Tại Hội nghị Bộ trưởng về Y tế Công cộng Kỹ thuật số Asean, giáo sư Wang Linfa từ chương trình Bệnh truyền nhiễm mới nổi của Đại học Duke - NUS, cho biết hiện tượng này được gọi là lây truyền đảo ngược (reverse-zoonosis), khi virus được truyền lại từ người sang động vật.

Hầu hết nhà khoa học tin rằng tổ tiên của nCoV trú ngụ trong cơ thể loài dơi được tìm thấy ở châu Á. Sau đó, virus truyền sang một "động vật X", có thể là tê tê hoặc cây hương rồi lây cho người ở chợ hải sản Vũ Hán, Trung Quốc.

"Tiếp theo, như chúng ta đã biết, dịch bùng phát rộng ở quần thể người. Song điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là virus dễ dàng truyền từ người trở lại động vật", giáo sư Wang giải thích.

Đến nay, thế giới đã ghi nhận một vài trường hợp vật nuôi lây nhiễm nCoV từ chủ của chúng, song chưa xác nhận các ca ngược lại. "Sẽ thật đáng lo nếu con người có thể lây Covid-19 cho vật chủ mới, như dơi ở châu Mỹ, vốn không phải ổ chứa virus tự nhiên", giáo sư Wang nhận định.

Theo các chuyên gia, tình huống có thể xảy ra như là một cá thể dơi ăn phải loại trái cây mà người nhiễm bệnh để lại. Lý thuyết nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm chuyên môn của giáo sư Wang về miễn dịch học và và động vật học.

Giáo sư Wang và các đồng nghiệp đã nuôi cấy thành công nCoV sau khi nó xuất hiện ở Vũ Hán và năm ngoái, đưa Singapore trở thành quốc gia thứ ba sau Trung Quốc làm được điều này.

"Dơi có một hệ miễn dịch rất độc đáo. Chúng có thể duy trì virus trong cơ thể mà không phát triển bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn đột biến và truyền cho các động vật X, Y, Z khác. Khi virus đột biến từ các động vật đó lây sang người, chúng ta sẽ nhiễm virus (tạm gọi là) SARS-CoV-3 trong tương lai", ông Wang giải thích.

Mỗi lần virus lây lan giữa các loài, nó buộc phải thay đổi lớn về mặt di truyền để thích nghi với vật chủ mới. Càng lây truyền nhiều, virus càng đột biến nhiều hơn. Một trong số các chủng virus mới có thể trở thành SARS-CoV-3.

12batsjumbojpeg163368418381191633684386178695_9102021.jpgMột con dơi được các nhà khoa học phát hiện trong hang động gần thành phố Ely, bang Nevada, Mỹ. Ảnh: NY Times

Giáo sư Wang đề xuất ba cấp độ chuẩn bị để từng quốc gia ứng phó với đại dịch mới này.

Cấp độ đầu tiên là trước khi mầm bệnh xuất hiện. Các nước cần xem xét virus ở các loại động vật khác nhau, loại nào được buôn bán và tiêu thụ thường xuyên. Điều này khó thực hiện, bởi các nhà khoa học không có tiêu chuẩn để phỏng đoán virus nào dễ dàng truyền từ động vật sang người.

Các nhà khoa học phải làm việc với cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế để đánh giá rủi ro và chuẩn bị các biện pháp đối phó, ngăn chặn sự lây lan của virus.

Cấp độ thứ hailà cảnh báo sớm. Các ca nhiễm nghiêm trọng, bất thường tại khu hồi sức tích cực hoặc cơ sở y tế địa phương có thể là dấu hiệu đầu tiên của một chủng virus mới. Trường hợp này từng xảy ra ở Vũ Hán, nơi bác sĩ tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng, chẩn đoán âm tính với tất cả các mầm bệnh đã biết.

Cấp độ cuối cùng là khi virus bắt đầu lây lan. Biện pháp lúc này là phát triển vaccine và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp. Các chuyên gia tại Đại học Duke-NUS đang nghiên cứu vấn đề này.

Giáo sư Wang và các đồng nghiệp phát triển một loại vaccine riêng để tiêm tăng cường trong tương lai, hiệu quả bảo vệ người dùng ngay cả khi nCoV và virus corona nói chung đột biến. Họ nảy ra ý tưởng này khi phát hiện người từng mắc SARS vào năm 2003 tiêm vaccine Pfizer ngừa Covid-19 sản sinh kháng thể vô hiệu hóa tất cả các đột biến của nCoV, chẳng hạn Delta.

Các kháng thể này cũng giải quyết được virus corona truyền từ động vật khác. Vaccine tăng cường phản ứng tốt với virus SARS trong thử nghiệm ở chuột. Khi đã có bằng chứng về độ hiệu quả, nhóm của ông Wang dự kiến thử nghiệm trên người trong thời gian tới.

Ông dự định tuyển thêm tình nguyện viên từng mắc SARS ở Hong Kong, Quảng Châu hoặc Toronto. Mục đích nghiên cứu là tìm hiểu mức độ miễn dịch ở người sau khi tiêm các loại vaccine như Moderna, Sinovac hoặc AstraZeneca.