Trả lời phỏng vấn hãng tin South China Morning Post, ông Mahathir cho rằng: "Tôi nghĩ không nên có quá nhiều tàu chiến. Tàu chiến tạo ra căng thẳng. Một ngày nào đó, một quốc gia có thể phạm sai lầm và dẫn đến xung đột, một số tàu sẽ bị đắm và chiến tranh có thể bùng nổ. Chúng tôi không muốn điều đó".
Ông Mahathir cho biết, cách duy nhất để duy trì hòa bình tại Biển Đông là sử dụng những tàu nhỏ, trang bị vũ khí chỉ để chống cướp biển chứ không phải tiến hành chiến tranh, để tuần tra vùng biển này.
Khi được hỏi về thành phần tham gia hoạt động tuần tra chung, Mahathir cho rằng các thành viên của ASEAN là "sự lựa chọn tự nhiên" vì các nước này nằm quanh Biển Đông. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Malaysia, cả Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ được chào đón nếu họ không mang các chiến hạm cỡ lớn tới đây.
Chuyên gia Ian Storey nghiên cứu về Biển Đông cho rằng, tuyên bố của ông Mahathir cho thấy "quyết tâm của ông trong việc bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Malaysia trên Biển Đông".
Chuyên gia này nhận định: "Quan điểm của ông ấy không cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Malaysia, nhưng tôi cho rằng ông Mahathir sẽ cứng rắn với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hơn người tiền nhiệm, vốn bị coi là nhượng bộ Bắc Kinh".
Ông Mahathir trở thành Thủ tướng Malaysia sau khi đánh bại ông Najib Razak trong cuộc bầu cử ngày 9/5. Chính phủ của ông Najib trước đây thường bị cáo buộc làm suy yếu vị trí và vai trò của Manila trên Biển Đông với những hành động nhượng bộ để đổi lấy các khoản viện trợ và đầu tư kinh tế lớn từ Bắc Kinh.
Ông Mahathir, người theo chủ nghĩa dân tộc, được cho là có thể đoàn kết nhiều tổ chức và hội nhóm dân tộc lớn ở Malaysia. Giai đoạn ông nắm quyền từ năm 1981 đến 2003 vẫn được ghi nhớ là thời kỳ thịnh vượng trong lịch sử đất nước Malaysia.