(Baonghean) - Bạn bè về Việt Nam ăn Tết giờ cũng đã sang lại cả rồi. Đứa nào đứa nấy mặt mũi lơ ngơ như bò đeo nơ, trên mặt hiện lên chữ "bánh chưng" to đùng. Đây chính là điều mà mọi người ít muốn nhắc đến nhất: hậu Tết.
 
Cái sự hụt hẫng không chỉ du học sinh mới có: bất kể già trẻ, gái trai, xốc lại tinh thần làm việc sau chục ngày lễ lạt chưa bao giờ là điều dễ dàng. Mà thật ra cũng dễ hiểu, ai chẳng thích rong chơi, hưởng thụ? Học sinh xưa thích nghỉ học, học sinh nay cũng không khác là mấy, các vị người lớn lại càng thích được nghỉ. Bởi vì càng lớn, khuôn phép và quy tắc mà người ta phải gò mình càng thắt chặt, khiến ta nhiều lúc ngột ngạt, bức bí và thèm muốn được buông thả, vô tư vô nghĩ. Các cụ xưa bảo: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi...”, cũng là thời gian rảnh rỗi hiếm hoi không còn sự phân biệt giữa người lớn và trẻ con, là lúc người ta có quyền quên đi tất cả những gì thuộc về trách nhiệm, nghĩa vụ. Ôi, tháng Giêng tuyệt vời!
 
Thời đại nay đã đổi khác rồi. Đã từng có lúc người ta bàn nhau ăn Tết ta theo lịch Tây, để thấy rằng nhịp sống xưa và nay đã ít nhiều lạc nhịp nhau. Xô bồ hơn, hẳn thế, nhưng cũng năng động hơn và tấp nập hơn. Khi mà thế giới ngoài kia tăng tốc thì chúng ta cũng không thể cứ mãi dậm chân, nhởn nhơ với "tháng Giêng là tháng ăn chơi” được. Thú thật là mình hơi ngạc nhiên khi thấy bạn bè ở nhà khoe rằng Tết này được nghỉ tận 10 ngày, tha hồ ăn, tha hồ chơi! Lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi 10 ngày ấy dường như vẫn là chưa đủ, vẫn không khiến người ta thoả mãn, "chán" chơi, "chán" ăn khi quay trở lại với nhịp sống, học tập và làm việc thường lệ. Hay mình đang băn khoăn vớ vẩn rồi? Cũng như kẻ đánh bạc, thắng bao nhiêu cũng là không đủ.
 
Cái sự nhàn rỗi, hưởng thụ phủ phê có một sức hút hấp dẫn kì lạ, một sức ì khó cưỡng. Chỉ cần tặc lưỡi "nốt hôm nay" một, hai, ba lần là thấy thời gian trôi vèo - thời gian chết - thời gian phí hoài... Một, hai cá nhân như thế, rồi cả xã hội như thế, vô hình khiến cả hệ thống đình trệ, hình thành nên tư tưởng ỉ lại, đổ thừa, a dua. Bạn có biết trò chơi domino, khi một quân cờ bị xô ngã là cả dây chuyền ngã theo? Tư tưởng "chơi rốn, ăn rốn" của người mình cũng nguy hiểm và có hậu quả tiềm tàng như hiệu ứng domino vậy đấy!
 
Bao giờ cũng thế, làm việc gì cũng khó nhất ở khâu xuất phát. Con người sau kì nghỉ Tết giống cỗ máy ì ạch khởi động lại sau nhiều năm ngơi nghỉ. Nếu không có ý thức duy tu bảo dưỡng thì trách nhiệm, năng lực của ta cũng sẽ rỉ sét rồi hỏng hóc mà thôi. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nghe thì thấy dễ dàng. "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?", vấn đề là sẽ không ai làm thay ta những "gian khổ" trong cuộc sống, công việc của mình. Thế nên trước khi để cho tất cả rỉ sét, mốc meo, hãy tự vả vào cái ý thức đang ngủ vùi trong giấc mộng tháng Giêng và thức dậy!
 
Hải Triều(Email từ Paris)