những học sinh không có phương tiện đi lại, nhà trường đã trích Quỹ Tình thương hàng năm do cán bộ, giáo viên đóng góp mỗi tháng 15.000 – 100.000 đồng/người để mua xe tặng các em. Năm học vừa qua, trường đã tặng 7 xe đạp cho 7 học sinh nhà xa, hoàn cảnh khó khăn. Hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm luôn theo dõi sỹ số, nếu có học sinh vắng học thì ngay buổi trưa hôm đó, giáo viên vào tận nhà tìm hiểu nguyên nhân, vận động các em đến lớp. Cô Vi Thị Nga – giáo viên chủ nhiệm lớp 6C cho biết: “Thương lắm, phần lớn lý do nghỉ học của các em là nhà không còn gạo ăn, phải lên rừng lấy măng hoặc đi đào dế bán lấy tiền mua gạo”.
Em Vi Thị Lụa – học sinh lớp 6C, nhà ở bản Tân Tiến, xã Châu Nga, cách trường 14 – 15 km, hoàn cảnh gia đình khó khăn, được sự giúp đỡ của thầy, cô, bạn bè nên em vẫn được đều đặn đến trường mỗi ngày. Lụa tâm sự: “Bố mẹ em bỏ nhà đi, em ở với ông bà nội. Ông bà không có gạo cho em đi học, nhưng các bạn trong lớp góp gạo giúp em. Đầu tuần, cô giáo đến chở em xuống trường, cuối tuần cô lại chở em về”. Tình thương và sự tận tuỵ của các thầy, cô giáo đối với học trò đã dần đổi thay suy nghĩ của bậc phụ huynh ở các bản nghèo; họ quan tâm và ưu tiên chăm lo hơn đến việc học hành của trẻ. Nhờ thế, trong 5 năm qua, Trường THCS Hội Nga luôn duy trì được số lượng học sinh tới trường; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ở những bản, làng miền núi, đường đến trường của các em còn lắm gian nan. Tình yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia của các thầy, cô giáo trở thành động lực nâng bước các em vượt khó để tới trường!
Đinh Nguyệt - Lê Hoa