Ông Lê Đức Bích sinh năm 1957, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An. Dấu ấn của ông chính là sự trăn trở, năng động để đa dạng hóa ngành nghề với nhiều phương thức đào tạo phù hợp với trình độ, địa bàn, nhu cầu người học cũng như khả năng tạo việc làm sau đào tạo; đưa chất lượng đào tạo của trường không ngừng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, học sinh - sinh viên sau đào tạo được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc, cung ứng xuất khẩu lao động và tự tạo việc làm có thu nhập ổn định. Trong những năm qua, nhà trường đã tư vấn việc làm cho HSSV, người lao động với tổng số là 29.709 lượt người, giải quyết việc làm trong nước cho 4.786 lượt người, xuất khẩu lao động 1.321 lượt người... Thời gian tới, nhà trường xây dựng đề án nâng cấp trở thành trường đại học.
Thượng tá Nguyễn Đức Cường sinh năm 1975, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) - Công an Nghệ An, Anh hùng LLVT nhân dân; là đại biểu đại diện cá nhân tiêu biểu trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Đức Cường cùng đồng đội phá thành công nhiều chuyên án lớn, bóc gỡ nhiều đường dây buôn bán ma túy, bắt giữ nhiều đối tượng ma túy liều lĩnh, manh động.
Trong 5 năm gần đây, đồng chí đã tham gia và trực tiếp chỉ đạo đấu tranh thắng lợi 76 chuyên án về ma túy, bắt giữ 152 đối tượng, thu giữ 268 bánh hêrôin, 5,5kg thuốc phiện, 50kg cần sa, hơn 19.000 viên ma túy tổng hợp… cùng nhiều vũ khí quân dụng mà các đối tượng sử dụng để gây án.
Ông Lê Xuân Đạt sinh năm 1974, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nhà máy Granite Trung Đô - Công ty CP Trung Đô là đại biểu điển hình tiên tiến. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị suy thoái đã tác động vào Việt Nam, thị trường sản xuất vật liệu bị ảnh hưởng rất lớn nhưng với trách nhiệm được giao quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh tại Nhà máy granite Trung Đô, ông Lê Xuân Đạt đã cùng tập thể CBCNV đưa nhà máy trở thành đơn vị sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Những con số nổi bật trong 5 năm qua của công ty là đã sản xuất gần 1,5 triệu m2 gạch các loại, hơn 1,2 triệu viên ngói và phụ kiện, giá trị sản xuất kinh doanh đạt gần 715 tỷ đồng, doanh thu hơn 177 tỷ đồng, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng; sản phẩm của đơn vị đã đạt nhiều thành tích cấp quốc gia, bộ, ngành. Giám đốc Lê Xuân Đạt nhiều năm liền là chiến sỹ thi đua cơ sở và được nhận nhiều Bằng khen của các cấp.
Thiếu tá Phan Mạnh Hùng, sinh năm 1979, là Đội trưởng Đội đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến quốc lộ 48, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình công chức ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và nuôi ước mơ trở thành một chiến sỹ công an từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hùng thi đậu vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Ra trường, Phan Mạnh Hùng được phân công công tác tại Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy (PC47) Công an tỉnh Nghệ An.
Từ một trinh sát trẻ, Phan Mạnh Hùng nhanh chóng trưởng thành, tham gia lập và phá thành công nhiều chuyên án ma túy lớn, trong đó có những vụ án gây chấn động dư luận về quy mô và số lượng ma túy mà các đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển. Tiêu biểu tháng 7/2012, Phan Mạnh Hùng cùng đồng đội phá thành công chuyên án 383H bắt Vũ Đức Mạnh (Nam Định) và Nguyễn Thị Nhung (Nghệ An) thu 30 bánh hêrôin; tháng 8/2014, anh đã tham gia triệt phá đường dây ma túy từ Lào về Việt Nam rồi vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Chuyên án mang bí số 614K đã buộc “ông trùm” Nguyễn Quốc Khánh (SN 1960), trú phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An) phải xộ khám khi cùng 2 đồng bọn giao dịch 20 bánh hêrôin.
Công tác trên một trận tuyến hết hết cam go và đầy rẫy hiểm nguy, bởi Nghệ An luôn là điểm nóng của tình trạng buôn bán trái phép ma túy từ Lào về Việt Nam, anh và đồng đội thường xuyên phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, những mánh khóe tinh vi của các đường dây và sự liều lĩnh, manh động của bọn tội phạm. Vượt lên trên hết, bằng tinh thần của sức trẻ, của lòng yêu nghề, anh đã luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Lập nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận phòng chống ma túy, năm 2013, thiếu tá Phan Mạnh Hùng vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, năm 2014, được tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì và là đại diện duy nhất của lực lượng công an nhân dân được vinh danh 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương ngày 13/5/2015.
Đại biểu Hoàng Thanh Bình, sinh năm 1985, công nhân Kỹ thuật điện, Công ty TNHH Một thành viên Tân Khánh An, đóng tại Khu Công nghiệp Bắc Vinh. Năm 2008, tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, sau giấc mơ xuất ngoại không thành, anh đầu quân cho Công ty TNHH Một thành viên Tân Khánh An. Kiến thức được trang bị cộng với niềm đam mê nên nhiều kỹ thuật mới đã được anh tiếp thu và ứng dụng nhanh trong sản xuất.
Anh còn là người thường xuyên động viên mọi người tham gia các phong trào thi đua, các cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm. Những sáng kiến tiêu biểu phải kể đến như: thay thế công tắc hành trình lò xo bằng thiết bị cảm biến quang loại thu phát với một mạch điện điều khiển trong dây chuyền của mát tạo bao chuyên sản xuất bao bì xi măng; khắc phục sự cố dàn tỏa nhiệt máy sấy không khí, thiết kế lại hệ thống điện trên máy cắt PE như cảm biến chùng manh, sửa chữa hệ thống điều khiển trong tâm báo cháy...
Các sáng kiến của anh đã góp phần giải phóng sức lao động cho công nhân và tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho Công ty. Với những sáng kiến ấy, Hoàng Thanh Bình được tôn vinh là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, Lao động xuất sắc, đoàn viên công đoàn xuất sắc. Năm 2014, anh được công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam tặng Giấy khen Lao động sáng tạo giai đoạn 2012 - 2014. Và năm 2015, anh vinh dự là đại biểu Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2015.
Ông Trần Đình Ánh, sinh năm 1971, trú tại xóm Hợp Tiến, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, có hơn 10 năm tham gia đánh bắt, khai thác hải sản. Trước những khó khăn do của bà con trong việc sửa chữa và đóng mới tàu cá để vươn khơi xa, năm 2009, ông đã thuê lại mặt bằng của HTX Đoàn Kết, xã Quỳnh Lập (trong khu đất được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch khu sửa chữa đóng mới tàu cá), thành lập cơ sở sửa chữa, cải hoán, đóng mới tàu thuyền với diện tích gần 4000m2.
Khởi nghiệp bằng nguồn vốn ít ỏi, ông đã mạnh dạn thế chấp tài sản tại ngân hàng và vay mượn từ anh em, bạn bè đầu tư mua các loại máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất, mạnh dạn truy cập phần mềm thiết kế mẫu tàu để tham khảo. Tháng 6/2010, con tàu đầu tiên xuất xưởng được đóng tại Quỳnh Lập có công suất 500CV và dài 21m được hạ thủy đảm bảo về kỹ thuật, chất lượng và điều kiện đánh bắt xã bờ, và từ đó cơ sở sản xuất đi vào hoạt động ổn định.
Trước những yêu cầu của sự phát triển và nhu cầu đóng mới, cải hoán tàu công suất dưới 90CV lên từ 350CV - 850CV của bà con ngư dân, từ năm 2012 đến năm 2013, cơ sở sản xuất đã tổ chức đóng mới 8 tàu có công suất từ 750 CV- 850CV và 2 tàu có công suất 250CV. Bên cạnh đóng mới, cơ sở đã tổ chức sữa chữa, cải hoán cho 150 lượt tàu/năm cho bà con ngư dân.