(Baonghean) - Thực hiện công khai kịp thời các chính sách, tập trung vận động nhân dân, đối thoại để tháo gỡ khi có vướng mắc, là giải pháp được hệ thống chính trị huyện Quỳ Châu thực hiện trong thời gian qua, nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án xây dựng Hồ chứa nước Bản Mồng.

images1420154__nh_th_nh_duy3.jpgThi công kênh tiêu Châu Bình thuộc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.

“Đến từng ngõ, gõ  từng nhà”

Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 10/2014 đến hết năm 2016 nhằm phục vụ thi công các hạng mục đập phụ, kênh thông hồ và kênh tiêu Châu Bình. Với yêu cầu phải bàn giao mặt bằng nhanh, trong khi số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, lên đến 531 hộ thuộc xã Châu Bình.
 
Ý thức được vai trò của công tác dân vận, chính quyền, UBND huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tổ chức họp với nhân dân 8/8 bản bị ảnh hưởng trong giai đoạn 1.

 Đồng chí Lô Thanh Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu cho biết thêm: “Trong quá trình thực hiện, Hội đồng phân công các tổ phụ trách tiếp tục họp với nhân dân, thực hiện kiểm đếm hiện trạng đất đai và tài sản trên đất; đồng thời tiến hành áp giá đền bù đảm bảo, niêm yết công khai, chi trả đảm bảo theo quy định, đạt hiệu quả cao”. 

Những ngôi nhà mới của người dân sau khi di dời để phục vụ dự án.
Về phía xã Châu Bình, bên cạnh thực hiện phối hợp tốt với các ban, ngành liên quan của huyện và Ban Quản lý dự án, Đảng ủy xã đã phân công mỗi đồng chí trong BCH Đảng bộ xã phụ trách một bản. Bản Quỳnh 2, xã Châu Bình có 259 hộ thì có đến 63 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 11 hộ phải di dời nhà, lúc đầu còn có những thắc mắc, chưa thống nhất. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp, đặc biệt ngay tại bản, nhân dân hiểu đúng ý nghĩa, tiến độ, nguyên tắc áp giá đền bù cho nhân dân. 
 
Nhân dân bản Quỳnh 1, xã Châu Bình (Quỳ Châu) trao đổi với cán bộ xã về việc làm cầu dân sinh.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Chi bộ bản Quỳnh 2 chia sẻ: “Muốn dân hiểu thì trước hết bản thân người đi vận động cũng phải hiểu. Vì vậy, chúng tôi tập trung nắm bắt thông tin về công trình. Từ đó mới tiếp xúc. Khi đã thông tư tưởng thì bà con ủng hộ và thống nhất cao”. Với quá trình vào cuộc đồng bộ, từ bước đầu triển khai khó khăn, bản Quỳnh 2 trở thành đơn vị đầu tiên trong xã Châu Bình bàn giao mặt bằng.

Người dân cũng đã nhận tổng số tiền đền bù, hỗ trợ là 16 tỷ đồng để xây dựng nhà cửa, ổn định sản xuất. Gia đình anh Nguyễn Trần Luyện ở bản Quỳnh 2 là một trong các hộ bị ảnh hưởng cả nhà và 8 sào đất sản xuất. Đến nay, sau khi nhận tiền đền bù, tại vị trí mới, gia đình anh đã xây dựng xong nhà mới khang trang. 
 
Đó cũng là cách làm chung đã được triển khai rốt ráo trong thời gian qua trên địa bàn các bản bị ảnh hưởng ở Châu Bình. Qua đó, tạo được sự đồng thuận trong dư luận nhân dân đối với công trình trọng điểm của cả tỉnh.
 
Đối thoại tháo gỡ vướng mắc
 

Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền cũng như minh bạch chính sách đền bù, thì công tác đối thoại với người dân cũng là giải pháp được vận dụng. Đó là câu chuyện tại bản Quỳnh 1, xã Châu Bình. Khi thi công kênh tiêu Châu Bình, địa giới bản này bị chia đôi, nhân dân sinh sống dọc 2 bên bờ kênh. Phía tả ngạn có hơn 120 hộ sinh sống, còn phía hữu ngạn có 60 hộ. Trong thiết kế đã có 2 cầu bê tông cốt thép bắc qua kênh để phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân.

Kênh tiêu Châu Bình thuộc dự án hồ chưa nước Bản Mồng đang dần hoàn thiện.

Tuy nhiên, theo ý kiến bà con bản Quỳnh 1, vị trí xây dựng cầu chưa hợp lý vì bố trí vào hai đầu của bản. Do đó, nhân dân mong muốn có một cầu dân sinh nối 2 bờ kênh đoạn giữa bản nối thẳng vào nhà văn hóa.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Trưởng bản Quỳnh 1 cho biết: “Hàng ngày người dân phải qua kênh để sản xuất. Khu vực người dân kiến nghị làm cầu cũng là nơi có dân cư tập trung đông, nhu cầu đi lại lớn”. Trước kiến nghị trên của nhân dân, các bên liên quan đã tổ chức 4 cuộc đối thoại để tìm hướng giải quyết vấn đề.
 
Thông qua các cuộc đối thoại, các bên liên quan đã thống nhất xây dựng cầu dân sinh với chiều rộng đủ cho xe máy, xe đạp có thể đi qua với giá trị đầu tư không lớn như các cầu được xây dựng theo thiết kế. 
 
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là việc thực hiện công tác dân vận của các ngành, địa phương, đơn vị liên quan được chú trọng nên đến nay, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng cơ bản nhận được sự thống nhất của nhân dân.
 
Hội đồng đã tiến hành lập hồ sơ đền bù cho 455/531 hộ bị ảnh hưởng của dự án. UBND huyện Quỳ Châu cũng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 368 hộ thuộc 8 bản của xã Châu Bình, đồng thời đã tiến hành chi trả 7 đợt với tổng số tiền hơn 88 tỷ đồng trên tổng kinh phí phê duyệt là hơn 100 tỷ đồng.
 
Đồng chí Lữ Thị Thủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quỳ Châu cho biết: “Hướng sắp tới, chúng tôi vẫn sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện xử lý một số vướng mắc còn tồn tại ở giai đoạn 1, và  giai đoạn 2 của dự án là xây dựng đập chính bản Mồng. Trong khu vực lòng hồ, trên địa bàn Quỳ Châu đang có hàng trăm hộ dân không chỉ của xã Châu Bình mà còn nhiều đơn vị khác bị ảnh hưởng”.
Nhật Lệ