(Baonghean) - Tôi quen Đức “ghi ta” dễ có tới 6, 7 năm về trước. Hồi đó, anh chơi nhạc cho quán cà phê “Góc phố” - một góc quán mơ màng nhờ nhìn ra mặt hồ Goong đầy sương khói và những tán cây rủ thấp. Trong không gian ấy, tiếng ghi ta của Lê Thanh Đức quyện với tiếng ghi ta của anh trai Lê Thanh Hà êm đềm vang lên, nào những “Nắng thủy tinh”, “Nhìn những mùa thu đi”, “Biển nhớ”… Lê Thanh Đức để lại ấn tượng trong tôi với vẻ lãng du, đầy ẩn ức chất chứa sau mái tóc dài, cái cúi đầu thinh lặng và những ngón tay gầy điệu nghệ trên những dây đàn…
Hai nghệ sỹ chơi ghi ta đã kéo khách tới với “Góc phố”, những vị khách sau đó trở thành quen, thân tới mức họ luôn được mặc định một góc ngồi riêng trong quán. Âm nhạc luôn có sức mạnh bí ẩn vô song lôi cuốn con người, giúp con người được xoa dịu, được nâng đỡ, được tận cùng buồn và được tận cùng đơn độc. Sau bao nhiêu năm tôi lãng quên điều ấy trong bận mải lo toan thường nhật thì Lê Thanh Đức đã cho tôi thấy lại từ những ngón tay với quyền năng vô hạn khi chúng lướt trên những dây đàn của anh.
Sau này, khi anh Đức, anh Hà không còn chơi nhạc ở “Góc phố” nữa, thì tôi vẫn nhớ cái mặt hồ lãng đãng khói sương, những tán cây lá rủ và ánh nhìn của những người xa lạ mà sau một bản đàn đã trở nên thiết thân từ thuở nào. Chúng tôi cũng thế, trở thành những người bạn của nhau, dù tôi kém các anh tới gần 20 tuổi. Lê Thanh Đức, sau cái vẻ lặng lẽ trầm buồn ấy là một tấm lòng rộng mở, nhiệt tình, phóng khoáng tới vô cùng. Vì thế, căn nhà chưa đầy hai chục mét vuông của anh đã trở thành “điểm đến” của bè bạn, của học trò… Căn nhà lọt thỏm giữa con đường Nguyễn Du, dưới tán cây vú sữa xuề xòa là chốn đi về của anh “Nhà nhỏ thế, nhưng sống có một mình, nên lúc nào cũng thấy thênh thang lắm”. Lê Thanh Đức nói vậy, và tôi như thấy nỗi buồn, sự cô đơn của anh sâu thăm thẳm. Anh nói thêm, cái ti vi để sát bên giường của anh không lúc nào tắt cả ngày lẫn đêm. Có lẽ, nó giúp anh được cảm thấy sum vầy, ấm áp hơn chăng “vì từ đó phát ra tiếng người”?.
Đêm nào cũng vậy, gần tới nửa đêm, người đàn ông gầy gò với mái tóc dài buông xõa ấy lại trở về nhà mình, lách cách mở cửa và cất tiếng chào 2 con chim đang lim dim ngủ trong lồng vừa choàng thức dậy nháo nhác vì thấy chủ về. “Thế đấy, lâu nay một con chào mào và một con khướu đã đến làm bạn với anh”- Lê Thanh Đức nói với một nụ cười. “Sao anh không kiếm cho mình một người bạn đúng nghĩa?”, tôi hỏi anh đầy ái ngại và nhận thấy anh cười lớn: “Đến với cái thằng như anh, khác nào ôm bom cảm tử”… Hóa ra, quá khứ, nỗi đau buồn bao năm rồi mà vẫn chưa hóa giải được đã làm nên một Lê Thanh Đức mang nặng vẻ ẩn ức… Nhưng hơn thế, sâu thẳm trong anh là lặng lẽ một sự hy sinh cho con cái, những người thân yêu nhất của anh: “Khi nào các con ra riêng hết, thì anh sẽ tính chuyện mình”.
Lê Thanh Đức là con út trong gia đình có 6 người con. Bố mẹ anh quê gốc Huế, là dân tập kết về đất Nghệ này từ thời chống Pháp. Anh kể, dù vất vả và nghèo khó, nhưng bố mẹ anh là những người mê văn nghệ, yêu tiếng hát, tiếng đàn. Vì thế, những người con ai cũng có “gen” văn nghệ. “Và cây đàn đầu tiên anh có trong đời cũng là nhờ ông cụ mua cho”. Ngày ấy, bố của Lê Thanh Đức phát hiện ra cậu con út mê thổi sáo. Ông lắng nghe tiếng sáo của con mình, trong lòng đầy hạnh phúc, hứng khởi với một niềm tin rằng, nó là thằng có tài thực sự, chắc chắn sẽ là nghệ sỹ. Vậy là, dù đang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, gia đình đang sơ tán ở Thanh Chương, nhưng ông đã lặn lội xuống Vinh trên chiếc xe đạp cà tàng để tìm mua cho con trai một cây ghi ta.
Năm 1976, lúc đó Lê Thanh Đức đang là cậu trò THCS thì Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) về tuyển người. Rất nhiều thí sinh đã tham gia dự tuyển qua những vòng thi rất gắt gao. Bản đàn “Đôi dép Bác Hồ” của Lê Thanh Đức đã chinh phục được những “giám khảo” khó tính và mang lại không chỉ niềm hạnh phúc cho anh mà cho cả gia đình. Bố anh vui lắm, nhưng mẹ thì…khóc. Bà nghĩ đến việc phải cho con đi học xa mà trong lòng không nguôi thương nhớ thế này, liệu mình có chịu được không. Vả lại, Đức là con út, lại đang nhỏ tuổi, gia cảnh thì khó khăn, rời khỏi vòng tay mẹ, liệu con có thể tự lập?
Năm đó, đợt tuyển chọn tại Nghệ An chỉ lấy được 2 thí sinh là Lê Thanh Đức và ca sỹ- NSƯT nổi tiếng Thái Bảo sau này. Lê Thanh Đức được chọn vào khoa Âm nhạc cổ truyền. 7 năm tại Nhạc viện với bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của sự khổ luyện, của nỗi buồn nhớ. “Hai tháng đầu, cái thằng ranh con cứ khóc suốt. Nó nhớ nhà. Với lại cái thời ấy khổ quá. Có hôm, cô giáo thấy nó buồn quá cứ ôm lấy nó mà động viên mãi… Chính là tình yêu thương, niềm đam mê đã giữ nó ở lại, cũng như cả một đời sau này, vì điều đó mà nó sống đến dốc cạn mình”- Lê Thanh Đức nói về mình như vậy.
Ra trường, Lê Thanh Đức về làm nhạc công tại Đoàn Ca múa Nghệ Tĩnh. Chính nhạc sỹ Lê Hàm là người đã giữ chân anh ở lại với Đoàn khi anh có ý định lập nghiệp ở một nơi khác. “Ấy là người thầy đáng kính. Có nhiều người, vì cái duyên mà ta được gặp, vì cái nợ mà ta luôn nghĩ đến họ, sống vì họ, làm việc vì họ…”. Lê Thanh Đức nhắc về Lê Hàm, và những người thầy, người bạn…của mình với rất nhiều trân trọng, biết ơn, thương mến. Nào NSƯT - Giáo sư âm nhạc Bích Ngọc (chồng của NSND Trà Giang) đã dành cho anh biết bao ưu ái. Nào NSND, thầy Cao Việt Bách - người chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đã xem anh như một người em thân thiết. Có lần thầy Bách về Vinh, Lê Thanh Đức đã dẫn thầy “đi bụi” khiến cho nhiều người phải đi tìm và thiếu chút nữa là anh bị kỷ luật nếu không có sự can thiệp kịp thời của thầy. Là diễn viên Ngọc Ngãi của Đoàn Ca múa Nghệ Tĩnh, “anh ấy mà đóng vai Bác Hồ thì tuyệt đỉnh. Hồi đó, cả Rạp 12-9 đã khóc khi nghe anh ấy diễn. Ngay cả mình, khi đó đang đứng phía cánh gà đệm đàn, thấy Ngọc Ngãi bước ra là đã rơi nước mắt. Vừa đánh đàn, vừa khóc.” Là anh Thụ, người chơi đàn bầu cho Nhà hát Dân ca, một người bạn thân thiết luôn ngồi lặng lẽ một góc quán cà phê để nghe anh Đức đánh ghi ta bao năm nay. Là anh Hưng, giám đốc điều hành tại Cà phê Cung lễ hội với những dự án tâm huyết để người dân Thành Vinh được nâng cao đời sống tinh thần từ loại hình cà phê âm nhạc…
Anh Đức trong một đêm tưởng nhớ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tại Cà phê Cung lễ hội. Ảnh: Trần Hải
10 năm làm việc tại Đoàn Ca múa là 10 năm Lê Thanh Đức và những nghệ sỹ khác nếm trải những vất vả, đói khổ, một thực tế chua xót phía sau hào nhoáng của sân khấu. Chỉ có những người tâm huyết lắm mới bám trụ lại với nghiệp, anh thở dài, xa xôi. “Còn nhớ, hồi đó, dân mình cũng thiếu thốn tinh thần lắm, chứ không chỉ vật chất đâu. Đoàn đi biểu diễn, nhiều khi anh hay tranh ra soát vé, để lơi lỏng một chút cho một số bà con không có tiền mua vé qua cửa. Anh đã chứng kiến có những cô, cậu xúc trộm mẹ vài bơ gạo bán đi để lấy tiền mua vé xem một buổi diễn. Rồi nhiều cháu bé, tình cảnh y như trong bài hát của Trần Tiến vậy “ngoài kia có chú bé trèo cành me nghe tiếng đàn của tôi”. Biết mình làm sai, nhưng sao mà đành lòng cho được… Ấy phải chăng là cái “lỗi” mà nghệ sỹ mắc phải? Mà cũng có lẽ vì con người mình nó thế, nên dẫu có vẫy vùng thế nào, anh cũng có tính được làm cái gì khác đâu, ngoài bám vào… nghệ thuật”.
Về chế độ 176, Lê Thanh Đức tham gia phong trào địa phương, dạy nhạc cho người có nhu cầu và cũng thử xoay xở đây đó. Cái “lỗi” tiếp theo của anh, phải nói là lỗi lầm lớn được trả giá bằng bản án 36 tháng tù trong trại 6. Dù còn rất nhiều uẩn khúc mà chỉ có anh là người thấu rõ, nhưng kể từ đây trái tim nghệ sỹ của anh rạn vỡ, gia đình nhỏ của anh cũng ly tán sau 10 năm bên nhau. Chưa đầy 2 năm (năm 2000), nhờ thành tích cải tạo tốt, anh được giảm án, ra tù. Kể từ đây, anh chọn một cuộc sống lặng lẽ, anh muốn mình “mất dấu” giữa những ồn ào, nên đã đến Hải Phòng. Sau 4 năm làm thầy dạy nhạc ở Hải Phòng, Lê Thanh Đức trở về Vinh, lăn lộn với chiếc máy ảnh tại Quảng trường làm nghề chụp ảnh dạo cho khách du lịch, lúc rảnh thì dạy thêm ghi ta, tham gia đánh đàn cho đám cưới, sự kiện… Anh làm tất cả các công việc ấy để góp tiền nuôi 2 con ăn học, “chứ một mình, cần gì nhiều nhặn lắm đâu”- anh nói.
Hết cái thời chụp ảnh dạo, anh cũng đã thấy mệt mỏi. Vậy là cuối cùng “chỉ còn lại cây ghi ta và mình”. Anh có những hợp đồng lâu dài với những quán cà phê yêu cầu nhạc sống nhờ những người hết mực yêu quý anh cùng ngón đàn điêu luyện của anh. Anh có thêm những người bạn, có thêm những học trò tìm đến. Có cậu trò thích ghi ta, chẳng có tiền theo học, được anh giúp đỡ và bày dạy, giờ đã trưởng thành, có thể tự mình làm những “show” đám cưới. Có nhiều cậu trò thi đỗ Học viện Âm nhạc, Đại học Văn hóa…luôn biết ơn thầy Đức, một ông thầy lãng tử nhưng đầy tận tâm.
Kể từ cái ngày anh ngồi rủ tóc trên những dây đàn tại quán cà phê lãng đãng sương giăng năm ấy, cho tới giờ, anh vẫn chẳng khác là mấy. Năm tháng, thăng trầm và nỗi mặc cảm trĩu nặng đã làm anh già không thể già hơn được nữa. Mỗi lần đến quán cà phê, nghe tiếng ghi ta khi thánh thót, lúc nhỏ giọt chầm chậm trên tay anh, tôi lại hình dung quãng đường lát nữa anh trở về, căn nhà lát nữa anh sẽ bước vào. Cặp chim nháo nhào trở dậy đón anh, tiếng ti vi vẫn bật thứ thanh âm đều đều bao năm không thể lấp đầy nỗi cô độc bẩm sinh…Ồ, mình là người nghệ sỹ lang thang suốt một đời, anh đã luôn chắc mẩm như thế, và treo cây đàn lên vách với những ngón tay rời rã sau một đêm làm việc mệt nhoài. Cũng có thể, anh lại gỡ cây đàn ra khỏi bao đàn, và những ngón tay anh như thể vô định lướt trên những cái dây đồng lạnh giá kia. Âm thanh nào đó sẽ bật lên, thăm thẳm như đêm vậy…
Thùy Vinh