(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, đa dạng thổ nhưỡng, có nhiều vùng tiểu khí hậu, tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loại động, thực vật quý hiếm, đặc sản, có Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Do vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là rất cần thiết và đúng hướng.
Trong những năm qua, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã có bước phát triển đáng kể. Nhiều giống cây trồng vật nuôi có năng suất chất lượng đã được khảo nghiệm, ứng dụng, mở rộng. Nhiều khâu trong quy trình canh tác đã được cơ giới hoá như khâu làm đất, thu hoạch,... nhiều thiết bị hiện đại được ứng dụng như trong khai thác thuỷ sản (máy tầm ngư solar, đèn led, định vị, ..), công nghệ tưới tiên tiến, công nghệ thông tin (sử dụng chíp điện tử, tự động điều khiển), nhà lưới nhà màng, công nghệ sinh học (sản xuất giống bằng phương pháp ghép, vi ghép, nuôi cấy mô, chọn giới tính ở bò, cá rô phi, sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, và trồng trọt), giá thể thay thế đất, thuỷ... được doanh nghiệp và nông dân áp dụng.
Một số quy trình canh tác tiên tiến như SRI, VietGAP, GlobalGAP, canh tác theo phương thức nông nghiệp sinh thái đã được triển khai thử nghiệm... Doanh nghiệp và nông dân đã bắt đầu tham gia chuỗi, đã quan tâm đến tín hiệu thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đã hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung,..
Đặc biệt, 2 thương hiệu lớn là TH và Vinamilk được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Chính vì vậy, năng suất hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá, thu nhập và đời sống nông dân tăng lên. Đã xuất hiện khá nhiều tỷ phú nông dân trên địa bàn Nghệ An.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Nghệ An vẫn đang ở bước khởi đầu. Vấn đề áp dụng cơ giới hoá, công nghệ tiên tiến ở một số khâu quan trọng như bảo quản, sơ chế, chế biến đang còn yếu và thiếu; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn ít so với tiềm năng...
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Nghệ An trong thời gian tới, tôi đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần làm tốt khâu quy hoạch với sự đóng góp tư vấn của các chuyên gia, các Viện, Trường để xác định vùng ứng dụng nông nghiệp CNC, đối tượng sản xuất ứng dụng CNC phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện tại và tương lai. Trên cơ sở xác định vùng, đối tượng để có định hướng ứng dụng công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất phù hợp với giá trị, giá cả sản phẩm mà thị trường chấp nhận. Trong đó, cần ưu tiên một số đối tượng có giá trị kinh tế cao để áp dụng đồng bộ hơn, ví dụ: tôm, cây có múi, dược liệu, rau màu đặc sản, tảo, vi tảo, nấm, vi nấm,... Ưu tiên hơn vùng miền Tây Nghệ An trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.
Thứ hai, phát triển nông nghiệp CNC rất cần hình thành chuỗi sản xuất để tiến tới chuyên môn hoá các khâu sản xuất, kinh doanh. Trong đó, vai trò dẫn dắt chuỗi của doanh nghiệp nông nghiệp cực kỳ quan trọng. Do đó, cần có sự tích tụ ruộng đất để có cơ sở cho DN tham gia sản xuất, tiêu thụ, chế biến làm nòng cốt dẫn dắt chuỗi và nông dân là vệ tinh tham gia chuỗi dọc. Và tất nhiên rất cần có sự liên kết ngang của nông dân (hợp tác xã chuyên cây con) để đại diện nông dân hợp tác, hợp đồng với doanh nghiệp.
Trong các khâu của chuỗi, trước hết cần quan tâm ưu tiên ứng dụng CNC ở một số khâu: Sản xuất quản lý giống, thuốc BVTV, thú y an toàn sinh học, tưới tiêu, phân bón vi sinh hữu cơ, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hoá, sơ chế, bảo quản, quảng bá...
Thứ ba, cần thường xuyên phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt và dự báo thị trường sản phẩm để định hướng quy mô, cơ cấu sản xuất ở từng giai đoạn, từng năm theo hướng sản xuất theo hợp đồng, tránh tình trạng sản xuất theo phong trào. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thành phố lớn, và xuất khẩu, chú trọng cả thị trường khó tính và cả thị trường truyền thống như khu vực Nga, Đông Âu.
Thứ tư, đẩy mạnh chương trình sở hữu trí tuệ để xây dựng, quảng bá, khai thác phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực, đặc sản Nghệ An, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm ứng dụng CNC ở trong và ngoài nước. Mở rộng mô hình dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp ATVSTP và sản phẩm ứng dụng CNC.
Thứ năm, cần xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, tập huấn cho đội ngũ kỹ thuật, cán bộ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại theo cách gửi thực tập ở trong và ngoài nước về NNCNC. Cần sớm giao cho Viện, Trường hình thành trên địa bàn Trung tâm đào tạo nghề nông nghiệp CNC theo hướng đào tạo- thực hành.
Thứ sáu, đề nghị UBND tỉnh thu hút, tạo điều kiện hỗ trợ các Viện, Trường, các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp lớn đầu tư các Trung tâm, Trạm nghiên cứu ứng dụng NNCNC nhất là ở vùng Tây Nghệ An. Trong đó cần ưu tiên Trạm nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp CNC tại TX Thái Hoà của Sở Khoa học và Công nghệ, tiếp tục triển khai dự án Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại Nghĩa Đàn mà đã quy hoạch, Trung tâm thực nghiệm nông nghiệp của Trường Đại học Vinh, các Trung tâm R&D của Tập đoàn TH, NafoodGroup, Massan...
Thứ bảy, tiếp tục thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC. Tìm và giải quyết vấn đề tại sao doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, gói tín dụng hỗ trợ phát triển NNCNC?
Thứ tám, trong thời gian từ nay đến năm 2025, ưu tiên triển khai các đề tài, dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là hỗ trợ hình thành chuỗi sản xuất kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp- hợp tác xã - nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án ứng dụng CNC trong nông nghiệp theo hướng hợp tác PPP, có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Kết nối các kết quả nghiên cứu của các đề tài dự án với các chương trình khuyến nông, nông thôn mới,... để mở rộng vùng ứng dụng. Ngành nông nghiệp, UBND các huyện, các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, phát hiện vấn đề, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp một cách trọng tâm, trọng điểm, thiết yếu giúp Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp tham mưu UBND tỉnh kế hoạch thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ hàng năm.
Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học trong ứng dụng CNC trên cơ sở kết nối cung cầu công nghệ. Khuyến khích khởi nghiêp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nhiệp CNC.
Trần Quốc Thành
(Giám đốc Sở KH&CN)