(Baonghean) - Cây xanh cổ thụ là di sản văn hoá, là những điển tích của những thời lịch sử đã qua.
“Cây đa ba chánh, chín chồi
Em về bên ấy cạp cồi lồ ngô”
Đó là câu hát trống quân của nam thanh niên đi tìm bạn gái...
Tôi chưa có điều kiện được đi du lịch khắp mọi vùng quê đất nước và cũng không biết được có bao nhiêu cây xanh cổ thụ còn nằm rải rác trên đất nước nói chung và huyện Thanh Chương (Nghệ An) nói riêng. Cây xanh cổ thụ không những làm sạch không khí, giữ cho đất khỏi bị xói mòn, là bức tường xanh bảo vệ bờ biển. Rừng tràm là nguồn tài nguyên vô giá.
Cây xanh còn là “Hải thượng lãn ông” - là nguồn thuốc nam vô tận (“Nam dược chữa Nam nhân”). Cây xanh là người bạn của con người, khi sinh ra ta nằm trong chiếc nôi tre, khi ta qua đời tre đưa ta về cõi vĩnh hằng. Cây xanh là xưởng sản xuất không khí trong lành chữa được nhiều bệnh và che bóng mát cho người, ngăn bụi và giảm tiếng ồn ào, góp phần tăng khả năng lao động, học tập, tăng thêm tuổi thọ.
Nhiều cây xanh như xà cừ, sến, nhội, sấu, ngô đồng... có khả năng hút các khí độc. Trong quá trình quang hợp cây xanh đã thu hồi lượng khí cácbonníc độc hại tạo nên chất dinh dưỡng và thải khí ô xi trong lành cho muôn loài hô hấp và dùng trong đốt cháy. Không khí trong rừng hay trên đồi càng trong lành, ít khí độc và rất ít bụi. Không khí ở các vùng trồng bông, bạch đàn với các chất thơm toả ra có khả năng diệt vi khuẩn.
Ở thành phố Vơnizơ (Ý), sau khi trồng cây bạch đàn, người ta thấy tỷ lệ muỗi sốt rét giảm xuống rõ rệt. Các loại cây có cấu tạo lá hình lông chim, lá kim về mùa hè tiết ra chất sát trùng nhiều hơn mùa đông, ban ngày mạnh hơn ban đêm, cây già mạnh hơn cây non.
Có hàng cây chắn gió che chở cho cánh đồng, ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Vì vậy thực hiện tốt lời kêu gọi trồng cây của Bác hồ là việc làm ích nước lợi nhà: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Cây xanh cổ thụ còn đóng một vai trò quan trọng trong sự kiện lịch sử. Nhiều cây cổ thụ là điểm tụ các hoạt động của Đảng, của cách mạng thời kỳ bí mật và trong kháng chiến, là nơi cất dấu truyền đơn, cờ và nơi sinh hoạt của tự vệ đỏ...
Thanh Chương một vùng quê nghèo nhưng hiếu học và có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm phong kiến. Cây xanh cổ thụ ở Thanh Chương rất nhiều và đa dạng, có cây chết vì thiên tai lũ lụt, có cây chết vì quá già nhưng cũng có cây chết dưới những bàn tay và cách nhìn thiếu nhân sinh quan.
Cây đa ngự ở xã Đồng Văn năm 1803 nằm trung tâm của làng Luân Phượng. Năm 1930 tại cây đa này đã treo cờ Đảng, cờ của quần chúng nhân dân tập trung biểu tình cướp chính quyền. Cây sui ở xã Thanh Phong đã được xếp hạng quốc gia. Cây sui là nơi cất dấu tài liệu bí mật của Đảng trong những năm 1930 - 1931. Cây sanh ở xã Thanh Hương là cửa ngõ chiến khu Hoa Quân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng thời là nơi tập trung nhân dân để biểu tình và treo cờ Đảng thời hoạt động bí mật 1930 - 1945. Cây đa gia đình ở xã Thanh An là nơi cắm cờ Đảng 1930-1931, cũng là dấu tích tội ác của thực dân Pháp xử bắn các chiến sĩ cộng sản. Cây trôi xã Thanh Ngọc là nơi cất dấu tài liệu thời kỳ 1930 - 1931.
Cây tự nhiên và rừng trồng, công viên lớn, vườn cây quanh nhà, cây hai bên đường, ven làng quê bến sông là các phương tiện có hiệu lực làm tăng sức khoẻ cho con người, làm tăng độ phì nhiêu cho cảnh quan.
Cây xanh cổ thụ là di sản văn hoá, là những điển tích của những thời lịch sử đã qua. Hãy cùng nhau gìn giữ cho hậu thế.
Nguyễn Thanh Phúc