Chi phối kinh tế
Sau khi tuyên bố cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 lò mổ của Australia, Trung Quốc tiếp tục áp hơn 80% thuế vào mặt hàng lúa mạch nhập khẩu của nước này và tương lai có thể còn nhắm đến một số mặt hàng khác. Các nguồn tin giấu tên cho biết, giới chức Trung Quốc đã soạn danh sách các mặt hàng tiềm năng có thể trở thành mục tiêu để Bắc Kinh thực thi các biện pháp như kiểm tra chất lượng chặt chẽ hơn, điều tra hoặc áp thuế chống bán phá giá, bổ sung thêm các bước hoặc trì hoãn thủ tục thông quan, thậm chí sử dụng truyền thông nhà nước để kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay. Giới quan sát Australia dự đoán, các mặt hàng như len, rượu vang, hoa quả hay sữa sẽ là những mặt hàng tiếp theo có thể gặp khó khăn khi xuất sang thị trường Trung Quốc.
Như vậy, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Australia chính thức bước vào giai đoạn thách thức, mặc dù Canberra khẳng định sẽ không để căng thẳng biến thành một cuộc chiến thuế quan. Đây là một diễn biến bất thường trong mối quan hệ thương mại giữa 2 nước trong hơn 1 thập kỷ qua.
Xét về quan hệ chính trị, Australia và Trung Quốc ở trạng thái “băng giá” trong những năm qua khi xung đột về chiến lược ngày càng gia tăng. Không những xuất hiện hàng loạt mâu thuẫn song phương, là một đồng minh thân thiết của Mỹ, Australia cũng luôn đứng về phía Washington trong nhiều vấn đề để chống lại Bắc Kinh.
Song điều thú vị là trong bối cảnh như vậy quan hệ thương mại song phương vẫn phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều lên tới hơn 230 tỷ AUD mỗi năm. Sâu xa mà nói, Trung Quốc rất cần nguồn nguyên liệu có chất lượng cao nhưng có giá cạnh tranh mà Australia có thể cung cấp. Ngược lại, Australia cũng hưởng lợi từ việc xuất sang thị trường đông dân nhất thế giới này hàng loạt mặt hàng từ công nghệ cho đến nông sản.
Những lợi ích qua lại đó khiến người ta nhìn nhận Australia và Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế thực chất, không bị chi phối bởi những căng thẳng chính trị. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xuất hiện với nhiều vấn đề nảy sinh, bắt đầu tấn công vào “lãnh địa yên ả” nhất trong mối quan hệ Canberra và Bắc Kinh.
Mặc dù giới chức Australia đến nay vẫn bác bỏ khả năng Trung Quốc đang trả đũa vì Australia kêu gọi cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19, nhưng giới quan sát độc lập có vẻ nghiêng về khả năng này. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Australia Alexander Downer cũng nói rằng, dường như Trung Quốc đang cố gắng trừng phạt Australia liên quan đến lời kêu gọi cuộc điều tra độc lập về Covid-19.
Căng thẳng thương mại thời điểm này cũng khiến cho nhiều người Australia nhận ra rằng, sẽ quá rủi ro nếu có mối quan hệ gắn chặt với nền kinh tế Trung Quốc và đặt ra bài toán làm sao để giảm sự phụ thuộc vào thị trường lớn nhất thế giới này.
Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison hiện đã bắt đầu những động thái tìm kiếm thị trường mới bên ngoài Trung Quốc. Ấn Độ là một trong những thị trường thay thế lý tưởng. Theo kế hoạch, tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Australia có chuyến thăm New Delhi nhưng dịch Covid-19 cản trở dự định này. Hiện 2 nước đang cố gắng đàm phán để ký kết thỏa thuận quốc phòng và các dự án công nghệ quân sự. Giáo dục và nông nghiệp là 2 lĩnh vực Australia muốn thúc đẩy tại thị trường quốc gia Nam Á. Bối cảnh hiện nay có thể là động lực để Canberra gia tăng tìm kiếm thị trường mới.
Mũi tên trúng nhiều đích
Nhận định của các chuyên gia về căng thẳng thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và Australia có yếu tố chính trị hoàn toàn có thể lý giải được. Nếu chú ý đến thời điểm Trung Quốc đưa ra biện pháp áp thuế lên lúa mạch nhập khẩu của Australia có thể thấy, dường như không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cách đây 1 năm rưỡi, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tiến hành điều tra và kết luận rằng Australia đã bán phá giá và gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp nội địa của nước này. Tuy nhiên, đến thời điểm này Trung Quốc mới áp đặt thuế vào sản phẩm lúa mạch cho thấy Bắc Kinh muốn gửi thông điệp cứng rắn tới Canberra, đồng thời ám chỉ rằng các biện pháp mạnh mẽ hơn có thể được thực hiện trong tương lai.
Một nguồn tin của hãng Bloomberg thậm chí cho rằng, quyết định cuối cùng của Bắc Kinh về những hành động tiếp theo vẫn chưa được đưa ra và bất kỳ biện pháp nào được Trung Quốc triển khai cũng sẽ phụ thuộc vào cách Australia phản ứng với việc Bắc Kinh phản đối cuộc điều tra về Covid-19. Còn nhớ, khi căng thẳng giữa 2 nước leo thang, giới chức Trung Quốc dọa sẽ tẩy chay hàng hóa nhập khẩu từ Australia. Sau đó, Bắc Kinh tuyên bố dừng nhập khẩu thịt từ 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của Australia vì lý do “kỹ thuật”.
Việc Trung Quốc áp thuế vào các mặt hàng nông sản Australia sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp của “xứ sở kangaroo”. Trung Quốc đã nhập khẩu 2,5 triệu tấn lúa mạch từ Australia trong năm ngoái, giảm so với mức đỉnh 5,9 triệu tấn trong giai đoạn 2016 - 2017, nhưng vẫn là con số rất đáng kể. Các dữ liệu cho thấy, Trung Quốc chiếm hơn một nửa sản lượng xuất khẩu lúa mạch của Australia trong năm 2019. Với mức thuế hơn 80% mà Bắc Kinh vừa áp đặt vào lúa mạch, Australia dự kiến sẽ mất đến 500 triệu USD.
Giới quan sát cho rằng, những động thái mới đây trong thương mại, ngoài việc “nắn gân” Australia, Trung Quốc cũng muốn gửi thông điệp đến các đồng minh khác của Mỹ. Tổng thống Donald Trump là nhà lãnh đạo tiên phong trong việc kêu gọi điều tra Trung Quốc về nguồn gốc dịch Covid-19. Theo sau là các đồng minh của Mỹ, trong đó có Australia. Trung Quốc phản ứng rất quyết liệt vì cần hiệu ứng đồng thời của việc vừa cảnh báo Australia, vừa răn đe các quốc gia khác.