(Baonghean) - Gần như ngay lập tức, sau khi UBND tỉnh Nghệ An công bố thiên tai do hạn hán, thì từ ngày 21 đến 24/6 vừa qua trời đổ mưa. Như thế họa do thiên nhiên gây ra, lại được chính thiên nhiên xóa bỏ. Đó là sự cân bằng của tự nhiên và đó cũng chính là “cơ chế” của tự nhiên. Nếu ta muốn tìm một “cơ chế” để đối phó (chứ không đơn thuần là chống) với hạn hán, thì chính là phải từ “cơ chế” của tự nhiên. Thiên tai do hạn hán với Nghệ An, thế là tạm thời không còn! Nhưng những gì cần làm, phải làm để đối phó hạn hán, đối với Nghệ An là điều cấp thiết phải suy nghĩ, hành động. 
 
Sở dĩ như vậy là vì: Với Nghệ An phải coi hạn hán là chuyện bình thường, năm nào Nghệ An cũng phải chịu cảnh hạn hán ở phạm vi này hay phạm vi khác, ở mức độ này hay mức độ khác. Để đối phó (hay ứng phó) với hạn hán (và cả lụt lội nữa), thì như đã nói ở trên, chúng ta phải nhận thức thật đầy đủ về sự cân bằng của tự nhiên, cơ chế của tự nhiên để từ đó chủ động đối phó ngay khi hạn hán chưa đến, chưa xảy ra, để suy nghĩ và hành động hợp với quy luật tự nhiên (hay cơ chế tự nhiên). Vậy, ngay từ bây giờ phải suy nghĩ và hành động những gì?
 
Thứ nhất, trên cơ sở tổng hợp số liệu quan trắc về lượng mưa trên địa bàn Nghệ An và dự báo về diễn biến khí hậu (từ kịch bản biến đổi khí hậu đã có) để xây dựng kịch bản hạn hán của Nghệ An ở 3 cấp độ: bình thường, nặng và rất nặng. Từ kịch bản chung, cụ thể hóa thành kịch bản hạn hán cho các tiểu vùng khí hậu của tỉnh. Mỗi địa phương trong các tiểu vùng khí hậu căn cứ vào kịch bản đó để xác định những việc phải làm một cách chủ động nhằm ứng phó hạn hán một cách hiệu quả cao nhất có thể, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra. Kịch bản hạn hán chung toàn tỉnh và kịch bản hạn hán cho các tiểu vùng khí hậu phải coi là giải pháp gốc, nhiệm vụ cơ bản cho toàn bộ các giải pháp và các nhiệm vụ tiếp theo để ứng phó với hạn hán.
 
Thứ hai, từ kịch bản hạn hán (chung và các tiểu vùng) các địa phương chủ động tính toán cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng trong mùa hạn hán để mùa vụ và cây trồng thích ứng cao nhất với diễn biến của hạn hán. Khi tính toán cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng nên đặt trong tình thế hạn nặng, hạn rất nặng để tránh bị động.
 
Thứ ba, kiên trì và kiên quyết giữ rừng, phát triển vốn rừng chung toàn tỉnh cũng như ở từng địa phương với nhận thức giữ rừng là giữ nguồn nước, có rừng mới là nguồn sinh thủy. Giữ rừng và phát triển vốn rừng phòng hộ phải được coi là giải pháp cơ bản lâu dài liên quan đến việc tạo nguồn nước, dự trữ nguồn nước (cả nước trên mặt ở các hồ đập chứa nước trữ nước và nguồn nước ngầm).
 
Thứ tư, củng cố vững chắc và khôi phục trữ lượng nước ở các hồ đập đang có. Cần lưu ý rằng, nhiều hồ đập trữ nước ở tỉnh ta được xây dựng từ mấy chục năm về trước, lòng hồ đập bị bồi lắng, nên trữ lượng nước tích trữ trong các hồ đập đã giảm nhiều so với thiết kế ban đầu. Cùng với đó, cần khảo sát để nơi có điều kiện xây dựng thêm càng nhiều càng tốt các hồ đập giữ nước quy mô nhỏ, quy mô vừa ở các huyện trung du, miền núi... Các việc làm trên nhằm mục đích tăng khối lượng nước được tích trữ trong hồ đập của từng địa phương và cả tỉnh. Càng tích trữ được nhiều nước, càng có khả năng ứng phó cao hơn với hạn hán. Một giải pháp nữa cần được tính đến là nạo vét lòng hồ thay cho việc nâng cao thân đập (cơ quan thủy lợi và các cán bộ ngành Thủy lợi cân nhắc kỹ giải pháp này).
 
Thứ năm, xây dựng thêm một số đập ngăn mặn ở hạ lưu các sông để ngăn mặn xâm nhập qua các cửa sông, có thêm nguồn nước ngọt từ sông để bơm tưới khi hạn hán. Việc xây dựng các đập này cần thỏa mãn yêu cầu thoát lũ và nhu cầu vận tải đường sông.
 
Thứ sáu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các công nghệ mới để chống thất thoát nguồn nước khi dẫn nước, để tưới nước tiết kiệm nhất mà vẫn đảm bảo nhu cầu nước cho từng loại cây trồng. Với giải pháp này, chúng ta có thể tham khảo cách làm của Israel, một quốc gia ở vùng sa mạc và bán sa mạc, rất hiếm nước, nhưng họ vẫn có cách đủ nước tưới cho các loại cây trồng.
 
Nói tóm lại, chúng ta phải đối phó (hay ứng phó) với hạn hán theo cơ chế tự nhiên, nhận thức đúng và hành động đúng với quy luật của tự nhiên, cùng với đó là một chiến lược được xây dựng trên cơ sở khoa học chính xác, một hệ thống các chiến thuật chủ động, sáng tạo và linh hoạt. Nếu như với đồng bằng sông Cửu Long cần một chiến lược “sống chung với lũ”, thì Nghệ An ta rất cần một chiến lược “sống chung với hạn hán”.
 
Trương Công Anh