(Baonghean) - Vào thời buổi hội nhập, rất nhiều yếu tố ngoại xuất hiện trong đời sống chúng ta mà ta có thể bắt gặp hàng ngày. Vấn đề là ở chỗ, hội nhập nhưng không được hoà tan, thậm chí khẳng định bản sắc của mình.
Việt Nam đang có xu thế sùng ngoại, coi các yếu tố ngoại là giá trị chuẩn mà chưa hề có thái độ đối chứng lại. Điều đó dẫn đến hệ quả một mặt là sự sinh động, phong phú nhưng mặt khác là sự xô bồ. Chẳng hạn: lối sống Tây, thời trang Tây, đậm nhất là ở lứa tuổi học đường. Nói đâu xa, ở truyền hình mỗi ngày, mở mắt ra đã thấy phim Tàu trình chiếu: 6h sáng, 12h trưa, 5h chiều, 6h tối… Đó là chưa kể sự “ngẫu hứng” của các đài truyền hình địa phương.
Từ thực tế đó nảy sinh một điều nghịch lý, nhưng rất thực tế, người Việt Nam (số đông quần chúng) am hiểu lịch sử Trung Quốc có khi rành rẽ hơn lịch sử Việt Nam. Tiếp diễn triều đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam có thể người ta không biết nhưng tiếp diễn triều đại trong lịch sử Trung Hoa thì lại am tường. Các bậc vua chúa, các hiền sĩ Trung Hoa rất nhiều người ở ta hình dung được mặt mày, trong lúc số đó của dân tộc mình thì chỉ được biết sơ sài, biết đến như một ý niệm. Lại đối sánh với Trung Hoa, chỉ riêng màn khai mạc Ôlimpích Bắc Kinh dưới bàn tay của Trương Nghệ Mưu đã thấy sự tự tôn dân tộc đến mức kiêu hãnh.
Nếu làm phim lịch sử về dân tộc ta thì thiết nghĩ không có tư liệu nào sinh động bằng, cố nhiên đó là cái khó của ngành điện ảnh. Xin được không trình bày nguyên nhân.
Dân ta lại sành sử...người !?
Nguyễn Mạnh Hà