Vụ sạt lở đất xảy ra tối 28/10 trên địa bàn huyện Nam Trà My, tại hai thôn là thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân.
Tại thôn 1 xã Trà Leng sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người may mắn thoát nạn. Còn tại thôn 1 xã Trà Vân, 8 người bị vùi lấp.
Theo báo Quảng Nam, thông tin mới nhất lúc 23h cùng ngày là đã tìm thấy 7 thi thể.
Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương tại Bắc Trà My do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ huy được thành lập.
Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5 đêm 28/10 tại trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao nhiệm vụ cho từng cá nhân tham gia chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Quảng Nam.
“Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, đã vùi lấp nhiều người”, Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, dù lường trước được sạt lở đất do mưa lũ kéo dài ở vùng núi, những sự cố này rõ ràng vẫn rất khó đoán định. Bão vào, chúng ta chủ động ứng phó được nhưng sạt lở đất thì rất khó khăn, không chỉ Quảng Nam mà các địa phương khác đều như vậy.
“Đường đi vào để tìm kiếm cứu nạn rất khó khăn, phải tập trung lực lượng, thiết bị, chỉ huy hậu cần với phương châm ‘bốn tại chỗ’ để thực hiện nhiệm vụ này”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo đối với lãnh đạo địa phương và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Phó thủ tướng cho biết bão số 9 đã qua, hoàn lưu bão gây ra mưa lũ, nước dâng cao ở nhiều sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Riêng Quảng Nam cần tập trung ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của tỉnh, của các lực lượng trên địa bàn. Ông yêu cầu tiếp tục rà soát các vị trí nguy hiểm để sơ tán dân.
“Khó nhưng cũng phải làm”, Phó thủ tướng quán triệt.
Khuya cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký công điện về việc cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp.
đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên từ sáng 28/10, với sức gió mạnh nhất cấp 12 (133 km/h). Bão gây mưa lớn, gió giật khiến hàng loạt cây xanh ngã đổ, hàng trăm nhà cửa, công trình bị tốc mái... Tại Quảng Nam, từ 9h ngày 28/10, gió mạnh cấp 8-10; tổng lượng mưa bình quân từ 150 đến 300 mm. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo lũ đặc biệt lớn ở ven sông Lưu Gia – Thu Bồn, nâng cảnh báo lên cấp 4, dự báo trên mức lũ lịch sử 0,4 m.