(Baonghean.vn) - Nghệ An có đa dạng sinh học rất cao; đặc biệt vùng miền Tây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, tiềm tàng cho phát triển cây dược liệu.

Theo điều tra chưa đầy đủ, đến năm 2005, đã ghi nhận Nghệ An có 962 loài cây thuốc thuộc 365 chi, 183 họ. Điều đặc biệt là những cây thuốc quý hiếm ở trong nước đều được phát hiện ở Nghệ An như Sâm Puxailaleng (tương tự Sâm Ngọc linh), Sâm Vũ điệp, Sâm Tam thất, Đảng sâm, Lan Kim tuyến, Bảy lá một hoa, Hà thủ ô đỏ, Ba kích tím, Nấm Lim xanh, Linh chi đỏ, Nấm Ngọc cẩu,…

images2060571_images1899429_bna_59153936dfb90.jpgvùng miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ảnh tư liệu

Bộ Y tế đã xây dựng Quy hoạch phát triển dược liệu và công nghiệp dược Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến năm 2020 phải phát triển các cơ sở sản xuất để chiết xuất hoạt chất dược liệu nhằm đáp ứng được 30% nhu cầu sản xuất thuốc và chủ động được dược liệu trong nước.

 Ở Nghệ An, vấn đề phát triển dược liệu và công nghiệp dược cũng được các cấp các ngành quan tâm từ việc điều tra khảo sát cây thuốc, quy hoạch phát triển dược liệu, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bào chế thuốc đông dược (như Xuyên tâm liên, cao lá vằng, Trà Hoa vàng…), các mô hình trồng dược liệu,…

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, theo số liệu của Cục quản lý dược Bộ Y tế, Việt Nam đang phải nhập (kể cả không chính ngạch) tới 70-80% từ nước ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc (năm 2015 nhập khoảng 338 triệu USD, trong đó từ Trung quốc 198 triệu USD).

Hơn nữa, nhiều dược liệu quý của Việt Nam được xuất sang Trung quốc, rồi lại nhập dược liệu chất lượng kém trở về. Năm 2015, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương lấy 400 mẫu dược liệu phân tích thì có đến 60% chưa đạt chất lượng, thậm chí có tới 20% mẫu bị trộn tạp chất, ướp tẩm hoá chất độc hại.

Bên cạnh đó, cây thuốc trong thiên nhiên Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng đã và đang bị dân khai thác bán cho tư thương Trung Quốc đến mức tận diệt, nhiều loài thuốc quý nguy cơ bị biến mất. Trong khi đó, việc trồng dược liệu đang ở tình trạng manh nha và quy mô nhỏ hoặc quy mô thử nghiệm thông qua các dự án khoa học và công nghệ.

Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, trong đó diện tích đất lâm nghiệp gần 1 triệu ha, lại có đa dạng sinh học và tri thức bản địa vô cùng phong phú với Khu dự trử sinh quyển thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Có thể nói, Nghệ An có tiềm năng phát triển dược liệu và công nghiệp dược rất lớn. Đây là một lợi thế so sánh có sức cạnh tranh cao để phát triển.

Nhận thức được vấn đề này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 18 đã khẳng định phát triển dược liệu và công nghiệp dược là một hướng phát triển trọng điểm, nhất là trong việc khai thác tiềm năng của miền Tây của tỉnh trong thời gian tới.

Cà gai leo ở Con Cuông. Ảnh: Nhật Lân

Để thực hiện chiến lược phát triển dược liệu trên địa bàn Nghệ An chung và miền Tây Nghệ An nói riêng (đặc biệt là trong Khu dự trử sinh quyển), chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp và kiến nghị như sau:

- Đẩy nhanh lộ trình điều tra, đánh giá dạng sinh học, nhất là đối tượng dược liệu trên khu vực miền Tây, đồng thời sớm hoàn thành Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An.

- Sớm xây dựng Chương trình phát triển dược liệu và công nghiệp dược tỉnh Nghệ An từ nay đến 2025 và tầm nhìn 2030. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương các cấp trong quản lý, chính sách hỗ trợ phát triển (hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kết nối chuỗi, hỗ trợ xúc tiến thương mại, chính sách ưu tiên sử dụng dược liệu tại chỗ, chính sách thu hút đầu tư…).

Để từ đó làm cơ sở để các chủ rừng (kể cả Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, vùng rừng phòng hộ…) bảo tồn dược liệu kết hợp hướng dẫn nhân dân khai thác có kế hoạch và các huyện, các doanh nghiệp có kế hoạch phát triển (trồng và sơ chế), hình thành chuỗi liên kết.

Trong đó, ưu tiên phát triển các loài đã có trong tự nhiên của Nghệ An và địa bàn nào có thì phát triển ở địa bàn đó, hạn chế tối đa di chuyển ra khỏi vùng sinh thái để tránh rủi ro. Việc khai thác, sản xuất phải tuân thủ hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến.

Hình thành các Hợp tác xã, doanh nghiệp cộng đồng để kết nối ngang giữa các hộ dân trong lĩnh vực khai thác (trong tự nhiên), trồng dược liệu để hợp tác/kết nối dọc với các doanh nghiệp tiêu thụ và sản xuất, đồng thời là cơ sở để áp dụng các giải pháp kỹ thuật đòi hỏi của chuyên ngành dược.

Lãnh đạo huyện Quế Phong và bà con nông dân trao đổi về mô hình cây dược liệu ở xã Thông Thụ. Ảnh: Ngô Kiên

- Thực hiện Chương trình bảo tồn, khai thác và phát triển quỹ gen, đẩy mạnh khai thác phát triển, trong đó giai đoạn trước mắt ưu tiên nhóm dược liệu làm nền tảng để kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu (nghiên cứu phân tích hoạt chất, hoạt dược, kỹ thuật sản xuất giống, canh tác,… các đối tượng hiện có trên địa bàn Nghệ An). Trước mắt, tập trung vào một số đối tượng như: Sâm Puxailaleng, Sâm Tâm thất, Sâm Vũ điệp, Hà Thủ ô đỏ, Ba kích tím, Đảng sâm, Giảo cổ lam, Bảy lá một hoa, Nưa, Khoai mài, Thạch hộc Lan gỉ sắt,…

- Tập trung thu hút đầu tư nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp dược trong và ngoài nước đầu tư phát triển dược liệu và nhà máy chiết xuất hoạt chất và đông dược trên địa bàn tỉnh. Đây là một lĩnh vực mới, do vậy cần có sự hợp tác kết nối chặt chẽ giữa 5 Nhà: Nhà nước- Nhà Doanh nghiệp- Nhà Khoa học- Nhà nông và Nhà Băng, trong Nhà nước đóng vai trò cầu nối và hỗ trợ.

- Xây dựng mạng lưới điểm bảo tồn dược liệu ở 3 địa bàn vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển là Pù Mát, Pù Huống và Pù Hoạt kết hợp với du lịch nghiên cứu và du lịch sinh thái.

- Cần có cơ chế phù hợp để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng trên cơ sở người dân được hướng dẫn khai thác hợp lý và trồng dược liệu dưới tán rừng. Bởi người dân trong vùng dự trữ sinh quyển vừa là chủ thể quản lý, chủ thể được hưởng lợi từ rừng và là một mắt xích trong hệ sinh thái không thể tách rời.

- Cần hỗ trợ để bảo tồn và thương mại hoá các bài thuốc dân gian (trước mắt lựa chọn một số bài thuốc quý để hỗ trợ như nghiên cứu hoá thực vật, nghiên cứu tác dụng dược lý thực  nghiệm, lâm sàng, đánh giá độc tính,…) nhằm khuyến khích phát triển y học cổ truyền và bảo tồn tri thức bản địa các dân tộc trên địa bàn.

- Khuyến khích hình thành các đơn vị/tổ chức sản xuất giống dược liệu đảm bảo tiêu chuẩn nhằm cung cấp cho nhân dân và trồng khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh (Sở KH&CN đang xúc tiến xây dựng Trạm NCUD nông nghiệp CNC tại Thái Hoà và giống dược liệu là hướng ưu tiên).

- Cần triển khai cho nhân dân/doanh nghiệp áp dụng thực hành tiêu chuẩn GACP đối với vùng dược liệu (GAP- đối với trồng, GCP đối với khai thác, thu hái tự nhiên).

Nhiều loại dược liệu được bán tại HTX Sản xuất và Giới thiệu các mặt hàng tiêu biểu ở thị trấn Kim Sơn (Quế Phong). Ảnh: Nguyên Nguyên

- Đẩy mạnh và ưu tiên họạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khai thác phát triển dược liệu (từ khâu sản xuất giống, canh tác, sơ chế bảo quản dược liệu), chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra về chất lượng dược liệu trên địa bàn tỉnh.

- Đề nghị Tỉnh có cơ chế, chế tài chuyên biệt đối với nhóm cây dược liệu để quản lý vấn đề khai thác trong tự nhiên. Phải coi dược liệu là lâm sản đặc thù để hướng dẫn các chủ rừng, nhân dân khai thác có sự kiểm soát, có kế hoạch và cấp chứng nhận xuất xứ. Đồng thời cần có chế tài xử phạt đối với việc khai thác vận chuyển dược liệu không có chứng nhận xuất xứ trên địa bàn Nghệ An.

- Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có chính sách phát triển dược liệu và công nghiệp dược, có chính sách bảo hộ/ưu tiên dược liệu có xuất xứ trong nước (trừ những sản phẩm Việt Nam không có).

Phát triển dược liệu là một lợi thế cạnh tranh rất cao, là một tiềm năng rất lớn của Việt Nam nói chung và đặc biệt là Nghệ An nói riêng. Phát triển dược liệu ở Nghệ An nói chung, trong Khu dự trữ sinh quyển nói riêng cần triển khai cả hai hướng: Bảo tồn và khai thác có kế hoạch dược liệu trong tự nhiên, phát triển dược liệu dưới tán rừng và trồng tập trung một số đối tượng cho phép. Điều này vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân vừa khuyến khích nhân dân bảo vệ rừng, đồng thời tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Trần Quốc Thành

(Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ)

TIN LIÊN QUAN