(Baonghean) - Hôm nay (ngày 15/2), Nghệ An tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Giáp Ngọ - 2014. Đây là dịp để lãnh đạo chính quyền địa phương và các nhà đầu tư cùng điểm lại những thành công, những vấn đề còn tồn tại trong năm qua, chỉ ra những khó khăn, bất cập, định ra chủ trương, tìm và thống nhất giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư ở Nghệ An.
Tính lũy kế cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 627 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 39 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 109.589,13 tỷ đồng và 1,49 tỷ USD. Theo thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, trong năm 2014, Nghệ An đặt mục tiêu thu hút đầu tư 75 - 85 dự án trên các lĩnh vực với tổng mức vốn đầu tư đăng ký khoảng 12.000 - 14.000 tỷ đồng; trong đó, tăng tỷ lệ các dự án đầu tư lớn, dự án vốn đầu tư FDI.
Thành quả đạt được không nhỏ, nhưng hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra và chưa phát huy hết tiềm năng của tỉnh; số lượng dự án và quy mô vốn đăng ký còn thấp so với bình quân chung cả nước; các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao và dự án hạ tầng công nghiệp - đô thị, giáo dục - đào tạo, y tế và nông nghiệp còn ít… Nếu so sánh Nghệ An với một số tỉnh có nét tương đồng về điều kiện địa lý kinh tế, không khó nhận ra Nghệ An đã “chậm chân” hơn bạn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế… Việc Nhà máy xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa) sử dụng nguồn nguyên liệu Hoàng Mai là ví dụ tiêu biểu về quá trình cạnh tranh giữa các tỉnh trong thu hút đầu tư.
Luật sư Lương Văn Trung, một người con Nghệ An hiện đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: Ngoài một số dự án liên quan đến tài nguyên không thể tái tạo hoặc có thể tái tạo, Nghệ An cần phải cạnh tranh với các tỉnh khác, nghĩa là cần phải “đầu tư” vào lợi thế cạnh tranh. Về nhân lực, sự dịch chuyển dân số và lao động cơ giới đã xóa nhòa tính cát cứ của địa phương về lực lượng lao động. Ngoài ra, xét về mặt văn hóa, con người Nghệ An ở một mức độ nào đó đã bị đặt câu hỏi về sự chuyên nghiệp trong thái độ làm việc. Nhận xét của Luật sư Lương Văn Trung hoàn toàn thống nhất với nhận định: “Một số lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Nghệ An so với các địa phương khác còn thấp vì chúng ta chưa có những yếu tố đủ mạnh, đặc biệt để thu hút được dự án lớn, trọng điểm làm động lực phát triển và lan tỏa đầu tư”.
Câu hỏi đặt ra là bao giờ thì có các “yếu tố đủ mạnh, đặc biệt” làm nhân tố phát huy lợi thế cạnh tranh? Và để có được các yếu tố đó, phải bắt đầu từ đâu? Có thể thấy rằng, nhà đầu tư quan tâm trước hết đến tính nhất quán và có thể dự đoán được trong chính sách đầu tư của địa phương; sự công tâm của hệ thống công quyền, nền văn hóa hành chính minh bạch, khoa học và hiệu quả.
Nhưng, Nghệ An có thể làm gì hơn thế nữa? Theo Luật sư Lương Văn Trung, tỉnh vẫn phải dựa vào lợi thế địa kinh tế nhưng lưu ý đến sức mua và sự ủng hộ của nhân dân; sự “quyết liệt” trong việc tạo điều kiện đầu tư như thực hiện cơ chế một cửa, giao cho người đặc trách và có quyền can thiệp trong toàn bộ hệ thống, trong phạm vi luật pháp cho phép; đồng thời tận dụng lợi thế của sự thành đạt và yêu quê hương của người con xứ Nghệ trở về đầu tư ngay tại quê hương. Muốn làm được điều đó, tỉnh cần phải xây dựng niềm tin từ các nhà đầu tư, và muốn có được niềm tin, lại càng phải thành tâm vận hành bộ máy công quyền hiệu quả và thực hiện đúng lời hứa, chứ không chỉ với một câu khẩu hiệu “trải thảm đỏ” là mong nhà đầu tư cứ thế bước vào… Có thể nói rằng, đó chính là việc “đầu tư” thiết lập môi trường sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư chuyên nghiệp.
Năm 2013 được ghi nhớ bởi có số đoàn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Nghệ An nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó có nhiều tổ chức, tập đoàn mạnh đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản; Slovakia, Séc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Hong Kong… Họ có trở lại để đầu tư ở vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu văn hóa, giàu tiềm năng kinh tế này hay không, điều này được quyết định bởi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Đầu tư từ đâu? Câu trả lời là đầu tư từ chính mình!
Trần Hoài