(Baonghean.vn) - Cử tri thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu), xã Thanh Yên (Thanh Chương) đề nghị tỉnh xem xét không cấp phép khai thác cát trên đoạn Sông Hiếu (qua địa bàn Quỳ Châu) và Sông Lam (qua địa bàn Thanh Chương).

Vấn đề này ngành chức năng trả lời như sau:

Việc khai thác cát sỏi xây dựng đã diễn ra từ nhiều năm trước đây do người dân tự phát khai thác cát, sỏi phục vụ cho các hoạt động xây dựng. Hiện nay, với tốc độ xây dựng lớn đang diễn ra, hoạt động khai thác cát sỏi có quy mô ngày càng lớn hơn, vì vậy việc khai thác cát, sỏi trái phép (không theo quy hoạch) sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sạt lở đất và thất thoát tài nguyên khoáng sản. Việc quy hoạch khoáng sản và cấp phép hoạt động khai thác cát sỏi là cần thiết phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời có giải pháp để bảo vệ môi trường, phòng tránh sạt lở đất đai và thu ngân sách cho địa phương.

images1809553__at_san_xuat_cua_nguoi_dan_bi_sat_lo.jpgĐất sản xuất của người dân bị sạt lở do khai thác cát sỏi. Ảnh tư liệu

Về nguyên tắc cấp phép:

- Khu vực có khoáng sản được đề nghị đưa vào quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Khu vực đưa vào quy hoạch phải có khoáng sản, quá trình đưa vào quy hoạch; không bổ sung quy hoạch khoáng sản tại các khu vực có nguy cơ xảy ra xói mòn, sạt lở đất, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

- Khu vực được cấp phép thăm dò khoáng sản phải thuộc Quy hoạch khoáng sản.

- Khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng, được các ngành cấp tỉnh, địa phương thẩm định, cho ý kiến về các vấn đề về thiết kế khai thác mỏ, đánh giá tác động môi trường; các mỏ có biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, không để ảnh hưởng đến đất đai canh tác mới được xem xét, cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Như vậy, quy trình cấp phép hoạt động khoáng sản đảm bảo đúng theo các quy định pháp luật hiện hành, có sự tham gia góp ý của chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) và các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan.

Liên quan đến ý kiến của cử tri thị trấn Tân Lạc:

Theo Quyết định số 51/2015/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 về việc ban hành quy định quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì trên địa bàn huyện Quỳ Châu có 5 điểm cát sỏi nằm trong quy hoạch.

Hiện nay trên địa bàn huyện Quỳ Châu chưa được các cơ quan chức năng cấp Giấy phép khai thác cát, sỏi cho Doanh nghiệp nào. Hiện chỉ có 01 Hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác cát sỏi (Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh) đang nộp ở Sở Tài nguyên và Môi trường. 

Kết quả rà soát Hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác của Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh cho thấy: 

- Ngày 05/7/2016, UBND thị trấn Tân Lạc đã tổ chức hội nghị dân cư để cho ý kiến về việc Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh xin cấp phép khai thác mỏ cát xây dựng tại bãi bồi sông Hiếu, thị trấn Tân Lạc. Kết quả có 6 hộ dân xung quanh khu vực mỏ cho ý kiến chấp thuận, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép khai thác cho Doanh nghiệp tại khu vực mỏ nêu trên. Đồng thời ngày 29/7/2016, UBND thị trấn Tân Lạc đã có Công văn số 80/UBND tổng hợp ý kiến dân cư trong khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ, đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác cho Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh.

Khai thác cát sỏi dưới chân cầu Hiếu. Ảnh tư liệu minh họa

- Ngày 02/8/2016, UBND huyện Quỳ Châu có Công văn số 504/UBND-TNMT về việc đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và các Sở, Ngành liên quan xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh để Doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện dự án. Đồng thời đã có Công văn số 702/UBND - TNMT ngày 07/10/2016 về việc trả lời kiến nghị cử tri đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm cấp phép khai thác cát, sỏi cho Doanh nghiệp vì: Huyện Quỳ Châu xét thấy ý kiến của cử tri có thể chỉ một số ít; xét về sự cần thiết để phát triển kinh - xã hội, phù hợp với quy hoạch khoáng sản thì việc cấp phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn sẽ góp phần quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản theo quy định, tránh tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, tăng thu ngân sách cho địa phương. Vì vậy, việc cấp giấy phép khai thác cát sỏi cho các Doanh nghiệp trên địa bàn huyện là cần thiết. 

 Liên quan đến đề nghị của Cử tri xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương:

Trên địa bàn xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác số 3286/GP-UBND ngày 31/7/2015 cho Công ty TNHH Cát sỏi cầu Rộ Thanh Chương; khu vực được cấp phép thuộc quy hoạch khoáng sản.

- Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực địa, rà soát khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, tổng hợp ý kiến của Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 908/SGTVT-QLHTGT ngày 23/5/2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1458/SNN-KHTC ngày 25/6/2013, cho thấy: khu vực xin thăm dò, khai thác cát xây dựng nêu trên không có di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; không ảnh hưởng đến công trình đê điều, thủy lợi, đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Khai thác cát sỏi ở Thanh Chương. Ảnh tư liệu

- UBND huyện Thanh Chương có Công văn số 2922/UBND-TNMT ngày 29/11/2013, UBND xã Võ Liệt có Công văn số 47/UBND-TN  ngày 29/11/2013, UBND xã Thanh Yên có Công văn số 94/UBND-TN  ngày 29/11/2013, UBND xã Thanh Lương có Công văn số 42/UBND-TN  ngày 29/11/2013 thống nhất khu vực xin thăm dò, khai thác cát xây dựng của cho Công ty TNHH Cát sỏi cầu Rộ Thanh Chương.

Như vậy, việc lập Hồ sơ khai thác khoáng sản được quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật khoáng sản năm 2010 và khoản 1 Điều  31 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012, đồng thời đã xin đầy đủ ý kiến của các sở, ngành và chính quyền địa phương.

Gia Huy

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN