Đầu tháng 10/2021, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đưa vào sử dụng vaccine cúm thế hệ mới cho trẻ em, người lớn. Đây là vaccine duy nhất tại Việt Nam hiện nay có thể phòng 4 chủng virus cúm mùa, còn gọi là vaccine tứ giá, đang được sử dụng tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, trước đây Việt Nam chỉ có vaccine cúm tam giá chứa 3 chủng cúm gồm A/(H3N2), A/(H1N1) và một chủng cúm B (Yamagata hoặc Victoria). Loại vaccine mới còn có thêm một chủng cúm B, đồng nghĩa cùng lúc chứa 4 chủng cúm đang gây bệnh nhiều nhất hiện nay, cho hiệu quả bảo vệ, độ bao phủ các chủng cúm rộng hơn. Lịch tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (US-CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới mỗi năm có từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong liên quan đến cúm mùa.
Tại Việt Nam, dịch cúm mùa thường lan rộng vào mùa thu và đạt đến đỉnh điểm trong những tháng đông. Cúm mùa cũng có thể tiếp tục xuất hiện vào mùa xuân, ở những thời điểm bất thường có thể kéo dài đến tháng 5. Theo Cục Y tế dự phòng (VNCDC), các chủng virus cúm phổ biến nhất ở Việt Nam là cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Chỉ trong năm 2019, cả nước đã ghi nhận hơn 400.000 người mắc cúm, 10 trường hợp tử vong. Cúm vẫn đang là mối đe dọa toàn cầu.
WHO khuyến cáo, tiêm vaccine phòng cúm hàng năm giúp sớm chủ động phòng bệnh, là biện pháp đơn giản và tiết kiệm chi phí. VNCDC cũng thông tin, tiêm phòng có thể giảm tỷ lệ tử vong do cúm 70-80%, ngăn ngừa nhiễm bệnh và giảm 60% biến chứng. Người đã tiêm vaccine mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít có nguy cơ tử vong hơn người chưa tiêm vaccine.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, vaccine cúm tứ giá về Việt Nam đã bổ sung kịp thời cho tình trạng thiếu hụt trên thị trường, tiêm ngừa cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh, tiêm vaccine cúm cũng giúp giảm bệnh lý nền liên quan hệ hô hấp, hạn chế tổn thương cho cơ thể nếu chẳng may mắc Covid-19.
Theo báo theguardian, những bệnh nhân covid-19 không được tiêm phòng cúm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 45-58%, khả năng bị đông máu cao hơn khoảng 40% và khả năng bị nhiễm trùng huyết cao hơn 36-45%. Bệnh nhân cũng có nhiều khả năng phải điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt ICU (tăng 20%) và phòng cấp cứu (cao hơn 58%).
Bác sĩ Chính dẫn nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 cũng giảm ở nhóm đối tượng đã được tiêm vaccine cúm mùa. Đây là kết quả của quá trình "miễn dịch được huấn luyện (trained immunity)". Tiêm chủng vaccine cúm mùa đã kích hoạt phản ứng miễn dịch thích nghi của cơ thể, từ đó, tạo miễn dịch đặc hiệu qua quá trình đáp ứng miễn dịch, sản sinh ra kháng thể tiêu diệt kháng nguyên khi tiếp xúc lặp lại với một kháng nguyên tương tự.
Bác sĩ Chính chia sẻ thêm, tại Việt Nam, hiện trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm vaccine Covid-19. Nếu được tiêm phòng cúm mùa, trẻ có thể tăng cường sức đề kháng chống lại virus Sars-Cov-2 và có thể giảm nguy cơ diễn biến nặng của Covid-19. Vaccine phòng cúm tứ giá mới góp phần tăng cường thêm khả năng chống lại nhiều biến chủng cúm nguy hiểm.
"Tiêm vaccine phòng cúm rất cần thiết bên cạnh tiêm phòng Covid-19. Một số quốc gia khuyến khích tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu khuẩn cùng vaccine Covid-19 để mang lại hiệu quả phòng bệnh cộng gộp, giảm thời gian, công sức của người được tiêm", bác sĩ Chính nói thêm.