Xung quanh việc dạy và học online, Báo Nghệ An cũng đã ghi lại ý kiến của một số giáo viên.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương – giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 2:
Thời điểm này, hơn ai hết, tôi và các đồng nghiệp chỉ mong được đến trường để gặp học sinh, gặp lại những khoảng trời quen thuộc và dạy học trực tiếp. Nhiều đồng nghiệp tôi cũng chia sẻ rằng, chưa bao giờ thấy yêu nghề, yêu trường như lúc này và chỉ mong được đến trường.
Nhưng với tình hình dịch đang diễn biến phức tạp như hiện tại thì việc học trực tuyến là lựa chọn tối ưu. Tôi biết, có nhiều phụ huynh vẫn nói rằng, chúng ta có thể chờ đợi. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết chờ đến khi nào và trong hoàn cảnh đó, chủ trương " không đến trường nhưng học sinh vẫn được học tập" mà ngành giáo dục đưa ra theo tôi là hoàn toàn đúng đắn.
Hiện tại, Sở đã có hướng dẫn về việc phân chia khung giờ học cho các cấp để các trường lên kế hoạch và với khung giờ này, tôi nghĩ cũng đã phần nào gỡ rối mối lo về sự chồng chéo giờ học của các con trong một gia đình. Tất nhiên, với những nhà có nhiều con cùng học 1 cấp thì sẽ rất bất cập. Nhưng trong thực tế sẽ không có một phương án nào phù hợp cho tất cả mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh. Giữa nhiều phương án, chúng ta sẽ chọn phương án tốt nhất và an toàn nhất.
Tôi cũng cho rằng, việc học trực tuyến sẽ tạo ra một thử thách không nhỏ với cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Trong đó, với giáo viên và học sinh là cần làm thế nào để dạy và học có hiệu quả nhất?. Với phụ huynh đó là làm thế nào hỗ trợ con, làm thế nào đủ máy cho con học khi dịch dã kéo dài, đời sống khó khăn. Những câu hỏi như tiền đâu mua máy, trong nhà có 2,3 con cùng học thì lấy máy ở đâu là câu hỏi không dễ trả lời, nhất là với những vùng, những gia đình khó khăn. Tuy nhiên, tôi tin rằng, với những học sinh không thể đủ trang thiết bị để học thì chắc các trường, các phụ huynh cũng phải có cách để các em không bị thiệt thòi.
Để học online hiệu quả, theo tôi giờ học của các con cấp tiểu học, THCS và cả THPT nữa nên giảm thời gian xuống vì ngồi học máy rất mệt với những người chưa quen. Thay vì mỗi tiết bình thường 45 phút, giờ có thể giảm đi 5 phút hoặc nhiều hơn. Nếu học trên điện thoại còn mệt hơn và chỉ có thể học tối đa từ 2 – 3 tiếng.
Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn:
So với nhiều địa phương khác trên cả tỉnh, Kỳ Sơn là huyện khó khăn nhất với nhiều đặc thù riêng. Chính vì thế, việc triển khai dạy học online cũng có nhiều bất cập.
Thực tế, trong năm học trước, chúng tôi đã tổ chức dạy học online nhưng chỉ triển khai được ở vùng thị trấn, vùng thuận lợi hoặc khu vực trung tâm xã. Còn lại, việc dạy online không thể thực hiện được bởi rất nhiều nơi không có mạng internet, không có điện thoại, một bộ phận phụ huynh cũng chưa quan tâm đến việc học của con. Kỳ Sơn cũng đang còn 126 điểm bản, khoảng một nửa trong số này là không có điện lưới nên việc học online là bất khả kháng.
Trong bối cảnh hiện nay, dù toàn ngành Giáo dục Kỳ Sơn đều đang nỗ lực cho năm học mới, phòng Giáo dục và các nhà trường cũng chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học online nhưng việc triển khai trên diện rộng là khó và nhiều nhà trường đang lúng túng.
Trước thực tế này, chúng tôi cũng đang tính tới phương án xin ý kiến riêng của tỉnh cho địa bàn huyện Kỳ Sơn. Hiện, các trường học ở Kỳ Sơn thực hiện mô hình bán trú khá nhiều ở cả hai bậc học tiểu học và THCS.
Nếu điều kiện thuận lợi, sau khi hết thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, chúng tôi vẫn mong được tập trung các em tại trường (sau khi đã xét nghiệm Covid-19) và triển khai mô hình bán trú “nội bất xuất, ngoại bất nhập” kể cả giáo viên và học sinh để đảm bảo không có dịch bệnh xâm lấn. Khi đã tập trung được học sinh, phòng sẽ tranh thủ mọi thời gian để tổ chức dạy học và bổ sung lại phần kiến thức trong thời gian các em không được đến trường.
Lúc này, những trường nào giáo viên đã đến trường, chúng tôi cũng đề nghị các nhà trường tập trung tu sửa phòng học, chỉnh trạng lại khuôn viên trường lớp để nếu được đi học trở lại là tập trung vào học ngay để không mất thời gian của học sinh.
Thầy giáo Trần Thành Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Liên, huyện Diễn Châu:
Trong những ngày qua, Sở đã triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý các trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên trong toàn huyện. Đến thời điểm này, về cơ bản việc định hướng dạy học trực tuyến đã khá rõ ràng. Qua các buổi triển khai, nhiều hiệu trưởng ở nhiều vùng, miền khác nhau cũng đã xác định rõ cả thuận lợi và khó khăn, nhưng tất cả đội ngũ giáo viên đều xác định đây là giải pháp duy nhất trong thời điểm hiện nay.
Theo tôi, việc triển khai dạy học trực tuyến ở bậc THCS và THPT khá thuận lợi. Riêng với bậc tiểu học khá khó khăn và nhiều phụ huynh không muốn triển khai. Đây cũng là khó khăn nhất hiện nay, xuất phát một phần từ điều kiện thiết bị của một số gia đình còn hạn chế. Thực tế, qua khảo sát của chúng tôi, hiện có 70% phụ huynh có điện thoại thông minh, kết nối internet nhưng số phụ huynh có máy tính chỉ có 10%.
Về phía nhà trường, trong điều kiện hiện nay, chúng tôi luôn sẵn sàng và vẫn tiếp tục tuyên truyền, động viên phụ huynh cùng đồng hành với nhà trường. Có thể nhiều phụ huynh sẽ đặt câu hỏi vì sao chúng ta không lùi năm học nhưng thực tế chưa biết khi nào mới có thể khống chế dịch bệnh.
Chúng tôi cũng xác định, có rất nhiều lực lượng tham gia tuyến đầu, vào những nơi nguy hiểm. Cá nhân các thầy giáo, cô giáo may mắn hơn được ở nhà và do vậy, nếu thời điểm này không nỗ lực, không cố gắng thì sẽ có lỗi với phụ huynh, với học trò.
Thời gian tới, khi năm học mới bắt đầu, nếu có đủ điều kiện chúng tôi sẽ tổ chức dạy trực tuyến. Trường hợp khác có thiết bị nhưng không ổn định thì sẽ giao bài, phiếu học tập online ở nhà. Nếu học sinh không có thiết bị thì chúng tôi gửi phiếu học ở nhà qua đội chốt dịch, thậm chí tùy theo điều kiện thực tế sẽ cắt cử giáo viên đến nhà hỗ trợ.
Cô giáo Nguyễn Thị Liễu – Giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học thị trấn Tân Kỳ
Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên trong thời gian qua Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ đã tổ chức tập huấn nhiều phần mềm dạy học, xây dựng phòng học trực tuyến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và điều tra trong các trường có bao nhiêu học sinh có phương tiện học tập, có bao nhiêu phụ huynh có điều kiện để hỗ trợ các con.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng là giáo viên lớp 1, khi triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến, chúng tôi cũng có những băn khoăn bởi lứa tuổi này các con còn quá nhỏ, bây giờ mới bắt đầu bước chân vào cổng trường. Bên cạnh đó, giáo viên, phụ huynh và học sinh còn chưa biết mặt nhau, các em hiếu động, chưa biết sử dụng công nghệ, chưa có ý thức tự giác trong học tập, vui chơi là chính, học tập là phụ...
Với những đặc thù riêng này, chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ. Trong đó, giáo viên ngày nào cũng phải tăng cường sinh hoạt chuyên môn, cùng nhau thảo luận, bàn bạc và xây dựng để làm sao có phương pháp, hình thức để có thể truyền tải được những nội dung cơ bản cho học sinh. May mắn hiện nay chương trình dạy học lớp 1 theo chương trình mới có phần mềm cloud book, có nhiều video, hình ảnh sinh động. Trong đó có những video hướng dẫn cụ thể và trong quá trình giảng dạy mình có thể tải phần mềm xuống cho phụ huynh qua các nhóm lớp để phụ huynh xem và nhờ phụ huynh hướng dẫn.
Chúng tôi cũng đang cùng với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ xây dựng các clip về bài giảng mẫu. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung truyền tải một số nội dung cơ bản như với môn Tiếng Việt thì cho các con nhận biết được các âm, các chữ ghi âm để đọc được những tiếng đơn giản. Qua những video clip này các con có thể viết được, tuy chưa đẹp.
Trong những buổi học đầu tiên, việc dạy học trực tuyến có thể giúp các con nắm được các kiến thức cơ bản, có thể viết tuy chưa đẹp, có thể tính toán tuy chưa nhanh. Vì vậy, ngoài việc bố trí khung giờ phù hợp (như ở Tân Kỳ, dự kiến lớp 4,5 các cháu học từ 17 đến 19h, lớp 1, 2,3 học từ 19h - 21h) chúng tôi mong phụ huynh hãy cùng đồng hành và phối, kết hợp với các con và với giáo viên; nếu không để các con chơi dài thì sẽ rất nóng ruột.