Chống hạn và sâu bệnh cho mía
Xã Đồng Văn (Tân Kỳ) là địa phương hàng năm chịu nhiều thiệt hại do nắng nóng, trong đó có cây mía nguyên liệu. Là xã vùng sâu, vùng xa, nguồn nước phục vụ sản xuất khan hiếm, nhất là vào mùa nắng nóng, nên nhiều diện mía không thể tránh khỏi khô héo, thậm chí chết khô.
Anh Lê Văn Quý - cán bộ nông vụ Công ty CP Mía đường Sông Con, phụ trách địa bàn cho biết: Trên địa bàn xã Đồng Văn duy trì 250 ha mía nguyên liệu. Nắng nóng gay gắt, khiến hầu hết diện tích mía bị khô hạn, héo quắt. Nhiệm vụ của cán bộ nông vụ hiện nay, ngoài hướng dẫn bà con theo dõi, kiểm tra sâu bệnh, còn vận động bà con chuẩn bị nguồn phân bón để bón thúc đợt 2 cho mía khi trời có mưa.

Dù trời nắng nóng nhưng mỗi cán bộ nông vụ cũng phải bám ruộng thường ngày để nắm bắt tình hình phát triển của cây mía và các loại sâu bệnh hại mía. Khi thời tiết có mưa mát, khuyến cáo bà con bóc lá mía già để cây mía phát triển chiều cao, hạn chế sâu bệnh, rầy lưng trắng; đồng thời bón thúc phân, làm cỏ vun gốc. Trước mắt, trên cây mía không có sâu bệnh gì đáng lo ngại, chỉ có một số ít diện tích bị nhiễm rệp tỷ lệ thấp, bà con đã kịp thời xử lý.

Anh Lê Văn Quý - cán bộ nông vụ Công ty CP Mía đường Sông Con

bna_mia9412992_2072020.jpgBà con nông dân xã Giai Xuân (Tân Kỳ) chăm sóc mía nguyên liệu. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong suốt nhiều tháng qua, nắng nóng gay gắt khiến cho không ít nông dân Tân Kỳ lo lắng cho cây mía bị hạn. Canh tác gần 21 ha mía nguyên liệu, ông Nguyễn Văn Tuất - nông dân xóm Mai Tân, xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) cho biết: Qua nhiều năm sống với nghề trồng mía, mặc dù trồng với diện tích lớn, nhưng năm nào mía của ông cũng đạt năng suất bình quân 90 tấn/ha.

Nhận thấy thời gian gần đây nắng nóng, để phòng ngừa sâu bệnh phát sinh nên ông Tuất thường xuyên thăm đồng, chú ý quan sát bẹ lá của cây mía. Đồng thời để ứng phó với thời tiết như hiện nay, ông Tuất cũng tiến hành giữ ẩm cho cây mía bằng cách tận dụng mọi nguồn nước ao, hồ, mương máng tưới thường xuyên, cung ứng lượng nước đầy đủ để mía phát triển.
Ông Tuất cho biết: “Hàng ngày, mỗi buổi sáng tôi đều ra thăm cánh đồng mía, nếu phát hiện sâu bệnh sẽ phòng trừ ngay. Lúc này phải chăm sóc kỹ, nếu để mía bị khô héo, cùng với sâu bệnh sẽ giảm năng suất. Khi có mưa xuống, lập tức cày xả gốc, bón thúc phân, vun cao luống, nhằm giữ độ ẩm, giúp cây có bộ rễ tốt để phát triển, hạn chế cây mía bị đổ khi có gió lớn”.
Rệp lưng trắng là đối tượng sâu bệnh cần quan tâm đối với người trồng mía trong thời điểm này. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Bá Quý - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Sông Con, cho biết: “Thời điểm này mía nguyên liệu đang giai đoạn phát triển, người trồng mía cần quan tâm kiểm tra sâu bệnh, đặc biệt là rệp. Trong thời gian tháng 4, 5, xuất hiện khá nhiều diện tích mía nhiễm rệp bông trắng, cán bộ nông vụ đã chủ động phòng trừ, cùng với nắng nóng, nên rệp đã giảm, tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ lây lan khi thời tiết thay đổi. Trong điều kiện nắng nóng khốc liệt như hiện nay, người trồng mía tận dụng mọi nguồn nước có thể để tưới cho mía, đồng thời bón thúc phân đợt 2 cho mía phát triển mạnh khi thời tiết có mưa. Theo lịch định kỳ, đội ngũ cán bộ nông vụ đều tổ chức thăm đồng cùng nông dân để sớm phát hiện những dịch bệnh trên mía và có cách phòng trừ hợp lý”. 

Theo ông Quý, thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mía. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể từ các địa phương, nhưng vùng nguyên liệu mía của công ty có khoảng 1.000 ha bị khô héo. Đây là những diện tích mía trồng trên vùng đất cao, độ ẩm thấp.

Bảo dưỡng dây chuyền, phương tiện
Cùng với tích cực chăm sóc mía của bà con nông dân, các chủ phương tiện vận chuyển mía tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô, chuẩn bị cho mùa thu hoạch mía sắp tới. Hiện nay, Công ty CP Mía đường Sông Con hợp đồng 180 chiếc xe ô tô vận tải để vận chuyển mía nguyên liệu từ ruộng về nhà máy, do vậy, việc sửa chữa xe ô tô đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển là rất cần thiết.
Trồng mía bằng máy trên địa bàn huyện Tân Kỳ được Công ty cổ phần Mía đường Sông Con áp dụng trong nhiều năm qua trên những vùng đất đã được chuyển đổi. Ảnh tư liệu

Anh Mạnh - một chủ xe ô tô trên địa bàn xã Tân An, chuyên nhận hợp đồng vận chuyển mía cho công ty cho hay: Vào mùa thu hoạch mía, hàng ngày xe phải vận chuyển hết công suất, trọng lượng, nên vào thời điểm nghỉ ngơi chưa vào vụ thu hoạch, mình phải kiểm tra toàn bộ xe, những bộ phận nào cần thay thế thì đầu tư, những bộ phận có sửa chữa được thì cố gắng khắc phục, khi mùa vụ đến là hoạt động an toàn, suôn sẻ. “Năm nào cũng vậy, sau mỗi mùa thu hoạch mía là phải đầu tư sửa chữa xe một cách tốt nhất. Vì vậy, đây là thời gian quan trọng đối với các chủ phương tiện” - anh Mạnh cho hay.

Dịp này, Công ty CP Mía đường Sông Con tập trung đội ngũ kỹ thuật, duy tu, bảo dưỡng thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất, nhằm ổn định công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh đường trên thị trường. “Để cạnh tranh sản phẩm trên thị trường thì chất lượng đường rất quan trọng, do vậy, công ty tập trung sâu vào dây chuyền sản xuất một cách tốt nhất” - ông Nguyễn Bá Quý - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Sông Con nhấn mạnh. 
Một vụ mía có thời gian đầu tư 9 - 10 tháng, thậm chí lên đến 12 tháng, tất cả vốn liếng người dân đều đặt vào loại cây trồng này. Chính vì thế, chủ động trong sản xuất, hạn chế được sâu bệnh tấn công sẽ góp phần giúp nông dân trồng mía gặt hái được những thắng lợi trong canh tác.