(Baonghean) - “Tất cả chúng tôi đều cảm thấy có một sự thôi thúc đặc biệt, cần phải làm một điều gì đó để khẳng định rằng những người nghệ sỹ chuyên và không chuyên trên quê hương Xô - Viết luôn hướng về biển đảo quê hương và đau đáu với việc chủ quyền của quốc gia, dân tộc bị xâm phạm. Ý tưởng thực hiện Chương trình “Lời biển gọi” đã ra đời từ sự thôi thúc đó…” - Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ chia sẻ.
Tin đội ngũ văn nghệ sỹ Nghệ An đang tập trung dàn dựng và luyện tập một chương trình biểu diễn có quy mô lớn hướng về biển đảo được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội facebook, thu hút sự quan tâm nhiều người. Gọi điện cho Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu, chị say sưa nói như không dứt ra được về sự vui mừng, phấn khởi trước thái độ tự nguyện tham gia và tích cực tập luyện của đông đảo văn nghệ sỹ chuyên và không chuyên đối với chương trình giành cho biển đảo. Như bị cuốn hút bởi những điều nghệ sỹ Hồng Lựu chia sẻ, chúng tôi nhanh chóng có mặt tại Nhà hát dân ca của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.
Lịch tập bắt đầu từ 14 giờ 30, nhưng ngay trước đó khoảng 10 phút các văn nghệ sỹ chuyên và không chuyên tham gia buổi tập luyện chương trình đã có mặt khá đầy đủ. Nghệ sỹ Hồng Lựu cho biết đây là điều khá hiếm đối với phong cách tập luyện thường ngày của văn nghệ sỹ biểu diễn, đặc biệt đây lại là buổi tập luyện có nhiều thành phần tham gia, và tất cả đều tự nguyện, tất cả đều thực hiện tập luyện và biểu diễn “miễn phí”, không có thù lao, “cát sê”. Ngay từ đầu, chương trình nghệ thuật hướng về biển đảo đã có ý tưởng mở rộng cả đối tượng chuyên và bán chuyên nghiệp. Cho đến nay, đã trên 70 người, bao gồm cả các nhóm sáng tác, hát, múa. Không chỉ có sự tham gia nòng cốt của các nghệ sỹ có tên tuổi quen thuộc trong tỉnh như: Hồng Lựu, Thanh Hải (Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), NSƯT Ngọc Hà, Quế Thương (Đoàn Ca múa nhạc dân tộc) Tiến Lâm (Đoàn Văn công Quân khu IV), Cảnh Tuấn (Đội văn nghệ Biên phòng tỉnh), Đình Sơn... Chương trình còn thu hút sự tham gia của các sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Nghệ An, sinh viên trường Đại học Vinh, Đoàn Văn công Quân khu IV, đội văn nghệ Biên phòng tỉnh, Bộ CHQS tỉnh. Nhóm nghệ sỹ biên đạo múa tự nguyện tham gia dàn dựng, biên đạo và chỉ đạo tập luyện, biểu diễn gồm: NSƯT Lâm Bích Nguyên, NSƯT Diễm Hằng, Nghệ sỹ Hồng Hải. Khi Nghệ sỹ Ưu tú An Ninh khởi thảo nội dung kịch bản chương trình biểu diễn nghệ thuật, các nhạc sỹ An Thuyên, Hoàng Thành đã tự nguyện tham gia cố vấn âm nhạc.
Mặc dù thời tiết nóng nực, khối lượng chương trình lớn và yêu cầu về nghệ thuật cao nhưng các nghệ sỹ vẫn mải mê luyện tập từng động tác, từng màn diễn, cảnh diễn. Em Bạch Thị Hà Ngân, lớp sư phạm âm nhạc khóa 47, Trường CĐ VHNT, cho biết: “Tuy là một người không chuyên, tham gia chương trình với các nghệ sỹ chuyên nghiệp không tránh khỏi những khó khăn. Được các anh chị chuyên nghiệp động viên, giúp đỡ nên đã nhanh chóng vào vai tốt”. Em Trịnh Thị Thùy Linh, lớp 52 B9 Kế toán, Khoa Kinh tế, Đại học Vinh tâm sự: “Qua facebook em biết được đang có các buổi luyện tập chương trình “Lời biển gọi” nên em đã tự nguyện tham gia. Mặc dù em có năng khiếu hát nhưng khi được yêu cầu tham gia phần múa em vẫn tập luyện hết mình. Cố gắng luyện tập để được tham gia biểu diễn tuyên truyền về tình yêu biển đảo. Coi như đó là phần công sức nhỏ đối với biển đảo quê hương”.
Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn An Ninh, tác giả kịch bản chương trình Lời biển gọi cho biết những ngày qua các đạo diễn, biên đạo đã dàn dựng và chỉ đạo tập luyện công phu để hướng đến việc thể hiện thành công nhất chủ đề xuyên suốt của chương trình là sự khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tinh thần, thái độ tập luyện một cách tích cực, tự nguyện, khẩn trương khiến nhóm sáng tác và dàn dựng cũng được tiếp thêm niềm tin vào sự thành công khi công diễn.
Là tổng đạo diễn chương trình Lời biển gọi, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu cho biết cảm giác mỗi buổi tập đều rất khó tả, một niềm vui, niềm phấn khởi rất đặc biệt. Theo chị thì nếu tập hợp toàn bộ các nghệ sỹ chuyên nghiệp dàn dựng thì sẽ thuận lợi hơn, nhưng mở rộng thành phần tham gia, gồm có cả diễn viên, sinh viên, giáo viên, bộ đội... cùng tham gia thì ý nghĩa lớn hơn rất nhiều. Điều đó nói lên rằng mọi tầng lớp, mọi người dân đất Việt đều đau đáu một tấm lòng hướng về biển đảo. Còn trên sân khấu, người nghệ sỹ luôn cảm thấy không cô đơn vì có rất nhiều tầng lớp xã hội cùng ủng hộ tiếng nói, ủng hộ tấm lòng, ủng hộ chương trình biểu diễn có ý nghĩa như lời kêu gọi của văn nghệ sỹ Nghệ An đối với việc thức tỉnh ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Chương trình “Lời biển gọi” có 3 phần: Phần 1: “Đồng vọng từ ngàn xưa” là sự “xác tín” lại vị trí chủ quyền, vị trí “biển đảo” đã có ngay từ trong những truyền thuyết từ buổi hồng hoang của dân tộc, như là lời ru buổi đầu đời của mẹ. Trong cội nguồn tâm hồn người Việt đều đã sẵn có tình cảm biển đảo, vì thế cần phải khơi dậy cội nguồn tình cảm mãnh liệt đó để thức tỉnh, lay gọi tình cảm về biển đảo. Phần 2 “Biển gọi” là nỗi đau của biển, biển đang thét gào lên tiếng trước sự xâm lăng, đánh chiếm, mất mát. Trọng tâm của phần này xoáy vào nỗi đau 64 chiến sỹ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma năm 1988 và nỗi đau những phần biển đảo đang bị đe dọa lấn chiếm. Phần 3: “Khát vọng hòa bình” khẳng định từ trong sâu thẳm người Việt luôn mong muốn hòa bình. Dù chấp nhận hy sinh tất cả, nhưng đó là sự hy sinh để có được hòa bình, là ước vọng được rời khỏi tay súng để lướt trên cung đàn. Không muốn cầm súng nhưng đất nước có xâm lăng thì phải cầm súng, xong cuộc chiến thì tay lại lượt trên những phím đàn. Trong chương trình này nhạc sỹ An Thuyên đã đóng góp bài hát “Bắc cầu ra Hoàng Sa, Trường Sa” – một bài hát hứa hẹn nhiều thành công, được đón đợi.
Dự kiến chương trình “Lời biển gọi” sẽ hoàn chỉnh và công diễn vào trung tuần tháng 7. Thông qua các buổi công diễn, các nghệ sỹ sẽ dùng toàn bộ tiền vé, tiền tài trợ, hỗ trợ, quyên góp để chuyển cho các bộ phận kiểm ngư, cảnh sát biển, ngư dân bám biển. Chương trình nghệ thuật “Lời biển gọi” chính là nơi các văn nghệ sỹ Nghệ An gửi gắm tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo Việt Nam. Đó cũng là chút công sức, tâm huyết mà văn nghệ sỹ có thể đóng góp, cống hiến theo cách riêng của mình.
Ngô Kiên