(Baonghean) -  Hơn 30 năm chiến đấu gian khổ giành độc lập tự do của các bộ tộc Lào, vào ngày 2/12/1975, Hoàng thân Xuphanuvông đã được Đại hội nhân dân toàn quốc và Quốc hội Lào bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao và Chủ tịch nước CHDCND Lào vừa được thành lập. Từ đó, ngôi vua đã được xoá bỏ, các bộ tộc Lào đã vui mừng chào đón ngày độc lập, thống nhất đất nước.
 

762801_small_49889.jpgHoàng thân Xuphanuvông.
Hoàng thân Xinava Xuphanuvông sinh ngày 13/7/1909 trong gia đình hoàng tộc, tại Kinh đô Luang Phrabang bên ngọn núi Phu Xỉ cạnh dòng Nậm Khan đổ ra sông mẹ MêKông. Vào buổi hoàng hôn ngày 13/7/1909, tại cung điện vàng Xixuvana Hò Khăm, bà Khăm Uộn, thứ phi của Phó Vương dòng tiền cung Hoàng gia Lào Bun Khoống đã sinh ra người con trai út tuấn tú khôi ngô: Hoàng tử Xuphanuvông.
 
Năm 1920, Hoàng thân Xuphanuvông được gửi sang học trường Albert Saraut, Hà Nội. Hơn 10 năm sau, năm 1931, ông đến Pháp học đại học. Đầu tháng 6 năm 1937, nhận bằng tốt nghiệp Đại học cầu cống ở Pháp, trở về Đông Dương, Hoàng thân được bổ nhiệm làm công chức tại Sở Công chính Trung Kỳ, đặt ở thành phố Nha Trang.
 
Kể từ đó (1937) cho đến sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân Việt Nam - Lào thắng lợi, Hoàng thân đã đặt chân nhiều lần, ở nhiều nơi, ghi dấu ấn không phai mờ về các công trình giao thông thuỷ lợi trên mảnh đất Nghệ An, cái nôi của phong trào cách mạng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Công trình thuỷ lợi Bắc Nghệ An
 
Công trình thuỷ lợi Bắc Nghệ An còn gọi là hệ thống nông giang Bắc Nghệ An mà công trình đầu mối là Bara Đô Lương, tưới cho vựa lúa của tỉnh và cấp nước sinh hoạt cho cư dân bốn huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Công trình được xây dựng trong 5 năm (1932-1937) phục vụ cho chiến lược khai thác thuộc địa của nhà cầm quyền thực dân Pháp và xoa dịu nông dân Nghệ An sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Công trình cơ bản hoàn thành vào giữa năm. Hoàng thân Xuphanuvông - kỹ sư cầu cống Sở Công chính Trung kỳ tham gia nghiệm thu kỹ thuật và chỉ huy vận hành, khai thác công trình trên hệ thống, trong đó có: Bara Đô Lương với 12 cửa van thép, cửa xả cát; tuynen qua núi dài 502m; cống Đậu Lý, cống Phúc Tăng, xi phông Lạc Thổ...
 
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hệ thống công trình này bị bom đạn đánh phá nhiều lần, song quân và dân Nghệ An đã bảo vệ an toàn, đảm bảo nguồn nước tự chảy thông suốt hơn bảy thập kỷ qua. Đặc biệt trong chống Mỹ, lưới lửa phòng không bảo vệ Bara Đô Lương gồm cả trung đoàn pháo cao xạ 100 mm, 57 mm, pháo của bộ đội địa phương 37 mm, pháo của dân quân du kích 14,5 mm và súng trường.
 
Ngày nay, ở huyện Đô Lương, những người cao tuổi đều nhớ tên Hoàng thân Xuphanuvông, tri ân công lao của Kỹ sư Xuphanuvông, người con của đất nước Lào đối với Bara Đô Lương và hệ thống nông giang Bắc Nghệ An.
 
Công trình cầu đường sắt Yên Xuân
 
Cầu đường sắt Yên Xuân bắc qua sông Lam tỉnh Nghệ An tại Km 331+111 trên tuyến đường sắt Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh. Cầu được xây dựng từ năm 1917, hoàn công vào năm 1925. Lòng sông nơi cầu bắc qua, phía bắc có đê Tả Lam (42) chạy từ thị trấn Nam Đàn đến chân núi Thành ở hạ lưu, phía nam có đê Nam Trung chạy từ Nam Đông đến đường sắt. Cầu gồm 7 nhịp, dài 427,202 m. Theo sơ đồ từ bắc sang nam gồm 6 nhịp khẩu độ 61,2 m và 1 nhịp khẩu độ 51,2 m, dùng cho đường sắt khổ 1 mét, tải trọng T10. Mố trụ cầu đặt trên móng giếng chìm.
 
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cầu bị địch đánh phá nhiều lần, hư hỏng nặng, chỉ còn mố, trụ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cầu Yên Xuân được khôi phục. Ngày 31/12/1976, sau 36 năm gián đoạn, tàu đường sắt Bắc - Nam được khai thông.
 
Hội thảo khoa học Việt – Lào mang tên “Thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Xuphanuvông” nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch diễn ra ngày 7-7-2009 tại Thủ đô Viêng Chăn nước CHDCND Lào. Ảnh: cpv.org.vn

Đến nay, tuyến đường sắt Bắc - Nam Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh dài 1725 km, tàu SE2, SE3,... chạy qua Nghệ An tốc độ 80 km/h an toàn. Theo tư liệu của Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, trong thời gian từ năm 1937 đến đầu năm 1945, Hoàng thân Xuphanuvông đảm nhận trách nhiệm quản lý kỹ thuật và chỉ huy "di tu dưỡng lộ" các công trình giao thông thuỷ lợi Bắc Trung Kỳ, trong đó có cầu Yên Xuân.
 
Có một viên chức kỹ thuật ngày đó trợ lý cho Kỹ sư Xuphanuvông là ông Nguyễn Trọng Phòng. Ông kể lại cho người con gái là Nguyễn Thị Hiếu rằng: Cơ quan Hoàng thân Xuphanuvông tên gọi là Service des Travaux Public de l'Annam, đặt lỵ sở ở thị xã Vinh, phố Maréchal Fooc (nay là phố Quang Trung). Những ngày nghỉ, Hoàng thân đi uống Biere Hommel ở phố Le Pagodon, mua hàng lưu niệm ở cửa hiệu Chaffanjon, xem phim ở Annam Ciné hoặc rạp Majestic; đi bộ qua phố Destenay đến Nhà thờ Cầu Rầm hoặc phố Jules Ferry gần Cửa Tả.
 
Tháng 9 năm 1945, trước khi rời thị xã Vinh, Hoàng thân Xuphanuvông tặng gia đình ông Nguyễn Trọng Phòng một đôi đũa ngà voi, hiện bà Nguyễn Thị Hiếu đang lưu giữ tại nhà riêng ở xóm Xuân Hùng, xã Hưng Lộc, TP Vinh, trân trọng xem đó là báu vật vô giá của gia đình.
 
Công trình hồ chứa Sông Rộ 

Theo lời kể của cụ Phan Tố Đức, 95 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương), vào khoảng năm 1944-1945, Hoàng thân Xuphanuvông đã tham gia Hội đồng kỹ thuật xét duyệt nhiệm vụ thiết kế và phương án thi công công trình thuỷ lợi hồ chứa nước Sông Rộ, nằm trên địa bàn xã Võ Liệt.
 
Sông Rộ là một phụ lưu của sông Cả, phát nguyên từ mái đông dãy Trường Sơn, chảy qua xã Thanh Thuỷ, xã Võ Liệt và xã Thanh Chi đổ ra sông Cả tại khu vực gần chợ Rộ. Thông thường thì các hồ chứa nước được tạo thành do đắp đập chắn ngang dòng, riêng hồ sông Rộ thì giải pháp tạo nguồn nước lại khác: đắp đập cuối một thung lũng tạo ra bụng hồ chứa nước, nguồn nước được dẫn từ sông Rộ vào hồ bằng con kênh đào có một cống điều tiết (gọi là cống ông Thuộc). Dung tích 4 triệu mét khối nước, tưới cho đồng ruộng các xã Võ Liệt, Thanh Chi, Thanh Long huyện Thanh Chương. 
 
Cuối tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phái ông Lê Văn Hiến cùng trợ lý là Hoàng Xuân Bình vào Vinh mời Hoàng thân Xuphanuvông ra Hà Nội để bàn tính chuyện Liên minh Việt Nam - Lào chuẩn bị chống lại âm mưu của thực dân Pháp lăm le trở lại xâm lược Đông Dương. Trong lần này, ông Nguyễn Tạo (Trưởng ty Trinh sát Nghệ An, tháng 10/1945 đổi là Cục trưởng Nghệ An Công an cục) đã trực tiếp bố trí bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông và đoàn của Trung ương an toàn, chu đáo trong những ngày ở Nghệ An và ra đến khe Nước lạnh bàn giao cho Ty Trinh sát tỉnh Thanh Hoá.
 
Về sau, trong hồi ký của bà Viêng Khăm (phu nhân Hoàng thân) có đoạn kể lại: "... Từ Vinh, xe chúng tôi đi được một đoạn đường chẳng may bị hỏng, xe ông Lê Văn Hiến chở Cựu Hoàng Bảo Đại (cũng được Cụ Hồ mời ra Hà Nội giữ chức cố vấn Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) chạy sau liền dừng lại mời Hoàng thân qua ngồi chung xe với Bảo Đại đi trước cho kịp tiếp kiến Cụ Hồ ở Bắc Bộ Phủ - Hà Nội. Còn tôi ở lại chờ sửa xe rồi theo sau...".
 
Hoàng thân Xuphanuvông là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, người có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
 
Hoàng thân Xuphanuvông qua đời ngày 9/1/1995 để lại niềm thương tiếc to lớn cho nhân dân các dân tộc Lào, cho nhân dân Việt Nam trong đó có nhân dân Nghệ An.
Trần Kim Đôn