(Baonghean.vn) - Đó là nội dung Hội thảo do Ban quản lý các dự án lâm nghiệp tổ chức sáng 16/11 tại Thành phố Vinh. Tham dự có đại diện của BQL rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Đảm bảo an toàn Môi trường và Xã hội trong các Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng vùng Bắc Trung Bộ là một trong các hoạt động quan trọng của dự án giảm phát thải (ER-PD) với mục tiêu nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực cho các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng ở ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Qua đó, giúp các đơn vị này tuân thủ tốt và đáp ứng chính sách đảm bảo an toàn của Ngân hàng Thế giới, qũy đối tác các-bon trong lâm nghiệp cũng như khung bảo đảm an toàn REDD+ quốc gia trong quá trình tham gia chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Tại buổi hội thảo, các học viên được giới thiệu về bảo đảm an toàn môi trường và xã hội trong thực hiện REDD+. Các yêu cầu cần tuân thủ bảo đảm an toàn môi trường và xã hội đối với công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng trong quá trình tham gia thực hiện Chương trình Giảm phát thải.

images2060590_vb.jpgCác đại biểu tham dự Hội thảo tham vấn về “Đảm bảo an toàn Môi trường và Xã hội trong các Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng vùng Bắc Trung Bộ”. Ảnh: Văn Trường

Thông qua hội thảo tham vấn, cán bộ của các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng các cấp đã hiểu rõ hơn về REDD+ và các hoạt động liên quan đến REDD+. Nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ bảo đảm an toàn môi trường và xã hội khi thực hiện Chương trình Giảm phát thải, nhận thức được các rủi ro về mặt môi trường khi thực hiện các hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, phát triển lâm nghiệp, như chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng trồng, mất đa dạng sinh học và phân mảnh hệ sinh thái tự nhiên. Xói mòn thổ nhưỡng và độ màu, rủi ro dịch bệnh do các loài ngoại lai và sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật phân bón ...

Các rủi ro về mặt xã hội bao gồm, tái định cư không tự nguyện, mất đất sản xuất và mất thu nhập, sinh kế và thiếu đền bù. Hạn chế tiếp cận đất rừng dẫn đến mất đất sản xuất ở vùng cao và ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế và an ninh lương thực.

Chăm sóc cây giống lâm nghiệp tại Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Ảnh tư liệu

 Tại hội thảo, học viên cũng được thảo luận nhóm nhằm xây dựng, đề xuất các biệp pháp giảm thiểu các tác động đến an toàn môi trường và xã hội, xác định được các thách thức thực hiện các biện pháp đó trong quá trình triển khai REDD+ thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Hoài Ninh, điều phối viên của dự án FCPF-2 chia sẻ: Trên thực tế, REDD+ vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ. Việt Nam đã và đang tích cực nỗ lực xây dựng kế hoạch hành động chuẩn bị cho sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng; bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững và nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+).

Vì vậy các công ty nông lâm nghiệp, BQL rừng phòng hộ ngoài việc thực hiện tốt công tác chuyên môn như ưu tiên bảo vệ rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng trồng. Tối đa hóa các lợi ích các dịch vụ từ rừng, như bảo vệ đất và nguồn nước, lưu trữ các bon ...

Đặc biệt cần phối kết hợp với các ngành, chính quyền địa phương tập trung cải thiện sinh kế người dân sống dựa vào rừng. Nâng cao nhận thức về môi trường và xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao trữ lượng các-bon của rừng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ là Chương trình REDD+ cấp vùng thực hiện đầu tiên ở nước ta, với tham vọng giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ các-bon khoảng 33,06 triệu tấn CO2 quy đổi, trong đó Quỹ Đối tác Cac-bon trong lâm nghiệp FCPF/Ngân hàng Thế giới đã cam kết chi trả cho các nỗ lực giảm phát thải sau khi thẩm định kết quả thực hiện là 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 51,5 triệu USD trong thời gian 6 năm thực hiện Chương trình (từ năm 2018 đến năm 2024).

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN