(Baonghean) - Hai mươi bốn triệu kết quả trong vòng 0,18 giây là con số nhận được khi gõ chữ khóa “Lệ Rơi” vào công cụ tìm kiếm Google. Một cơn cuồng phong quái dị nhất trong lịch sử âm nhạc Việt. 
 
Thú thực tôi không mấy quan tâm ba cái chuyện tầm phào kiểu “lệ rơi” thế này cho đến lúc nó – cái thứ tầm phào ấy bắt đầu biết móc tiền thiên hạ. Tấm hình đầu tiên chụp anh nông dân 28 tuổi chuyên ngành trồng ổi Nguyễn Đức Hậu bước ra đầy kẻ cả từ chiếc xe hơi bạc tỷ tại một con phố giữa lòng Hà Nội đã chấm dứt những trò đùa tưởng như lãng nhách. Đùa là đùa thế nào! “Ca sỹ Lệ Rơi” đang làm rung chuyển làng showbiz Việt! Hình như đã bắt đầu có cát sê “trên trời”, có ông bầu và tất nhiên bắt đầu có cả… vệ sỹ? Điều gì đang xẩy ra thế kia? Báo chí vây chặt bốn bề một hiện tượng vô cùng tốn mực của cái gọi là thế giới giải trí. Mà vây cũng đúng thôi, đừng trách chi hàng trăm “người hâm mộ” cộng với hàng chục phóng viên “vặt sạch vườn ổi” nhà anh! Họ không chỉ tò mò đâu, họ đang bất lực trước những lý giải đấy! Họ không tài nào trả lời được cho những câu hỏi nghiêm túc. Tại sao? Hà cớ tại sao, một thảm họa âm nhạc như vậy lại có thể kéo xềnh xệch cả trăm ngàn “fan” hâm một nhập cuộc? Đã xuất hiện “Hội những người phát cuồng ca sỹ Lệ Rơi”! Người ta rối mù trước câu hỏi đâu là cái bình thường còn đâu là cái bất bình thường? “Ca sỹ Lệ Rơi” đang là nạn nhân hay thủ phạm? Phải chăng đây là một hiện tượng được sinh ra sau những đòi hỏi bị dồn nén từ hàng trăm cuộc thi mà hình như chả bao giờ tìm ra một thần tượng âm nhạc đích thực? Hay nó là biến thái của một trò đùa hòng thử sức sự lúng túng của các cơ quan quản lý? Nó là thảm họa âm nhạc hay thảm họa truyền thông?
 
Hiện tượng này thực ra không phải là hiếm. Ở quê tôi cũng đã có lần hội diễn văn nghệ xã, một bác nọ lên đọc thơ tự biên dài ngút ngát. Người nghe nản quá đành vỗ tay nhắc nhở. Ấy mà người đọc lại tưởng là cổ vũ đành xin phép đọc thêm ba bài. Người nghe thấy buồn cười quá lại vỗ tay “đểu”, người đọc tưởng được cổ vũ lại nổi hứng và xin phép sáng tác tại chỗ thêm hai bài… cứ thế cho đến khi sự chịu đựng chấm dứt, người đọc kiệt sức và người nghe cũng chán… cười. Có lẽ hiện tượng Lệ Rơi cũng thế thôi, chỉ khác là nó được cộng hưởng bởi cái mạng xã hội quá khủng khiếp, và nó – cái hiện tượng này nhanh chóng lọt vào mắt xanh của những gã kiếm tiền chuyên nghiệp. Thế là thảm họa ra đời! Có lẽ còn lâu người ta mới quên đi câu chuyện, vào một ngày đẹp trời nọ, anh nông dân nhiễm chút máu văn nghệ, treo khuôn mặt hài hài, ngồi góc giường tự thu những bài hát “hot” đưa lên mạng “xin lai” (like) đang lớ ngớ bỗng dưng được bứng vào làng showbiz! 
 
Hy vọng tỷ lệ người đùa dai trong xã hội cũng không nhiều. Chắc chắn chỉ một thời gian ngắn nữa mọi thứ sẽ tử vong. Nhưng cái hệ lụy mà nó để lại thì chưa biết bao giờ mới hết?! Phải chăng phong trào cổ súy cho những thứ “đắng lòng”, “lệ rơi” đã bắt đầu được khởi xướng? Ai đang vun luống cho xã hội trồng những thứ văn hóa lệch lạc? Và bao nhiêu người đang có ý định trở thành Lệ Rơi sau khi nhận thấy sự giản đơn của việc nổi tiếng, thậm chí có tiền? 
 
Rõ ràng hiện tượng xã hội “quá mù ra mưa” này cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc và cũng cần có “bài” giải mỗi khi nó thập thò sinh ra. Xã hội còn quá nhiều việc để làm, còn quá nhiều điều để nghĩ, xin đừng bao giờ để lãng phí thời gian vào một thứ vô bổ, rẻ tiền và dở hơi như thế. 
 
Trên trang mạng cá nhân nọ, một người hài hước “Hay là biên tập cái môn học mà học sinh lâu nay chưa đoái hoài thành bài hát cho “ca sĩ Lệ Rơi” thể hiện”. Nghe buồn cười nhưng cũng cay cay. Điều quan trọng cần phổ biến thì làm mãi không xong, cái thứ dở hơi thì lại quay cuồng. Đúng là chảy nước mắt cho một thứ “Văn hóa Lệ Rơi”!
 
Nguyễn Khắc An