Cách đây 55 năm, vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự, tạm thời chia cắt đất nước ta theo hiệp định Genever. Thế nhưng về sau, với sự tráo trở của đế quốc Mỹ, cùng nguỵ quân phản động, nơi đây đã biến thành "toạ độ chết" với hàng vạn tấn bom, đạn đua nhau cày xới.
Năm 1958, 17 tuổi, ông đã được chọn tham gia lực lượng trực chiến tại vĩ tuyến 17, với nhiệm vụ chính là canh giữ, cự địch tại khu vực này. Thế nhưng, cuối năm 1962, khi tình hình trở nên căng thẳng ở hai bên bờ, ông được điều sang công binh, tham gia công tác chuẩn bị hầm, hào, xây dựng lô cốt, để đương đầu với những cuộc chiến khốc liệt sắp tới.
Ông Chung cho biết, với trang bị vũ khí hiện đại của địch, việc lựa chọn cách phòng thủ như thế nào đối với ta mới là quan trọng nhất. Từ kinh nghiệm về xây dựng hệ thống phòng thủ trong cuộc kháng chiến chống Pháp (chiến dịch Điện Biên Phủ), cũng như thông qua việc học tập những tinh hoa về quân sự thế giới, ba phương án đã được lựa chọn, đó là: xây dựng hầm vĩnh cửu chống bom nguyên tử, xây dựng công sự cho các cơ quan đầu não và làm lô cốt để chiến đấu.
Loại hầm vĩnh cửu được xây dựng ở những nơi trọng yếu: đảo Cồn Cỏ, cao điểm 74 tại Vĩnh Linh... Đối với loại này, đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, thời gian dài. Ban đầu tổ chức phá đá, khoét sâu vào lòng núi, sau đổ bê tông, cột trụ, tạo thành những mái vòm vững chắc. Khi hoàn thành, một hệ thống các ngõ ngách được xây dựng sâu trong lòng núi dài hàng trăm mét, sâu hơn 30m, đáp ứng được yêu cầu trú ẩn một khi phải đương đầu với bom nguyên tử của địch.
Loại thứ hai đó là hệ thống hầm, hào, địa đạo, làm nơi hoạt động cho các cơ quan tại Vĩnh Linh. Tiêu biểu của loại này đó là hệ thống địa đạo Vĩnh Mốc. Địa đạo dài gần 2km, 3 tầng, sâu nhất là trên 20m, địa đạo được đào xong trong vòng 2 năm, với hơn 6000m3 đất đá. Địa đạo đủ đáp ứng cho khoảng 94 hộ gia đình sinh sống, với đầy đủ các công trình, từ giếng nước, nhà vệ sinh... cho đến hội trường với hơn 60 chỗ.
Một hệ thống công sự, lô cốt chạy dọc bờ Nam cũng được hoàn thành, đáp ứng cho nhu cầu trực tiếp chiến đấu của quân và dân ta, trong địa bàn bằng phẳng. Sau khi đào sâu xuống đất hơn 1m, những tấm bê tông đúc sΩn vận chuyển từ Nghệ An - Hà Tĩnh vào, được đưa đến để lắp ghép. Giữa các lô cốt được nối liền với nhau bằng hệ thống giao thông hào, cách một đoạn là các trạm tiền tiêu quan sát.
Tất cả công việc chuẩn bị, xây dựng hệ thống hầm hào tại khu vực này được hoàn thành trong vòng 6 năm (1959-1965). Khó khăn lớn nhất, theo ông Chung là, phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, trong khi đó ở khu vực này bọn điệp báo của địch luôn săm soi, nhòm ngó. Hơn nữa, mọi công việc đều được làm bằng tay, kỹ thuật thô sơ. Địch luôn tổ chức câu pháo từ bờ Nam sang, từ tàu chiến vào, khiến cho hoạt động xây dựng gặp nhiều khó khăn, các chiến sĩ phải một tay cầm xẻng một tay cầm súng, sΩn sàng chiến đấu. Đối với hầm vĩnh cửu, một ngày 3 tổ (9 người) cố gắng phấn đấu cũng chỉ đào được 2 mặt cắt (1 mặt cắt 60cm). Công sự, lô cốt thì phải xây dựng vào ban đêm, vừa đào vừa tránh những ánh đèn pha cực sáng của địch quét sang.
Hệ thống hầm, hào, công sự kiên cố được hoàn thành, rải dọc bờ Nam sông Bến Hải, góp phần to lớn trong việc bám địa bàn, chống lại những đợt càn quét với cường độ cao: 5 phút một loạt pháo, 15 phút một loạt bom, những đợt B52 ném bom theo kiểu ô vuông...của kẻ thù. Nơi đây thực sự đã trở thành những pháo đài vững chắc, giữ lấy từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.