Giải quyết tốt việc làm, đảm bảo an sinh xã hội
Kể từ ngày 12/9/2010 khi cây cao su đầu tiên được trồng tại lễ ra quân trên đất xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, cho đến nay không chỉ Thanh Chương, Anh Sơn mà trên những vùng đồi bạt ngàn của huyện Quế Phong cây cao su đã bén duyên và phát triển ngày càng phồn thịnh.
Kể từ ngày 12/9/2010 khi cây cao su đầu tiên được trồng tại lễ ra quân trên đất xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, cho đến nay không chỉ Thanh Chương, Anh Sơn mà trên những vùng đồi bạt ngàn của huyện Quế Phong cây cao su đã bén duyên và phát triển ngày càng phồn thịnh.
Vượt bao khó khăn, đối diện với thời tiết khắc nghiệt, gió lốc, nắng nóng, bão giông, những vườn cây cao su của Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An đã kiên cường vươn lên xanh tốt, mật độ sinh trưởng phát triển cao, sản lượng mủ qua khai thác thí điểm vào cuối năm 2018 đã đạt ngưỡng 650 kg/ha điều đó đã chứng tỏ cây cao su đủ điều kiện để phát triển trên vùng đất phía Tây này.
Đến nay sau hơn 8 năm, Công ty đã phát triển diện tích cây cao su với hơn 4.363,52 ha, trong đó cao su kiến thiết cơ bản (KTCB) đúng tuổi là 4.238,84 ha và cao su kéo dài là 27,52 ha.
Quế Phong là một huyện miền núi cao nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước, địa hình dốc, việc phát triển cây cao su ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, bằng những nỗ lực và giải pháp hợp lý, tại Nông trường cao su Quế Phong đầu năm 2019 đã có 10 ha cao su bắt đầu được đưa vào khai thác (sớm hơn 2 năm so với dự kiến); đến đầu năm 2020 sẽ tiếp tục mở rộng khai thác trên diện tích khoảng 100 ha - 120 ha.
Ông Nguyễn Văn Linh - Giám đốc Nông trường cho biết: Đến nay, tổng diện tích vườn cây 891,74 ha nằm trên địa bàn 4 xã Tiền Phong, Hạnh Dịch, Quế Sơn và Mường Nọc đều phát triển rất tốt. Nông trường có 70 công nhân thì trong đó 62 người là dân tộc thiểu số tại địa bàn với mức thu nhập ổn định. Nhiều hộ nhận chăm sóc cao su còn trồng xen các loại cây sả, nghệ, chăn nuôi tăng thêm thu nhập, như hộ anh Vi Văn Hải (Đội 5), nhận chăm sóc 30 ha cao su, còn nuôi thêm gần 30 con bò, trồng xen canh các loại cây trồng khác; hay hộ anh Sầm Văn Sáu (Đội 3), nhận chăm sóc 10 ha cao su, chăn nuôi hàng chục con trâu bò, trồng sả xen tăng thêm thu nhập...
Địa bàn phân bổ trên 3 huyện đều là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, cơ sở hạ tầng hầu như chưa được đầu tư, trong khi đó, do biến động của thị trường tiêu thụ cao su thế giới, liên tục các năm qua giá bán mủ cao su giảm mạnh nên kéo theo suất đầu tư phải giảm theo, trong khi giá cả vật tư, hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao; Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn; thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất, làm tăng chi phí đầu tư ở một số khâu.
Thế nhưng, Công ty đã có nhiều chủ trương, chính sách sát, đúng với thực tế, áp dụng linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, công tác dân vận luôn được quan tâm xử lý thấu đáo, thường xuyên chủ động việc tổ chức giải phóng mặt bằng để có diện tích đất triển khai sản xuất, hoàn thành kế hoạch trồng mới cao su hàng năm. Cùng đó, chăm lo cho đời sống người lao động ngày càng ổn định, hoàn thành chỉ tiêu nộp thuế nhà nước, BHXH – BHYT - BHTN cho công nhân lao động được đóng nộp đầy đủ.
“Dự án triển khai tới đâu, tiếp nhận con em người địa phương vào làm công nhân đến đó. Đến nay, tổng số CB, CNVLĐ chính thức của Công ty là 327 người, đảm bảo diện tích giao khoán chăm sóc vườn cây cao su kiến thiết cơ bản bình quân 11,44 ha/công nhân, để công nhân có việc làm thường xuyên đạt 270 - 280 ngày công/năm. Ngoài ra, có hàng ngàn lao động thời vụ tham gia trồng và chăm sóc cao su. 100% CB, CNVLĐ được đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHLĐ và các chế độ chính sách đầy đủ. Mức thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng đối với CNLĐ chăm sóc cao su KTCB và 4,5 triệu đồng/người/tháng đối với CNLĐ khai thác”.
Quá trình phát triển, Công ty cơ cấu các bộ giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa bàn; tổ chức trồng mới, chăm sóc vườn cây cao su KTCB đảm bảo quy trình kỹ thuật, nhờ đó chất lượng vườn cây sinh trưởng phát triển tốt.
Tại cuộc làm việc, kiểm tra vào tháng 2 năm nay, ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá cao và khẳng định dự án cao su tại Nghệ An có tốc độ phát triển nhanh, vườn cây KTCB được đầu tư trồng, chăm sóc đảm bảo quy trình, tốc độ sinh trưởng và phát triển, thuộc “tốp đầu” trong tất cả vườn cây của các công ty thuộc vùng duyên hải miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 2018, công ty được Tập đoàn giao khai thác 97,16 ha, bình quân năng suất mủ vườn cây năm 1 đã đạt 600 kg đến 700 kg/ha/năm và phấn đấu cao su khai thác năm 2 sẽ đạt được 900 kg/ha/năm.
Đến nay, công ty đã xây dựng mới được hơn 312 km đường giao thông nội bộ phục vụ sản xuất và 11,5 km đường trục chính tiêu chuẩn cấp VI miền núi tại địa bàn các huyện dự án. Hệ thống đường sản xuất của Công ty được đấu nối với hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn của các xã phục vụ thuận lợi cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương; hỗ trợ đào giếng nước sạch cho cộng đồng thôn, bản vùng triển khai trồng cao su và hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong…
Tiến tới xây dựng dây chuyền chế biến hiện đại
Hiện Công ty CP ĐTPT Cao su Nghệ An đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, phấn đấu thu nhập bình quân người lao động tăng hàng năm từ 5-10%. Đồng thời tích cực chỉ đạo việc chăm sóc, bảo vệ tốt 4.363,52 ha cao su hiện có, từng bước nâng cao chất lượng vườn cây; đầu tư hợp lý vườn cây cao su KTCB đảm bảo quy trình kỹ thuật, sớm đưa vào khai thác.
Ông Phạm Trung Thái - Chủ tịch HĐQT công ty, người đã gắn bó từ những ngày đầu tiên đưa cây cao su vào với địa bàn Nghệ An, chia sẻ: Năm 2019, chúng tôi tiếp tục phấn đấu xây dựng Công ty theo hướng phát triển bền vững, ổn định, có thu nhập tốt hơn cho người lao động, đảm bảo nghĩa vụ đối với Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.
Mục tiêu cụ thể là chăm sóc tốt hơn 4.119 ha cao su KTCB; năm 2019, diện tích khai thác là 245 ha, năng suất 7- 8 tạ/ha; Năm 2020 diện tích khai thác từ 800-900 ha. “Hiện chúng tôi đang tiếp tục triển khai ký hợp đồng với một đơn vị có đủ điều kiện để gia công chế biến sản phẩm khi Công ty chưa xây dựng nhà máy. Đồng thời, gấp rút xây dựng phương án về địa điểm dự kiến đặt nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường; đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật phục vụ công tác chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu”, ông Phạm Trung Thái cho hay.