(Baonghean) - Vụ làm giả giống lúa BC15 năm 2013 làm hàng ngàn ha ruộng “cao sản” miền Bắc (trong đó có Nghệ An) thành “thấp sản” chưa hết dư âm, thì việc hơn 100 tấn thóc giống ở Nghệ An, Hà Tĩnh nảy mầm chưa đạt 60% làm chậm tiến độ vụ đông xuân 2013-2014.
 
Nông dân bức xúc, những người có trách nhiệm đưa ra đủ lý do thanh minh… Họ nói là thóc giống mới tự túc được 24%, số còn lại phải nhập ngoại, nào là độ ẩm năm nay quá cao làm hạn chế nảy mầm, đang cố gắng thu hồi để thay thế? Phần thua thiệt vẫn rơi vào nông dân và Nhà nước, bởi câu “suy nông bách nghề bại” vẫn hiện hữu trong đời sống, dẫu đất nước đã bước vào thời kỳ CNH-HĐH.
 
Trên lĩnh vực chăn nuôi, việc nhập và cung cấp giống bò sữa kém chất lượng, giống gia cầm không rõ nguồn gốc cũng gây không ít hệ luỵ. Điều xót xa là những giống cây, con kém chất lượng này có khi lại đi vào các hộ sản xuất qua các chương trình, dự án xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ gia đình chính sách, hỗ trợ đồng bào các vùng bị bão lụt thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
“Nhất giống, nhì phân…”, giống cây trồng, vật nuôi là khâu quan trọng hàng đầu quyết định đến năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Để đảm bảo an sinh lương thực, nâng cao đời sống cho nhân dân, việc đảm bảo chất lượng giống cây trồng vật nuôi đáng phải được các cấp quan tâm hàng đầu, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ. Nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp quy, cơ chế chính sách về vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế công tác quản lý giống cây trồng vật nuôi còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
 
Tình trạng giống chất lượng thấp, giống giả đang tràn lan trên thị trường gây hậu quả nghiêm trọng liên tiếp xẩy ra. Việc điều tra, khảo sát giống cây con, xây dựng chiến lược sản xuất, nhập khẩu, kiểm định chất lượng trước khi lưu thông còn bỏ ngỏ. Các hoạt động tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ giống cây trồng vật nuôi, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khắc phục tâm lý mua giống rẻ, mua giống không rõ nguồn gốc, nuôi trồng theo phong trào tự phát… chưa được tiến hành thường xuyên. Việc quản lý các thành phần kinh tế, các tổ chức kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi còn chưa chặt chẽ, thiếu các chế tài kiểm tra, xử phạt đền bù thoả đáng cho nông dân khi hậu quả xảy ra. 
 
Thả nổi việc cung cấp giống cây trồng, vật nuôi đã và đang có nguy cơ làm tụt các tiêu chí phát triển (cả số lượng và chất lượng) trong ngành Nông nghiệp. Nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, trong đó nhà quản lý là khâu then chốt đã đến lúc phải thay đổi phương thức “vào cuộc”, để mang lại hiệu quả kinh tế cho mặt trận nông nghiệp nước nhà!
 
Nguyễn Khắc Thuần