(Baonghean) - Cô giáo Phan Thị Hồng Mai sinh năm 1967 trong một gia đình có bố là nhà giáo. Theo nghiệp của bố, năm 1988, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm miền xuôi Nghệ An, cô được phân công về dạy tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 (Thành phố Vinh).
 
Tại đây, cô đã từng làm bí thư chi đoàn, tổ trưởng chuyên môn. Tháng 9/2004, cô được giao nhiệm vụ mới và chuyển về làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Lộc (Thành phố Vinh). Nhưng có lẽ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có nhiều ấn tượng tốt đẹp về cô kể từ khi cô làm hiệu trưởng trường này (năm 2008) và chủ động bắt tay vào việc thực hiện đổi mới các hoạt động giáo dục của trường. 
 
“Phải thay đổi cách làm giáo dục tiểu học, phải đổi mới chứ không thể theo lối mòn cũ”, trăn trở ấy được cô quyết tâm biến thành chương trình hoạt động của nhà trường. Theo cô Mai, ở tiểu học, dứt khoát phải thực hiện giáo dục toàn diện chứ không thể chỉ lo mấy môn văn hoá, không thể giáo dục theo kiểu “nuôi gà chọi”. Bởi có chăm lo giáo dục toàn diện thì mới thực hiện được mục tiêu của cấp học là “giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở”. 
 
images874018_c__gi_o_phan_th__h_ng_mai__hi_u_tr__ng_tr__ng_th_h_ng_s_n__vinh_.jpgCô Phan Thị Hồng Mai.
 
Cô Mai cùng tập thể lãnh đạo nhà trường chọn mỗi khối một lớp làm thí điểm. Chỉ chưa hết học kỳ 1 năm học ấy, kết quả ở các lớp thí điểm đã làm mọi người ngạc nhiên: học sinh tự tin hơn, hoạt bát hơn trong sinh hoạt, trong giao tiếp; các em biết lễ phép, biết thương yêu, nhường nhịn nhau; biết tự phục vụ bản thân và chất lượng học tập tiến bộ hơn. Từ thực tế này, giáo viên không còn băn khoăn với những giải pháp mà lãnh đạo nhà trường đã đưa ra; ngược lại, tất cả đều say sưa, tâm huyết thực hiện sự đổi mới ấy. Còn cha mẹ học sinh thì ủng hộ cách tổ chức hoạt động giáo dục của nhà trường, nhiều người đã góp nhặt, tự làm đồ chơi cho học sinh và đem đến tặng nhà trường.
 
Để việc đổi mới hoạt động giáo dục của nhà trường đạt hiệu quả cao, theo cô Phan Thị Hồng Mai, điều quan trọng là phải xây dựng đội ngũ giáo viên đoàn kết, có năng lực chuyên môn tốt và luôn luôn chăm lo đổi mới phương pháp dạy học. Cách làm của cô là tạo điều kiện để giáo viên trong trường được tham gia góp ý kiến, hiến kế vào mọi chương trình, kế hoạch của nhà trường (thường là thông qua sinh hoạt hội đồng sư phạm, sinh hoạt tổ chuyên môn, sinh hoạt các đoàn thể); được tiếp cận với những vấn đề mới của giáo dục nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng.
 
Năm học 2012-2013, cô chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện phân hóa đối tượng trong dạy học; rồi ứng dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào hoạt động dạy học để phát huy cao độ trí lực của học sinh. Đây là cách dạy học mới của “Mô hình trường học mới Việt Nam” (mà Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đang thí điểm ở hai trường tiểu học của Thành phố Vinh) để mọi người nghiên cứu, vận dụng, kết hợp với phương pháp “bàn tay nặn bột” mà nhà trường đang triển khai. Chỉ đạo giáo viên tự học nâng cao năng lực chuyên môn và đưa họ vào hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, bản thân cô giáo Mai luôn là người gương mẫu trong những công việc này. Từ một người chỉ có trình độ trung cấp sư phạm, năm 2010, cô Mai đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ (chuyên ngành Giáo dục tiểu học); cô là “cây sáng kiến” kinh nghiệm với nhiều đề tài được công nhận ở cấp tỉnh: “Tìm hiểu hứng thú học tập của học sinh tiểu học”; “Một số biện pháp chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức ở trường tiểu học”;  “Sử dụng Graph vào dạy học kiểu bài mở rộng vốn từ ở lớp 4, lớp 5”;…
 
Với sự năng động và tâm huyết của mình, cô giáo Phan Thị Hồng Mai đã cùng tập thể cán bộ, giáo viên đưa Trường Tiểu học Hưng Lộc trở thành điểm sáng của Thành phố Vinh, ba năm liền (2009-2012) được công nhận là tập thể lao động xuất sắc, được công nhận là trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (năm 2010). Từ tháng 10 năm 2012, cô giáo Phan Thị Hồng Mai được chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Sơn (TP.Vinh). Dưới sự chỉ đạo của cô, cuối năm học 2012-2013, Trường Tiểu học Hồng Sơn đã có chuyển biến đáng kể; Trường được Phòng GD&ĐT TP.Vinh đánh giá là một trong những trường ở tốp đầu của thành phố. Bản thân cô đã được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (2008-2011); được UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động sáng tạo, lao động giỏi giai đoạn 2007-2012”; được chọn cử tham gia hai hội nghị vinh danh cán bộ quản lý giỏi cấp tiểu học do Sở GD&ĐT Nghệ An và Bộ GD&ĐT tổ chức (năm 2012).
 
Ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An nhận xét: “Cô Mai là một cán bộ quản lý có nhiều tố chất tốt: tâm huyết, luôn luôn hướng về lợi ích học sinh; các giải pháp của cô Mai đưa ra đều thể hiện tạo điều kiện để học sinh tiểu học được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất. Khi làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Lộc - một trường ngoại thành, cô Mai đã có nhiều hiến kế để xây dựng trường trở thành môi trường giáo dục tốt. Nhiều người đến thăm trường đều ước muốn có được một môi trường giáo dục như Trường Tiểu học Hưng Lộc. Cô Mai cũng lại là người rất cầu thị và chịu khó học hỏi ở đồng nghiệp, bạn bè; biết tích lũy và biến kinh nghiệm của đồng nghiệp, của đơn vị bạn thành của chính mình”.
 
Minh Đức