(Baonghean) - Cuộc hội ngộ tràn ngập tiếng cười và cả những giọt nước mắt ấy diễn ra ở Khoa Sản - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vào sáng ngày 16/12 vừa qua.
8h sáng hôm đó, trong hành lang đông người của Khoa Sản bệnh viện xuất hiện một gia đình người Pháp - ông bà Isabelle Vincent Berne Ron cùng 3 cậu con trai, trong đó có một cậu con nuôi người Việt. Người phiên dịch đã phải rất vất vả mới có thể chuyển tải hết nỗi xúc động nghẹn ngào của gia đình khi đưa cậu con trai nhỏ bé của họ về thăm… nơi chôn rau cắt rốn và những người đã rộng vòng tay đón em, chăm sóc em những ngày tháng đầu đời.
Các bác sỹ, y tá của Khoa, sau phút ngơ ngác, đã chạy ùa ra nhận mặt đứa trẻ Khoa nhận nuôi năm nào… Và cứ thế, những ký ức, kỷ niệm xưa lần lượt trở về trong trí nhớ của những người thầy thuốc, những người đã có một thời gọi 5 đứa trẻ bị bỏ rơi là con, trong đó có cậu bé Xuân Lộc (khi sang Pháp được gọi là Xuân Lui).
Gia đình bé Xuân Lộc chụp ảnh kỷ niêm với các bác sỹ trong chuyến
về thăm Khoa Sản- BV HNĐK Nghệ An
Cách đây 7 năm, vào một đêm lạnh trời, bảo vệ Bệnh viện phát hiện một đứa trẻ còn đỏ hỏn được bỏ lại khu vực nhà xe. Các y, bác sỹ Khoa Sản nhận ra đó là đứa trẻ được sinh tại khoa 2 ngày trước. Người mẹ vượt cạn một mình, trong tờ khai có ghi quê ở Can Lộc (Hà Tĩnh), và cha của đứa bé quê Nghi Xuân (Nghi Lộc- Nghệ An). Xét nghiệm, đứa trẻ bị HIV. Đứa trẻ được đưa vào khoa để nuôi dưỡng cùng với 4 trẻ khác (trong đó có 2 trẻ nữa cũng bị HIV) bị bỏ rơi tại khoa Sản.
Lúc đó, bác sỹ Nguyễn Thị Ngân, phụ trách bộ phận dưỡng nhi cùng với các chị Phòng Sơ sinh quyết định đặt tên cho cậu bé là Xuân Lộc (với ý nghĩa ghép tên quê hương của bố mẹ cháu). Nhìn đứa trẻ tội nghiệp khát sữa hàng ngày, thèm hơi ấm người mẹ, căn cứ vào những thông tin mà người mẹ đã từng cung cấp lúc sinh con, các y, bác sỹ đã quyết định cử người đi tìm gia đình đứa bé.
2 y tá của Khoa là chị Hà, chị Thể đã lặn lội tìm về Nghi Xuân nhưng không tìm thấy ai phù hợp với thông tin đã có. Sau nhiều kiên nhẫn, 2 chị đã có manh mối về bố của bé là người ở Nghi Phong (Nghi Lộc). Vượt qua một quãng đồng mênh mông, lầy lội, 2 chị đã tìm đến một căn nhà lụp xụp. Trong căn nhà rách nát ấy, một ông lão đang run rẩy chăm sóc 2 đứa trẻ ốm yếu. Qua câu chuyện chắp nối, các chị được biết, bố mẹ của Xuân Lộc quen biết, chung sống khi cùng vào miền Nam làm thuê. Cả 2 cùng nhiễm HIV. Ông lão còn có một con trai (là anh của bố Xuân Lộc và là cha của 2 đứa trẻ đang ở với ông) cũng nhiễm H và cả 2 vợ chồng người anh này đã chết, để lại cho ông 2 đứa trẻ nhiễm bệnh. Vợ ông cũng đã mất. Bây giờ, ông là chốn nương tựa của 2 đứa trẻ yếu ốm này. Thấy hoàn cảnh ông lão quá thương tâm, 2 chị y tá đã gạt nước mắt ra về, không còn muốn đề đạt đến việc trút lên ông thêm một gánh nặng nữa.
Từ đó, bé Xuân Lộc đã là người con chính thức của Khoa Sản. Khi khát sữa, em được các“mẹ” bế đi xin sữa. Khi khóc vì thiếu hơi ấm mẹ, em có vòng tay của những người mẹ áo trắng. Chút trợ cấp của bệnh viện, sự giúp đỡ của những sản phụ và người nhà bệnh nhân cùng với rất nhiều tình thương của các y, bác sỹ nơi này đã nuôi lớn 5 đứa trẻ bị bỏ rơi ấy…
Sau này, các em được một cơ sở nuôi trẻ mồ côi của thành phố Hồ Chí Minh liên hệ nhận nuôi. Lúc ấy, Xuân Lộc đã được khoảng 7 tháng tuổi, đứa trẻ lớn nhất tên Hoa đã hơn 2 tuổi. Các em được xe của Bệnh viện chở tới “gia đình mới”. Đó là một ngày mà các y, bác sỹ ở Khoa Sản mãi nhớ. Lúc chiếc xe lăn bánh đưa theo 5 đứa con của Khoa, đã có rất nhiều nước mắt trông theo. Mỗi người có một cách riêng để bày tỏ (cả che giấu nữa) những trào dâng trong lòng. Là chị Duyên đứng thẫn thờ một góc hành lang, là chị Ngân ngồi lặng trong phòng, là chị Đức chạy mãi theo xe gọi “con ơi…”. Không nhớ thương sao được khi những đứa trẻ bé bỏng ấy đã là một góc quen thuộc của Khoa Sản, đã gắn bó máu thịt với mỗi người thầy thuốc và tên gọi của chúng hầu hết là tên gọi của các “mẹ” trong khoa.
Để rồi, trong ngày trở về của Xuân Lộc, câu chuyện cổ tích của đời em đã được ông bà Isabelle viết lên và kể lại rằng, đứa trẻ nhiễm H năm nào, với đôi mắt tròn ngơ ngác đã làm nên sự cảm mến của 2 người trong chuyến về Việt Nam với dự định nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi. Khi trở về căn nhà tại Les Guimets 38420 Revel, nước Pháp, ông bà đã có thêm một cậu con trai người Việt (khi này cậu bé được gần 2 tuổi). Cậu bé được chăm sóc, yêu thương, đi học và cho đến giờ vẫn không hề biết mình bị bệnh. Ông bà Isabelle rất tự hào về 3 người con của mình, trong đó có cậu út thông minh, hiếu động đang học lớp 2…
Với tình yêu thương con, lòng biết ơn mảnh đất, những con người đã sinh ra, nuôi dưỡng con mình, ông bà đã quyết định đưa Xuân Lộc về Nghệ An, lần theo những giấy tờ còn lưu lại tại cơ sở nuôi trẻ mồ côi năm xưa. Cuộc gặp gỡ tại Khoa Sản đã thỏa chút tâm nguyện của gia đình. Tại đây, ông bà đã được gặp những người đầu tiên cắt rốn, đi xin sữa cho con, những người đã ôm con ngủ những đêm trực dài, những người đã dẫn con đi công viên, mua đèn ông sao cho con một đêm rằm năm nào…
Và giữa họ, không còn nữa khoảng cách 2 đất nước, không còn nữa khoảng cách ngôn ngữ, phong tục…họ đều là những người đã ban tặng cuộc sống cho một con người, đều là gia đình thân thiết của đứa trẻ nhiễm H đang hạnh phúc rạng ngời viết lên bảng trực của Khoa Sản Bệnh viện sáng 16-12 cái tên Việt- Pháp của mình: Xuân Lui.