Lên Điện Biên hôm nay, được chứng kiến các di tích lịch sử, được nghe các cựu chiến sĩ Điện Biên kể về cuộc chiến oai hùng, tìm hiểu một Điện Biên hồi sinh mạnh mẽ, tôi mới phần nào hiểu được sức mạnh của tinh thần dân tộc, của ý chí, trí tuệ Việt Nam - Có lẽ vì vậy mà dù phải vượt qua hàng trăm km đèo dốc hiểm nguy, Điện Biên vẫn là một địa chỉ đỏ vẫy gọi...


762677_small_48259.jpgTham quan Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Cuối tháng 4. Thời tiết Điện Biên thoắt mưa thoắt nắng. Di tích Đồi A1 nằm sát đại lộ chính của thành phố. Chỉ mất năm phút là có thể trèo lên đỉnh đồi. Toàn cảnh thành phố hình dung như lòng chảo. Nhìn rộng ra xung quanh mới thấy cái lý của người Pháp chọn nơi này để lập nên một tập đoàn cứ điểm hòng tiêu diệt toàn bộ sinh lực của ta. Có sai chăng là người Pháp, cụ thể ở đây là quân đội viễn chinh Pháp đã không đánh giá hết được sức mạnh tiềm tàng của tinh thần dân tộc Việt Nam. Trước khi lên Điện Biên, tôi đã cố tìm thông tin về cái giá mà cả 2 bên phải trả tại địa danh này. Chợt giật mình. Địch: 1.747 người chết, 5.240 người bị thương, 1.729 người bị mất tích và 11.721 người bị bắt làm tù binh. Ta: 4.020 người chết, 10.130 người bị thương, 792 người mất tích. Mất mát hy sinh nhiều hơn. nhưng ta đã chiến thắng.


Trong đoàn cựu chiến binh của thị trấn Cầu Diễn huyện Từ Liêm - Hà Nội lên thăm Điện Biên hôm nay, có một cụ ông được nhiều du khách quây quanh hỏi chuyện.. ông tên là Nguyễn Công Am, nguyên thuộc trung đoàn 141, sư 312 tham gia đánh trận mở màn chiếm đồi Him Lam vào ngày 14-3-1954. Ông kể, hồi ấy tuổi 24, cứ nghe hiệu lệnh xung phong là ôm súng xông lên, lớp trước ngã xuống, lớp sau lại ào lên. Địch ở trong hầm dùng hoả lực mạnh nã ra như mưa. Máu bộ đội ta thấm đỏ cả vạt đồi... Hướng mắt xuống chân đồi A1, nơi có hàng nghìn ngôi mộ đang nằm im lìm dưới tán cây trong nghĩa trang Điện Biên, khoé mắt của ông ngấn nước. Đã tròn 55 năm, giờ ông mới có dịp trở lại. Chàng lính binh nhì người ngoại thành Hà Nội năm nào vẫn giữ được dáng vẻ nho nhã với chòm râu bạc trắng dù đã bước qua tuổi 79.


Bất giác tôi nhớ lại câu chuyện hôm trước đến thăm ông Phạm Ngọc Thứ- cũng là một cựu chiến sĩ Điện Biên quê xã Diễn Hoàng- huyện Diễn Châu (Nghệ An); hiện sống ở phường Mường Thanh - TP Điện Biên. Nhập ngũ cuối năm 52, ông được phiên về Trung đoàn 174, Sư 316 trực tiếp đánh đồi A1. Hồi đó, trung đoàn 174 có rất nhiều người quê ở Nghệ An. Những phút nghỉ ngơi giữa hai đợt xung phong, anh em đùa nhau bằng kiểu nói lái xứ Nghệ khiến nhiều anh ở tỉnh khác cứ ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chiếm xong đồi A1, mỗi người một nơi. Ông nhận nhiệm vụ giải hàng binh về Hà Nội, đi bộ gần 1 tháng rưỡi. Dọc đường, đói ăn phải mò vào nhà dân xin. Có nơi thấy hàng binh, họ xua đuổi, không cho vào nhà, phải ngủ ngoài sân cả đêm. Sau đó, ông quay trở lại Điện Biên, chuyển sang làm công tác Đảng và ở lại Điện Biên từ đó cho đến giờ. Gia đình ông hiện được xem là gia đình mẫu mực, con cái thành đạt, kinh tế khá giả. Được anh Nguyễn Ngọc Kỷ- Giám đốc Đài PTTH tỉnh Điện Biên thông báo có đoàn quay phim của quê nhà ra làm phim, ông bà và các con đã mời cả đoàn ăn một bữa cơm rất đầm ấm.

Bên ấm chè xanh, tôi được nghe ông kể rất nhiều về hoàn cảnh gia đình, cuộc chiến đấu gian khổ thời trai trẻ, những công việc mà ông đã trải qua của lớp người đầu tiên bắt tay vào xây dựng lại một Điện Biên ngày mới. Nhưng có một chi tiết khá ý nhị mà tôi cứ nhớ mãi. Hôm rồi Tỉnh uỷ Điện Biên cho thống kê lại danh sách các cựu chiến sĩ Điện Biên hiện đang sống để tặng quà nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, danh sách lập là 225 người. Nhưng chỉ ít ngày sau, đến khi trao quà thì chỉ còn 223 người đến nhận. Lớp người của Điện Biên năm xưa giờ đã bước vào cái tuổi có thể "đi" nhanh bất cứ lúc nào.


Đến Điện Biên, tôi ngạc nhiên khi được nghe mấy đứa trẻ ở Mường Phăng, nơi đặt sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đọc câu ca: "Thái đen, Thái trắng, Thái Bình. Ba thái đồng tình xây dựng Điện Biên." Thì ra, Điện Biên có đến 21 dân tộc anh em, trong đó, người Thái là đông nhất chiếm đến 40,4%, người Kinh chiếm 19,7%. Dân tộc Thái ở Điện Biên có Thái đen và Thái trắng. Còn Thái Bình, chính là người dân gốc tỉnh Thái Bình từ thế kỷ 18 theo vị thủ lĩnh nông dân Hoàng Công Chất ở vùng Sơn Nam lên Điện Biên đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh vào năm 1754. Về sau này, người dân Thái Bình còn di dân lên Điện Biên khai khẩn đất hoang, làm kinh tế mới, trở thành những làng quê trù phú và có số lượng đông đảo nhất trong số người Kinh ở Điện Biên.

Ông Nguyễn Xuân Biền, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, một xã biên giới của huyện Điện Biên, quê gốc ở Thái Bình có dáng người thấp đậm chắc nịch, chất giọng vang khoẻ. Ông dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình kinh tế vườn đồi, làm trang trại của xã. Thanh Hưng là xã biên giới, nhưng đồng thời cũng tiếp giáp với thành phố Điện Biên, nên người dân ở đây đã biết thâm canh nhiều loại rau màu để cung cấp cho thành phố. Với diện tích 280 ha trồng được 2 vụ lúa nước trong năm, Thanh Hưng cũng là địa phương có diện tích ruộng nước khá lớn so với các địa phương khác trong huyện.

Bình quân lương thực ở đây đạt hơn 726kg/ đầu người/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả tỉnh là 486,3 kg/người. Theo ông thì bài học quan trọng nhất mà cấp uỷ, chính quyền ở đây rút ra được trong công tác lãnh đạo điều hành là phải bằng mọi giá giữ cho được tình đoàn kết các dân tộc trên địa bàn. Muốn vậy thì phải điều hoà được các lợi ích kinh tế. Ví như việc giao đất canh tác hay khoanh nuôi bảo vệ rừng. Không phải đa số cán bộ trong xã là người Kinh là ưu tiên chỗ đất "ngon" cho gia đình, bà con mình. Còn đồng bào người Thái, người Tày là dân bản gốc lại ít được quan tâm.

Mặt khác là phải biết công khai hoá những khoản thu chi, đóng góp trong dân, nói tóm lại là phải thực hiện tốt qui chế dân chủ cơ sở, từ đó tạo niềm tin cho người dân về đội ngũ lãnh đạo. Đã làm cán bộ thì kinh tế gia đình phải mạnh. Có như vậy mới không thèm tơ hào đến của chung, đến bổng lộc. Như gia đình ông cũng là một mô hình kinh tế vườn đồi điển hình của xã. Trên diện tích gần 5000 mét vuông, ông đào ao thả cá, nuôi 4 con lợn nái sinh sản, hàng chục con nhím, trâu bò, trồng hàng trăm gốc cây ăn quả.v.v..., mỗi năm cũng cho thu nhập hơn 80 triệu đồng.


Dọc đường từ Thanh Hưng về thành phố Điện Biên, thỉnh thoảng 2 bên đường lại thấy những ụ pháo, những chiếc xe tăng cũ của quân Pháp được giữ lại làm chứng tích. Lạ là ngay ở thành phố Điện Biên và cả những địa bàn xung quanh, tôi hầu như không thấy hoa ban trắng, dù thời điểm cuối tháng Tư là mùa hoa ban nở. Chỉ thấy khá nhiều những diện tích cà phê nở hoa trắng xoá. Cà phê là cây công nghiệp tăng nhanh nhất ở Điện Biên, năm 2008 đạt 694 ha, tăng 55%, hiện chỉ đứng sau lúa:23.632ha; đậu tương 11.630 ha, bông: 1.827ha. Trong chiến lược phát triển nông lâm nghiệp, Điện Biên đang tích cực phối hợp với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam triển khai qui hoạch và trồng 20.000 ha cao su ở các huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông.


Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Đinh Tiến Dũng là lớp cán bộ tăng cường của Trung ương về các tỉnh đợt đầu năm 2008. Từ một Thứ trưởng trẻ của Bộ Xây dựng, lên giữ trọng trách ở một địa phương thuộc hàng nghèo, nhưng tiếng tăm lại được biết đến nhiều nhất cả nước. Trò chuyện chừng non tiếng đồng hồ (sau đó ông đi Mường Lay ngay để kiểm tra việc di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La), cảm nhận ông là một lãnh đạo dám "động" vào những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Như việc quyết tâm qui hoạch lại tổng thể thành phố Điện Biên trên tinh thần trả về cho vùng đất lịch sử này giá trị các di tích, bằng cách di dời tất cả cơ quan hành chính và một bộ phận các hộ dân xung quanh cụm di tích Đồi A1, quảng trường và tượng đài chiến thắng trên đồi D1 sang vùng Noong Bua, cách trung tâm thành phố gần 5 km.

Rồi quyết tâm phát triển ngành du lịch Điện Biên với câu khẩu hiệu hành động: Du lịch - du lịch và du lịch để đến năm 2010 phấn đấu đạt nửa triệu du khách. Rồi hoàn thành phổ cập trung học phổ thông trong năm 2009 và 100% xã có điện lưới quốc gia, đường ô tô đến trung tâm.v.v... Quyết tâm của lãnh đạo tỉnh thì có thừa, nhưng điều quan trọng nhất là sự đồng thuận của tất cả các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là chuyển động của đội ngũ cán bộ công chức. Ông Dũng biết rõ điều này, nên mới "chốt" một câu đại ý chúng tôi muốn những tư duy mới không chỉ dừng lại ở một hay hai nhiệm kỳ, mà là tư duy của sự tiếp nối. Ai lên làm lãnh đạo ở cái tỉnh nghèo này cũng trên cơ sở những định hướng đã xây dựng bằng trí tuệ tập thể, thì mới thành công.

Có hai chuyện mà tôi cứ ấn tượng mãi khi rời Điện Biên. Một là cuộc phỏng vấn tình cờ với Michell, một thanh niên miền Trung nước Pháp ngay trong Bảo tàng Điện Biên Phủ. Anh ta có người bố hy sinh ngay trên mảnh đất này và đây là lần đầu tiên anh đến Điện Biên. Tôi cố gặng hỏi Michell đại ý anh ta có biết vì sao quân viễn chinh Pháp lại thua trận ở Điện Biên Phủ. Michell chỉ khôn khéo trả lời rằng anh ta đến đây chỉ với mong muốn được chứng kiến nơi mà lớp cha ông của anh đã chiến đấu như thế nào và anh muốn lớp thanh niên Pháp hôm nay cũng nên đến Điện Biên để hiểu hơn về điều đó. Ấn tượng thứ hai là thời phổ thông, khi học lịch sử đến bài chiến dịch Điện Biên Phủ sách giáo khoa (cũ) có in bức ảnh tướng Đờcát và đám sĩ quan tuỳ tùng giơ hai tay đầu hàng khi bước ra khỏi hầm chỉ huy. Thế nhưng, giờ thăm lại di tích hầm tướng Đờcát, quan sát kỹ bức phù điêu trước cửa hầm thì chỉ thấy viên tướng nổi danh này đầu hơi cúi, hai tay chắp trước bụng, nét mặt bình thản bước ra. Tuy nhiên, sự thật của giây phút lịch sử đó là như thế nào thì chúng ta cũng là người chiến thắng trong cuộc chiến "lừng lẫy địa cầu" cách nay hơn một nửa thế kỷ.


Trần Ngọc