Anh Nguyễn Công Thực - cán bộ nông vụ, phụ trách vùng nguyên liệu mía trên địa bàn 4 xã: Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp, Nghĩa Dũng, Nghĩa Bình cho biết: Hàng ngày, anh đăng ký lịch làm việc với công ty qua máy tính bảng. Theo đó, anh có nhiệm vụ kiểm tra từng ruộng mía trên vùng nguyên liệu. Nếu phát hiện ruộng mía nào nhiễm sâu bệnh, hoặc phát triển kém, nhiều cỏ… thì bật máy tính bảng để xác định ruộng mía của gia đình nào, sau đó gửi tin nhắn về theo số điện thoại của chủ hộ đã đăng ký.
Qua đó, chủ hộ nắm được thông tin, thực hiện cách phòng trừ sâu bệnh, hoặc chăm sóc mía theo khuyến cáo của cán bộ nông vụ một cách nhanh nhất. “Trước đây, cán bộ nông vụ phải đánh đường đến từng hộ để thông báo, mất nhiều thời gian và vất vả, thì nay chỉ cần chiếc máy tính bảng, chỉ sau ít giây, chủ hộ trồng mía đã biết được thông tin. Vì vậy, vùng nguyên liệu mía được phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc mía kịp thời” - anh Nguyễn Công Thực chia sẻ sự tiện lợi khi công ty ứng dụng công nghệ Internet trong sản xuất vùng nguyên liệu.
Ông Nguyễn Hữu Long - chủ hộ trồng mía ở xóm 10, xã Nghĩa Đồng cho hay: Từ khi gia đình đăng ký số điện thoại với cán bộ nông vụ để áp dụng công nghệ thông tin vào đồng ruộng, gia đình ít phải ra ra đồng kiểm tra ruộng mía. Toàn bộ 8 ha mía nguyên liệu được chia thành nhiều thửa, hàng năm chăm sóc theo khuyến cáo của cán bộ nông vụ, thông qua hệ thống tin nhắn SMS trên chiếc điện thoại di động của cá nhân.
Ngày nào ông cũng kiểm tra tin nhắn 1 - 2 lần, nếu có tin nhắn của cán bộ nông vụ báo về, ông mở ra xem ngay. Trường hợp ruộng mía của gia đình bị nhiễm sâu bệnh gì thì xử lý theo khuyến cáo của cán bộ nông vụ. Hoặc ruộng mía nào có nhiều cỏ, cây mía phát triển kém, thì gia đình tập trung đẩy mạnh chăm sóc. Nhờ đó, gia đình đỡ vất vả hơn trước đây phải thường xuyên ra đồng kiểm tra, tìm cán bộ nông vụ để hỏi giải pháp phòng trừ sâu bệnh. Kể cả đến vụ thu hoạch, cán bộ nông vụ cũng thông báo lịch thu hoạch mía cho gia đình, không còn phải chờ phiếu đăng ký bằng giấy như trước.
Ông Nguyễn Văn Đức - chủ hộ trồng mía ở xóm 2, xã Nghĩa Hợp cho rằng, việc kết nối Internet trên điện thoại giữa cán bộ nông vụ với chủ hộ trồng mía làm cho người dân yên tâm hơn đối với ruộng mía của mình. Bởi hàng ngày đã có cán bộ nông vụ kiểm tra thực tế, khi ruộng mía có vấn đề gì cần quan tâm là cán bộ nông vụ nhắn tin về cho gia đình ngay. Vì vậy, trong quá trình cây mía phát triển, hộ trồng mía yên tâm đi làm công việc khác, mà không lo lắng như trước.